Có phân Lâm Thao, “chè phường” năng suất cao
Đến nay, nông nghiệp vẫn chiếm một tỷ lệ quan trọng trong cơ cấu kinh tế của TP.Lai Châu (tỉnh Lai Châu). Người dân nhiều phường của thành phố vẫn trồng chè, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm... cho thu nhập khá. Quyết Tiến là một trong những phường như thế.
Trong ảnh: Cán bộ Hội Nông dân tỉnh Lai Châu thăm mô hình trình diễn bón phân NPK-S Lâm Thao trên cây chè ở phường Quyết Tiến (TP.Lai Châu, tỉnh Lai Châu). Ảnh: N.V
Trồng chè “nhàn tênh” nhờ có phân Lâm Thao
Đi từ trụ sở Hội Nông dân tỉnh Lai Châu, chỉ mất chừng hơn 5 phút chúng tôi đã có mặt tại khu đất của Tổ 4, Đội 2 Nông trường Tam Đường trước đây. Khu vực này giờ đây là Tổ 6, phường Quyết Tiến. Những công nhân của Nông trường Tam Đường nổi tiếng xưa kia giờ hầu hết đã nghỉ hưu hoặc nghỉ việc một lần theo Quyết định 176 của Chính phủ. Từ công nhân nông nghiệp, nay là cư dân đô thị nhưng trong tay họ chỉ có đất và nghề trồng chè nên họ vẫn gắn bó với công việc trồng chè. Cũng vì từ xã lên phường nên những diện tích chè ở đây được bà con gọi vui là "chè phường".
Từ hiệu quả của mô hình "chè phường" ở Quyết Tiến, chúng tôi mong muốn Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tiếp tục hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn phân bón cho một số cây trồng chính trên địa bàn tỉnh như cây chè, lúa, ngô... Đồng thời tiếp tục thực hiện cơ chế bán hàng chậm thanh toán để nông dân nghèo miền núi có vật tư chăm sóc cây trồng”. Bà Phạm Thị Hồng Gấm
Thực hiện Nghị quyết số 07 của Ban chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam về đẩy mạnh hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh Lai Châu đã cùng Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao phối hợp thực hiện chương trình hỗ trợ nông dân về vật tư phân bón và kỹ thuật canh tác.
Theo đó, từ năm 2011 đến nay, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao và tổ chức Hội Nông dân các cấp trên địa bàn Lai Châu đã triển khai 52 hội nghị hướng dẫn sử dụng phân bón Lâm Thao cho 3.520 lượt hội viên; triển khai 22 mô hình trình diễn sử dụng phân bón Lâm Thao khép kín cho các cây lương thực, cây công nghiệp. Điển hình có thể kể tới mô hình sử dụng phân bón Lâm Thao trên hơn 2ha chè của các hộ thuộc Tổ 6, phường Quyết Tiến.
Cùng đi thăm mô hình trồng chè của bà con tổ 6 với chúng tôi có Phó Chánh văn phòng Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Lai Châu và một số cán bộ địa phương. Từ đường phố chính, qua con ngõ dài chừng 100m chúng tôi đã thấy cả một vạt đồi trồng chè xanh mướt, diện tích lên tới vài chục ha. Ở đây chè được trồng từng hàng theo đường đồng mức, có xen cây họ đậu để vừa góp phần cải tạo đất, vừa tạo bóng mát cho cây chè.
Ông Đỗ Văn Động, 74 tuổi, vốn là công nhân Nông trường Tam Đường, nay là chủ nương chè kinh doanh rộng 8.000m2 liền kề nhà ở, chia sẻ: “Trước đây, nông dân Lai Châu và cả công nhân nông trường đều có thói quen sử dụng phân hóa học riêng lẻ để bón cho cây chè. Từ ngày được Hội Nông dân và Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tập huấn, hướng dẫn sử dụng phân bón tổng hợp NPK Lâm Thao khép kín, chúng tôi áp dụng thấy năng suất chè cao hơn hẳn. Chè đều búp, thời gian cho búp dài hơn, công bón phân và làm cỏ giảm đáng kể. Nhà tôi chỉ có hai vợ chồng già và đứa con út nhưng việc chăm sóc, thu hoạch gần 1ha chè nhàn tênh, không tất bật như khi sử dụng phân đơn”.
Bón phân hợp lý, chè đạt năng suất cao
Cùng sở hữu diện tích chè thuộc mô hình, còn có gia đình anh Thang Tiến Vui, gia đình chị Nguyễn Thị Duyến, mỗi nhà có trên dưới 1ha. Anh Vui cho biết, mỗi năm gia đình anh bón từ 3-4 đợt phân bón NPK-S Lâm Thao cho chè theo hướng dẫn của cán bộ Hội Nông dân. Nhờ bón phân hợp lý, nương chè nhà anh sinh trưởng phát triển tốt, năng suất đạt bình quân 26 - 28 tấn/ha.
Dây chuyền đóng gói sản phẩm phân bón tại Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao. Ảnh: I.T
Trên vạt đồi sát nhà chỉ có gần 1.000m2 chè, song nhờ sử dụng lá xanh tủ gốc và bón phân NPK-S Lâm Thao cho cây chè mà mỗi năm gia đình chị Nguyễn Thị Duyến thu hoạch được 3 tấn chè búp tươi. Chị Duyến cho biết, dù chưa phải đã giàu có, nhưng cây chè đã giúp các hộ tham gia mô hình bón phân NPK Lâm Thao khép kín có nguồn thu nhập ổn định, đời sống khấm khá hơn.
Ở TP.Lai Châu, cây chè đang là một trong những cây trồng chủ lực trong việc khai thác tiềm năng đất đồi rừng, tạo việc làm và thu nhập cho một bộ phận cư dân đô thị vẫn gắn bó với nông nghiệp.
Bà Phạm Thị Hồng Gấm - Phó Chủ tịch Hội Nông dân, kiêm Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Lai Châu đã chia sẻ với chúng tôi về kết quả 5 mô hình trồng chè sử dụng phân bón Lâm Thao khép kín ở huyện Tân Uyên. Qua theo dõi của Trung tâm, các mô hình trình diễn bón phân NPK-S*M1 12.5.10-14 do Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cung cấp đã giúp cây chè kinh doanh đạt kết quả tốt. Cây chè sinh trưởng, phát triển khỏe; sâu hại nhiễm ở mức trung bình nhẹ; năng suất chè tại mô hình đạt cao hơn từ 30,8 - 35% so với diện tích đối chứng sản xuất theo phương pháp thâm canh truyền thống.
Bước đầu cho thấy việc bón phân NPK-S*M1 12.5.10-14 Lâm Thao cho cây chè kinh doanh thể hiện tính ưu việt trong sản xuất chè như: Năng suất tăng, búp chè có chất lượng cao hơn, dài hơn và xanh hơn, lá chè dày hơn. Cây chè tăng sức chống chịu với điều kiện thời tiết bất thuận, sâu hại chè tốt hơn; giảm công lao động bón phân, nâng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.
Có thể bạn quan tâm
Câu chuyện về “Vua nấm” Bảy Yết không lạ với người dân trồng nấm tại TPHCM và cả nước, bởi ông là người đầu tiên trồng thành công nấm bào ngư tại Việt Nam
Đổi mới môi trường đầu tư, ưu tiên, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đầu tư phát triển, là một trong những “bí quyết” tạo nên một Vĩnh Phúc hùng mạnh
Ngành nông nghiệp đã lấy lại đà tăng trưởng ngoạn mục đạt 1,2%; tổng kim ngạch toàn ngành nông, lâm, thủy sản lần đầu tiên cán mốc trên 32 tỷ USD.