Cơ Hội Cho Tôm Chân Trắng Ở Khánh Hòa
Năm 2013, nhu cầu tiêu thụ tôm chân trắng trên thị trường thế giới sẽ chiếm khoảng 2/3 sản lượng tôm đông lạnh xuất khẩu. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu và cả người nuôi tôm chân trắng.
Nhu cầu xuất khẩu lớn
Theo đánh giá của các DN chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, nếu như năm 2012, tôm sú là mặt hàng chủ lực trong hoạt động xuất khẩu tôm đông lạnh thì năm 2013, dự báo mặt hàng tôm chân trắng sẽ chiếm hơn 70% sản lượng với khoảng hơn 35 nghìn tấn. Đến thời điểm này, nhiều DN đã ký kết được hợp đồng xuất khẩu tôm chân trắng sang các thị trường: Mỹ, châu Âu, khu vực Đông Bắc Á, Trung Đông... Riêng 2 tháng đầu năm nay, hoạt động xuất khẩu tôm, trong đó chủ yếu là tôm chân trắng của các DN trên địa bàn tỉnh đạt 4,5 nghìn tấn, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 25 triệu USD, tăng 23%. Theo lãnh đạo các DN, kinh tế thế giới suy giảm đã khiến nhu cầu tiêu dùng trên thị trường thế giới sụt giảm, nhiều mặt hàng thủy sản giá thành cao tiêu thụ chậm. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thủy sản có giá thành thấp như tôm chân trắng lại rất cao. Đây là cơ hội cho những DN chế biến tôm chân trắng xuất khẩu và cả nông dân nuôi loài tôm này.
Đứng đầu trong các DN xuất khẩu tôm chân trắng với số lượng lớn trên địa bàn tỉnh là Công ty Cổ phần Nha Trang Seafoods - F17. Năm 2012, Công ty đã xuất khẩu khoảng 9 nghìn tấn tôm chân trắng. Năm 2013, tôm chân trắng được Công ty xác định là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của đơn vị. Theo ông Huỳnh Long Quân - Phó Tổng Giám đốc Công ty, những năm qua, mặt hàng tôm chân trắng xuất khẩu của đơn vị đã khẳng định được uy tín, thương hiệu tại thị trường nhiều nước trên thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi để DN mở rộng thị trường trong năm 2013. Hiện nay, thị trường xuất khẩu tôm chân trắng của DN chủ yếu là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước vùng Trung Đông... “Tôm thẻ chân trắng có giá thành thấp, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Hiện nay, các nước như: Mỹ, Anh, Nhật tiêu thụ tôm chân trắng với số lượng rất lớn”, ông Quân cho biết.
Chú trọng chất lượng tôm thương phẩm
Tôm chân trắng được tiêu thụ mạnh trên thị trường thế giới là cơ hội để nghề nuôi đối tượng nuôi này phát triển. Tuy nhiên, trước những rào cản kỹ thuật mà các nước nhập khẩu đưa ra đối với tôm xuất khẩu của Việt Nam, việc đầu tư chiều sâu trong nuôi tôm chân trắng đang là vấn đề cần được quan tâm. Theo Thạc sĩ Hoàng Văn Duật - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III - Nha Trang, để hạn chế rủi ro, trước khi thả nuôi, người dân nên lựa chọn kỹ để có những lô giống đạt chất lượng tốt. Người nuôi tôm nên tuân thủ những khuyến cáo về quy trình cũng như kỹ thuật, sử dụng thức ăn, các chế phẩm phục vụ nuôi trồng thủy sản theo đúng quy định. Ngoài ra, trong quá trình nuôi, nông dân nên ghi chép sổ sách để làm cơ sở cho việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khi DN tiến hành xuất khẩu, nhất là châu Âu và Mỹ. Có như vậy, chất lượng, giá bán tôm chân trắng mới được nâng cao.
Năm nay, toàn tỉnh duy trì khoảng 2.000 ha diện tích nuôi tôm chân trắng, sản lượng ước đạt 10 nghìn tấn. Tuân thủ khuyến cáo của Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh, ngư dân đã thả nuôi tôm chân trắng vụ 1 từ cuối tháng 3; nhiều ngư dân chú trọng việc nâng cao chất lượng tôm thương phẩm nhằm đáp ứng tôm nguyên liệu cho xuất khẩu và nâng cao giá bán. Ông Lê Thanh Dũng (xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa) cho biết: “Năm nay, tôi thả nuôi hơn 3ha tôm chân trắng.
Để nâng cao chất lượng con tôm, ngay từ đầu vụ, tôi đã chú trọng việc kiểm tra, xét nghiệm các bệnh nguy hiểm trên tôm; không sử dụng những sản phẩm có chứa Cypermethrin, Deltamethrin trong quá trình cải tạo ao đìa, mà chỉ sử dụng vôi, Saponin diệt tạp, giáp xác... Ngoài ra, trong quá trình nuôi, tôi không sử dụng các loại hóa chất và kháng sinh cấm, thường xuyên theo dõi ao nuôi, diễn biến thời tiết để kịp thời xử lý khi tôm có dấu hiệu không bình thường”.
Ông Hùng Kim Khánh - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh cho biết: “Bên cạnh những khuyến cáo đối với người dân về quy trình, kỹ thuật nuôi, chúng tôi còn chú trọng việc quản lý chất lượng tôm giống. Để hạn chế dịch bệnh và nâng cao chất lượng tôm nuôi thương phẩm, Chi cục đã đề nghị các địa phương lân cận phối hợp việc quản lý tôm giống nhập vào Khánh Hòa như: không cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho các lô tôm chân trắng giống trước ngày 20-3; trong thời gian thả nuôi, các lô tôm giống nhập vào địa bàn tỉnh phải được cơ quan chức năng các tỉnh kiểm nghiệm, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch. Ngoài ra, phương tiện vận chuyển tôm giống khi nhập vào Khánh Hòa phải trình giấy chứng nhận kiểm dịch thủy sản tại các chốt kiểm dịch tôm giống của tỉnh”.
Năm 2012, cả nước xuất khẩu 400 nghìn tấn tôm chân trắng sang thị trường 92 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng giá trị đạt 2,25 tỉ USD. Tôm chân trắng là mặt hàng thủy sản duy nhất của nước ta tăng trưởng trong năm 2012. Riêng trên địa bàn tỉnh, năm qua, ngư dân đã thả nuôi hơn 2.100 ha loại tôm này, sản lượng thu hoạch đạt hơn 10,7 nghìn tấn, trong đó xuất khẩu hơn 95%.
Có thể bạn quan tâm
Đồng chí Nguyễn Đức Quyến, Phó chủ tịch UBND xã Thắng Quân cho biết: Nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương như lao động, đất đai, lợi thế địa hình, những năm qua xã đã tạo mọi điều kiện để người dân phát triển đa dạng các loại hình kinh tế từ nông, lâm nghiệp đến tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ…
Đồng Nai là một trong số ít tỉnh dập được dịch heo tai xanh trong thời gian ngắn. Dịch qua, người nuôi heo thở phào nhẹ nhõm. Nhưng theo ngành thú y, nguy cơ tái dịch vẫn còn cao.
Phú Ninh đang chú trọng xây dựng và phát triển kinh tế hợp tác xã (HTX), giúp nông dân sản xuất theo hướng hàng hóa, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn...