Đến trang trại của gia đình anh Nguyễn Duy Châu ở xã Thụy Thanh, huyện Thái Thụy (Thái Bình) sau khi vượt qua một chặng đường lầy lội của vùng kinh tế mới, chúng tôi mới thấy hết sự nỗ lực để có thành công với mô hình trang trại tổng hợp của anh.
“Năm 2005, thực hiện chủ trương đi xây dựng vùng kinh tế mới của huyện, gia đình tôi đến vùng đất hoang hóa của xã Thụy Thanh. Lúc đó, tài sản lớn nhất của gia đình tôi là 4ha đất do xã cấp, nhìn bốn phía chỉ có đồng không và nước mà thấy nản quá”- anh Châu kể.
Ngày ấy, hằng đêm anh trăn trở tính đủ mọi cách để tìm ra hướng đi cho cuộc sống mới. Anh nhận thấy với vị trí chiêm trũng của quê hương mới, chỉ có thể đầu tư vào đào ao thả cá và nuôi vịt là phù hợp nhất. Nghĩ là làm, anh làm đơn vay 20 triệu đồng vốn hỗ trợ việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.
Có vốn trong tay, anh mua giống cá trắm, trôi, mè về thả nuôi. Trên bờ, anh quây chuồng nuôi vịt đẻ và gà thịt. Nhờ tuân thủ kỹ thuật và phòng bệnh cho cá, gia cầm, nên cá, gà, vịt lớn nhanh và cho gia đình anh thu nhập mỗi năm 200 triệu đồng.
Thấy diện tích đất vẫn còn nhiều để thì phí, anh Châu dùng tiền bán cá, gà, vịt đầu tư xây chuồng nuôi lợn, trồng khoai tây. “Mình trồng khoai tây để bán và lấy thức ăn cho lợn, vừa không phải lo khâu thức ăn vừa đảm bảo chất lượng thịt. Nuôi lợn bán thịt cũng như nuôi cho mình ăn, thịt lợn có an toàn, có ngon thì mới bán được”- anh Châu tâm sự.
Đúng như tính toán của anh, lứa lợn nào gia đình anh xuất bán cũng tiêu thụ hết. “Mỗi năm gia đình tôi nuôi 16 lứa lợn, mỗi lứa 15 con, trừ chi phí cũng bỏ túi ngót 100 triệu đồng”- anh Châu tiết lộ. Từ hai bàn tay trắng, giờ đây, gia đình anh Châu đã xây dựng được một cơ ngơi khang trang, tiện nghi đầy đủ và có tiền lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn. “Có sức người sỏi đá cũng thành... tiền”- đó là bí quyết thành công mà anh Châu chia sẻ với chúng tôi.