Chuyện Quanh Cây Dó Trầm Phúc Trạch
Trồng hoàn toàn tự phát và tiêu thụ quá dễ dàng với giá trị kinh tế cao nên người dân xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã ồ ạt phá bỏ vườn cây ăn quả -chủ yếu là bưởi và cam để trồng dó trầm. Thực tế này đang đặt ra nhiều vấn đề cần bàn...
Từ khi cây dó có mặt trên vùng đất này, người dân không phải băn khoăn gì về việc tiêu thụ sản phẩm mà hoàn toàn do thương lái tự tìm đến. Tuy nhiên, thị trường mua bán cây dó trầm hết sức bấp bênh, trong khi đó người dân ngày càng phát triển diện tích trồng dó trầm.
Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ông Nguyễn Trung Thực ở xóm 8, xã Phúc Trạch thường theo một số người trong làng sang rừng của Lào để tìm trầm về bán. Năm 1982, ông tình cờ phát hiện trong làng của mình có cây giống hệt mà nhân dân thường gọi là cây dó. Từ đó trở đi, ông không sang rừng của Lào nữa mà tập trung khai thác cây dó trên địa bàn của xóm, của xã.
Vài năm sau khi nguồn cây khai thác cạn dần, tận dụng lợi thế đất vườn rộng ông Thực đã bắt đầu trồng dó. Đối với ông Thực thì không những bán cây mà ông còn mở hẳn xưởng sản xuất và thuê 7 nhân công chuyên khai thác chế tác các sản phẩm từ cây trầm hương. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông thu về từ 300 đến 500 triệu đồng từ việc mua bán, chế tác sản phẩm từ cây dó trầm. Theo ông việc làm này vừa đưa lại lợi nhuận cao mà tiêu thụ lại hết sức đơn giản.
Không chỉ có gia đình ông Thực mà đối với người dân xã Phúc Trạch, việc trồng dó trầm đã trở thành phong trào, thành cây không thể thiếu trong mỗi gia đình. Nhà trồng ít thì khoảng vài trăm cây, có nhà trồng nhiều tới 3 đến 4 vạn cây. Mỗi cây dó trầm được trồng trên đất Phúc Trạch tuổi từ 6 năm trở lên có giá từ 15 đến 18 triệu đồng và trồng gần 20 năm giá trên 100 triệu đồng.
Cây dó trầm ở xã Phúc Trạch có giá trị kinh tế cao bởi dó trồng trên mảnh đất này có trầm tự nhiên, không phải tạo trầm nhân tạo như những nơi khác. 2 năm trở lại đây nhiều hộ trồng dó ở xã Phúc Trạch đã bắt đầu tạo trầm nhằm nâng cao tỉ lệ trầm của cây dó. Với xu thế phát triển nhanh về số lượng và diện tích trồng dó trầm, tại các thôn 6, 7, 8 của xã Phúc Trạch đã hình thành nên làng nghề soi trầm.
Gỗ từ cây dó cắt ra được các người thợ thủ công soi thành những thỏi trầm đủ hình dáng, vừa đa dạng vừa bắt mắt. Những thỏi trầm này thuộc hàng loại 4, loại 5 có giá từ 30 đến 40 triệu đồng/kg. Việc chế tác sản phẩm từ trầm đang ngày càng thu hút nhiều lao động ở xã Phúc Trạch bởi theo họ nghề này không khó, thích hợp với nhiều đối tượng khác nhau và thu nhập cũng khá cao từ 150 đến 300 ngàn đồng/ngày.
Thống kê của UBND xã Phúc Trạch, diện tích trồng dó trầm trên địa bàn hiện có 135 ha. Trước đây, từ năm 1983 đến 1988 người dân phải đi bán dó trầm ở các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng nhưng từ năm 1999 trở đi thì thương lái thường tìm đến tận vườn để mua và tiêu thụ các sản phẩm từ cây dó trầm. Lợi nhuận kinh tế cao, tiêu thụ dễ dàng là vậy và có một thực tế là dù không quy hoạch, không khuyến khích nhưng người dân nơi đây đã sẵn sàng đốn hạ cả vườn bưởi – một loại cây ăn quả vốn được xem đặc sản quí hiếm, không nơi nào có được để trồng dó.
Tuy nhiên, trong chiến lược phát triển kinh tế của địa phương vẫn không dám đưa cây dó trầm vào cây chủ lực. Nguyên nhân là hiện nay việc tiêu thụ cây dó trầm hoàn toàn do cá nhân các thương lái tự tìm đến mua, không có bất cứ công ty, hợp tác xã hay tổ chức nào đứng ra giao dịch, định giá và ngay cả các thương lái cũng không biết trầm được dùng để làm gì. Thị trường về cây dó không rõ ràng, không chắc chắn nên xã không dám đưa ra bất cứ chủ trương nào về việc trồng dó trầm.
Ông Phạm Quang Ngọ - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cho biết thêm: “Với lợi thế về trồng cây dó trầm trên địa bàn của địa phương và mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân, chúng tôi không thể cấm đoán nhân dân không được chặt bỏ bưởi phát triển dó trầm nhưng do thị trường trôi nổi, không rõ ràng và cũng không biết sản phẩm làm ra dùng để làm gì nên chúng tôi cũng không thể khuyến khích nhân dân được. Vì vậy, hiện nay đành phải để nhân dân phát triển theo hướng đi riêng của họ thôi. Cấp ủy Đảng, chính quyền của xã và huyện cũng đã có nhiều cuộc họp, thảo luận nhưng vẫn chưa đưa ra được hướng giải quyết, hướng đi cho cây dó trầm”
Trước tình trạng người dân quay lưng với cây bưởi phát triển dó trầm, tỉnh, huyện và xã Phúc Trạch đã vào cuộc, hỗ trợ người dân trồng bưởi với những chính sách cụ thể, thiết thực. Tuy nhiên, động thái này vẫn không khắc phục được tình trạng mất dần diện tích cây bưởi. Thực tế này đang rất cần sự vào cuộc, đánh giá thấu đáo của các cấp, ngành, nhà khoa học để tìm ra hướng đi cụ thể cho cây dó trầm nói riêng và cây kinh tế chủ lực nói chung ở Phúc Trạch.
Có thể bạn quan tâm
Năm 2010, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum đầu tư 17 tỷ đồng để xây dựng Trạm giống nông nghiệp tại xã Đác La huyện Đác Hà với mục đích cung cấp một phần giống lúa và giống cá cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản cho người dân trong tỉnh.
Nhu cầu sử dụng rau trong bữa ăn hằng ngày còn phổ biến hơn cả thịt, cá… nhưng trên thực tế, hầu hết người tiêu dùng (NTD) đang ăn phải các loại rau không an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhiều người dân ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) cho biết thời gian gần đây các vựa cá ở TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL tìm đến đây đặt hàng mua cá lòng ròng (các lóc con) với số lượng lớn để cung cấp cho nhà hàng, siêu thị tại TP.HCM.