Giá / Tin thủy sản

Con tôm vào năm mã số nuôi

Con tôm vào năm mã số nuôi
Tác giả: Sáu Nghệ
Ngày đăng: 26/02/2020

Năm 2019, ngành tôm nước ta phát triển nhiều công nghệ nuôi và liên kết chuỗi giá trị để tự tin bước vào năm mới cấp mã số cơ sở nuôi, tạo nền tảng truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu mọi thị trường.

Mã số cơ sở nuôi tôm sẽ giúp xuất khẩu hanh thông - Ảnh: Xuân Trường

Chuyển động

Tiến sĩ Cao Lệ Quyên, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, cho biết trước đây hệ thống nuôi tôm đóng, còn bây giờ chuyển sang hệ thống mở. Trước năm 2010, các công nghệ nuôi tôm gồm có nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, bán thâm canh và thâm canh với đặc điểm chung là phân biệt dựa trên mật độ và năng suất nuôi, điều kiện cơ sở hạ tầng, diện tích ao nuôi. Còn bây giờ, công nghệ cao như hệ thống nuôi tuần hoàn (RAS), nuôi tôm nước chảy kiểu sông trong ao (raceway), nuôi tôm theo quy trình 3 pha trong ao, nuôi siêu thâm canh nhiều tầng, nuôi siêu thâm canh trong nhà kính, nuôi tôm sử dụng thức ăn có nguồn gốc từ thực vật lên men và nuôi biofloc, semi-biofloc, copefloc…

Công nghệ nuôi cùng với phát triển chuỗi cơ sở sản xuất tôm an toàn dịch bệnh, theo Cục Thú y, góp phần quan trọng giảm 36,07% diện tích tôm nuôi nước lợ bị thiệt hại trong 11 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, chỉ có 21.655 ha bị dịch bệnh so với cùng kỳ năm 2018 là 33.877 ha, chiếm 3,03% tổng diện tích 713.402 ha tôm nuôi nước lợ trong 11 tháng.

Cũng theo Cục Thú y, từ năm 2015 đã hướng dẫn Tập đoàn Việt - Úc xây dựng chuỗi sản xuất tôm (cơ sở sản xuất tôm giống - nuôi tôm thương phẩm - sản xuất thức ăn cho tôm - sơ chế - chế biên tôm) an toàn dịch bệnh. Cuối năm 2018, cơ sở sản xuất tôm giống của Công ty CP Việt Úc - Bạc Liêu đã đạt tiêu chí về an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) đối với 5 bệnh trên tôm; và nay cơ sở nuôi tôm thương phẩm của Tập đoàn Việt - Úc tại huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) đang hoàn thiện các thủ tục để đánh giá, công nhận. Bên cạnh, một cơ sở của Công ty TNHH MTV Sản xuất giống thủy sản Hoàng Danh tại tỉnh Ninh Thuận được công nhận an toàn dịch bệnh với 3 bệnh trên tôm từ ngày 25/10/2019. Hiện, có 4 cơ sở đăng ký với Cục Thú y để xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh trên tôm theo quy định của Việt Nam và OIE là Tập đoàn Việt - Úc, Công ty CP Thực phẩm Trung Sơn, Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung, Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc. 

Chuỗi liên kết giá trị tôm được nhiều địa phương hỗ trợ phát triển. Ở tỉnh Sóc Trăng, Sở NN&PTNT cho biết, giai đoạn 2015 - 2018 đã có 26 cơ sở nuôi tôm đạt các tiêu chuẩn VietGAP, ASC, GlobalGAP, BAP với diện tích 1.100 ha. Năm 2019, thêm 2 hợp tác xã và 5 hộ đạt các tiêu chuẩn quản lý tốt, đồng thời 3 hợp tác xã đạt chứng nhận ASC đã liên kết với nhà máy chế biến.

Ở tỉnh Bạc Liêu có 1.845 ha nuôi tôm liên kết, tăng 40,9% so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Chế biến Thủy hải sản Xuất nhập khẩu Thiên Phú ký kết với Hợp tác xã Đồng Tiến và Tổ hợp tác Tiền Phong có 237 hộ nuôi tôm sú theo tiêu chuẩn GlobalGAP/ASC với 412,5 ha; ký kết với Tổ hợp tác Nuôi trồng thủy sản Long Điền Đông có 95 hộ nuôi tôm - rừng 496 ha. Công ty Tôm Miền Nam ký kết với Hợp tác xã Nuôi tôm Thành Đạt có 16 hộ với 42 ha; Tổ hợp tác Biển Bạc có 122 hộ với 371 ha; Tổ hợp tác Thành Công có 64 hộ với 104 ha nuôi theo tiêu chuẩn ASC. Công ty Ngọc Trí ký kết với 41 hộ nuôi tôm - rừng 419,5 ha.

Mã số

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2019 sau khi sụt giảm ở các tháng đầu năm, từ quý III/2019, xuất khẩu tôm phục hồi nhẹ. Tính đến hết tháng 9 đạt 2,43 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ và hết tháng 10 đạt 2,78 tỷ USD, giảm 6,4%. Trong đó, tôm thẻ chân trắng chiếm 70%, tôm sú 21% và tôm biển 9%. Từ quý III/2019, xuất khẩu tôm sang tất cả các thị trường đều tăng so với cùng kỳ năm trước, Trung Quốc tăng 7,2%, Mỹ 1%, Australia 7,3%, Đài Loan 13,9%. Giá tôm Việt Nam xuất khẩu sang EU có giảm so với năm 2018 nhưng vẫn cao hơn 15 - 20% (1 -  2 USD/kg) so các nước như Ấn Độ, Trung Quốc. Tại thị trường Nhật Bản, tôm nước ta xuất khẩu ổn định về khối lượng, tuy giá có giảm là do giảm của thị trường, giá từ 12 USD/kg xuống 11 USD/kg bằng với giá tôm Thái Lan, Indonesia và cao hơn giá tôm Ấn Độ chỉ có 9,3 USD/kg.

Phân tích của VASEP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức ký kết từ ngày 30/6/2019, theo đó thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) vào EU sẽ giảm từ 12 - 20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực (từ năm 2020). Còn thuế tôm chế biến sẽ về 0% sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Thị trường EU chiếm khoảng 31% tổng nhập khẩu tôm thế giới và chiếm 22% xuất khẩu tôm của Việt Nam. Nếu biết tận dụng ưu đãi thuế quan, áp dụng hiệu quả quy tắc xuất xứ, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU sẽ có cơ hội gia tăng từ năm 2020.

Để tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA, tôm nước ta phải đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa và đảm bảo an toàn thực phẩm. Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân nhấn mạnh: “Các địa phương tập trung hoàn thành việc đăng ký mã số cơ sở nuôi tôm trong nửa đầu năm 2020 để đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc của thị trường”.

Ở tỉnh Sóc Trăng, địa phương có diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh lớn nhất nước, tổng diện tích nuôi tôm hơn 56.000 ha nhưng có đến hơn 40.000 cơ sở nuôi (doanh nghiệp và hộ gia đình). Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng Quách Thị Thanh Bình cho biết, cuối năm 2019, tỉnh đã cấp mã số cơ sở nuôi cho hơn trăm trang trại, đấy là những trang trại có diện tích từ 3 ha trở lên và chủ trang trại chủ động đi đăng ký làm thủ tục. Để cấp mã số cơ sở nuôi cho số lượng rất lớn hộ gia đình nhỏ lẻ còn lại, kế hoạch của Chi cục sẽ tổ chức đoàn công tác xuống làm việc tận các xã. “Nếu một ngày cấp được 400 hộ thì cũng phải đến tháng 4/2020 mới hoàn thành. Rất khó khăn và tốn kém nhưng được chính quyền các cấp ủng hộ, bà con nuôi tôm hưởng ứng, chúng tôi quyết hoàn thành để góp phần nâng tầm tôm Việt”, bà Bình tin tưởng.

Cấp mã số vùng nuôi là yêu cầu cấp thiết nhằm đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước cũng như đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc trong quá trình xuất khẩu, đáp ứng các yêu cầu của thị trường theo thông lệ quốc tế. Với nhóm đối tượng nuôi chủ lực như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, Luật Thủy sản đã có yêu cầu chủ cơ sở phải đăng ký và cấp mã số cơ sở nuôi. 


Có thể bạn quan tâm

Vì một ngành tôm bền vững Vì một ngành tôm bền vững

Là lĩnh vực mũi nhọn của ngành thủy sản, nhưng sản xuất tôm tại Việt Nam gặp không ít thách thức cho sự phát triển; theo đó, rất cần những giải pháp tháo gỡ

26/02/2020
Tăng cường phòng chống rét cho thủy sản nuôi Tăng cường phòng chống rét cho thủy sản nuôi

Phân công trách nhiệm cho các cán bộ, lãnh đạo trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế hoạch, phương án phòng chống rét.

26/02/2020
Nuôi tôm sinh thái đạt chuẩn quốc tế tại Omarsa Nuôi tôm sinh thái đạt chuẩn quốc tế tại Omarsa

Tôm Omarsa luôn đảm bảo chất lượng bởi tuân thủ nghiêm ngặt về kiểm soát và nguyên tắc bảo vệ môi trường.

26/02/2020