Giá / Tin nông nghiệp

Chuyển lúa sang rau màu tạo đột phá

Chuyển lúa sang rau màu tạo đột phá
Tác giả: Hải Yến
Ngày đăng: 08/06/2017

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Quảng Ngãi vừa tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp “Giải pháp chuyển đổi đất lúa sang trồng màu phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.

Ông Trần Văn Khởi (áo kẻ) đánh giá cao mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng lạc tại huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi

Tham dự có đại diện lãnh đạo một số Cục, vụ, viện liên quan thuộc Bộ NN-PTNT; đại diện Sở NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông và nông dân các tỉnh Nam Trung Bộ từ TT-Huế đến Phú Yên.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Cục Trồng trọt, bên cạnh việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả SX lúa gạo, thì việc chuyển một phần diện tích gieo trồng lúa sang trồng cây hàng năm khác ở những vùng đất trồng lúa kém hiệu quả giúp giảm áp lực tiêu thụ lúa gạo, tạo ra sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu trong nước; đặc biệt là ngô, đậu tương nhập khẩu.

Đến năm 2016 toàn vùng chuyển đổi khoảng 24.811ha, trong đó các tỉnh DHNTB chuyển đổi 18.990ha, Tây Nguyên 5.821ha. Cây trồng chuyển đổi gồm: Ngô 10.665ha, lạc 2.611ha, vừng 848ha, rau 2.934ha, đậu 3.214ha, sắn 332ha, cỏ chăn nuôi 404ha, cây khác 3.803ha.  

Nhiều mô hình điểm

Tại Bình Định, các công thức luân canh có giá trị thu nhập cao đã thành công tại một số địa phương. Công thức đậu phộng và 2 vụ hành/năm tại xã Cát Hải, huyện Phù Cát cho thu nhập 150 - 180 triệu đồng/ha/năm. Công thức đậu phộng xen ớt - ngô lai/mè - rau xanh giá trị thu nhập 120 - 150 triệu đồng/ha/năm tại xã Cát Tài, huyện Phù Cát. Công thức đậu phộng - dưa leo - khổ qua hoặc công thức đậu phộng - 2 vụ hành lá - dưa leo giá trị thu nhập trên 200 - 300 triệu đồng/ha/năm tại xã Tây Giang, huyện Tây Sơn. Mô hình luân canh lúa - đậu phộng - lúa; đậu phộng - ngô lai - kiệu cho thu nhập 70 - 150 triệu đồng/ha/năm tại các xã Ân Phong, Ân Tường Đông, Ân Hảo Đông, Ân Thạnh - huyện Hoài Ân. Công thức luân canh lúa - vừng - ngô lai hoặc đậu phộng - vừng/ ngô lai - kiệu thu nhập từ 76 - 96 triệu đồng/ha/năm tại các xã Mỹ Trinh, Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ).

Tại Quảng Nam, một số công thức luân canh chuyển đổi ở vùng đất lúa không có nước tưới là: Lúa ĐX - sắn/lạc/vừng (mè) vụ HT. Đối với đất lúa chủ động nước tưới, tại các địa phương có đủ nguồn lao động nông nghiệp, nông dân đã chuyển đổi phương thức canh tác từ chuyên canh lúa sang các công thức luân canh: Lạc (hoặc ngô) ĐX - lúa (hoặc ngô) HT; lúa ĐX - dưa hấu XH - lúa HT; dưa hấu ĐX - dưa hấu XH - lúa HT; lúa ĐX - ngô (hoặc lạc) HT... Tại các mô hình, cây trồng chuyển đổi đều cho năng suất cao, ngô 50 - 70 tạ/ha, dưa hấu 240 tạ/ha, lạc đạt 25 tạ/ha...

Tại Quảng Ngãi, huyện Mộ Đức có mô hình lúa ĐX - lạc XH (HT) quy mô 50ha tại xã Đức Phú và quy mô 30ha thị trấn Mộ Đức. Tổng chi phí 26,9 triệu đồng/ha cao hơn 9,6 triệu đồng/ha so với ruộng SX lúa nhưng lãi ròng đạt 20,3 triệu đồng/ha, tăng 53,5% so với trồng lúa. Mô hình chuyển đổi lúa ĐX sang ngô ĐX, năng suất ngô chuyển đổi đạt bình quân 82,8 tạ/ha, lãi thuần đạt 20,3 triệu đ/ha và lãi thuần tăng 53,8% so với trồng lúa. Ngoài ra, việc chuyển đổi trồng ngô trên đất lúa còn giảm được lượng nước tưới cho cây trồng, vì nhu cầu nước tưới của cây ngô chỉ tương đương từ 40 - 50% so với cây lúa.

Tại Đăk Lăk, vụ ĐX 2012 - 2013 chuyển đổi cây trồng từ đất lúa khó khăn về nước sang cây trồng khác 518ha. Một số mô hình chuyển đổi như: Mô hình trồng bí đỏ cho doanh thu đạt 60 triệu đồng/ha; mô hình khoai lang Nhật đạt 45,5 - 48,3 triệu đồng/ha; mô hình thuốc lá đạt từ 80 - 92 triệu đồng/ha. Ngoài ra các mô hình bí xanh, ngô nếp ăn tươi, ngô lai trồng trên đất lúa vụ ĐX cũng cho hiệu quả kinh tế rất cao.

Theo Viện KHKT Nông nghiệp DHNTB, các công thức luân canh cây trồng cạn ngắn ngày trên đất 3 vụ lúa đều cho hiệu quả kinh tế cao như lãi thuần và tỷ suất lợi nhuận đều tăng từ 53,7 - 107,5% so với canh tác 3 vụ lúa/năm. Mô hình trồng đậu xanh luân canh trên đất 3 lúa được xây dựng trong vụ hè năm 2013 tại thị xã An Nhơn (Bình Định), năng suất đậu xanh đạt 22,3 tạ/ha, lãi ròng 33,087 triệu đ/ha, gấp 2,4 lần so với trồng lúa. Năng suất ngô chuyển đổi trồng trên đất lúa tại Bình Định đạt bình quân 72,4 tạ/ha, lãi thuần đạt 18,2 triệu đồng/ha và lãi thuần tăng 30,9% so với trồng lúa…  

Định hướng và giải pháp

Theo Cục Trồng trọt, đối với vùng DHNTB tập trung chuyển đổi mô hình trồng 3 vụ lúa sang trồng màu xen giữa 2 vụ lúa; mô hình 2 vụ lúa (thiếu nước tưới vụ ĐX) sang 1 lúa HT + vụ màu ĐX; mô hình 1 lúa thiếu nước, bấp bênh sang trồng cây rau, màu. Giai đoạn 2016 - 2020 tiếp tục chuyển đổi khoảng 56.000ha (vụ ĐX 25.000ha, vụ HT 29.000ha, vụ mùa 2.000ha). Trong đó, chuyển sang trồng ngô 17.000ha; đậu tương 1.000ha; vừng, lạc 19.000ha; rau, hoa 2.000ha; cây thức ăn chăn nuôi 7.000ha; các cây khác 3.000ha; kết hợp nuôi trồng thủy sản 5.000ha.

Đối với vùng Tây Nguyên tập trung chuyển đổi mô hình SX 3 vụ lúa sang trồng màu xen giữa 2 vụ lúa; mô hình 2 vụ lúa thiếu nước tưới (vụ ĐX) sang vụ lúa HT + vụ màu ĐX; mô hình 1 vụ lúa thiếu nước, bấp bênh sang trồng rau, màu; mô hình lúa 1 vụ (HT) không chủ động nước tưới sang cây màu + lúa HT. Giai đoạn 2016 - 2020 tiếp tục chuyển đổi khoảng 10.000ha (vụ ĐX 7.000ha, vụ mùa 3.000ha). Trong đó, chuyển sang trồng ngô 7.000ha; cây khác 3.000ha.

Trên cơ sở quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa các địa phương xây dựng quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cụ thể, chi tiết cho từng cấp từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã làm cơ sở chỉ đạo, quản lý việc chuyển đổi cây trồng có hiệu quả. Ưu tiên đầu tư các dự án khuyến nông nhằm khuyến khích thực hiện phương án chuyển đổi trên đất lúa...

+ Ông Trần Văn Khởi, Q. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá: Việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng hàng năm khác đang được các địa phương quyết tâm thực hiện và nông dân đồng thuận cao; nhiều loại cây trồng có lợi thế và mang lại hiệu quả cao hơn trồng lúa. Thời gian qua, nhiều mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây rau màu trên đất trồng lúa kém hiệu quả đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn rõ rệt so với trồng lúa, nâng cao thu nhập của nông dân.

+ Tổng hợp kết quả của các địa phương hạch toán mô hình cho thấy, cây ngô có mức lãi từ 5 - 8,7 triệu đồng/ha; lạc, mè có mức lãi từ 9,7 - 20 triệu đồng/ha; đậu các loại có mức lãi từ 4,2 - 15,2 triệu đồng/ha; trồng cỏ lãi 23 triệu đồng/ha; khoai lang Nhật lãi 14,5 triệu đồng/ha; rau xanh từ các tỉnh DHNTB lãi 10,2 - 15 triệu đồng/ha; các tỉnh Tây Nguyên 70 - 90 triệu đồng/ha.


Có thể bạn quan tâm

Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

UBND huyện Hòa Vang, Đà Nẵng vừa đưa khu nhà kính tại thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh thuộc mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất vụ đầu tiên.

08/06/2017
Phân bón NPK chuyên dùng Văn Điển cho lúa xứ Quảng Phân bón NPK chuyên dùng Văn Điển cho lúa xứ Quảng

Quảng Nam là tỉnh duyên hải Trung Bộ có diện tích gieo sạ lúa nước hàng năm khoảng gần 50.000ha, hầu hết đất lúa ở đây có độ chua cao pH < 4,2 nghèo lân

08/06/2017
Lúa lai GS16 và GS55 năng suất cao Lúa lai GS16 và GS55 năng suất cao

Giống lúa lai hai dòng GS16 và lúa lai ba dòng GS55 đồng đều, ít sâu bệnh, năng suất cao...

08/06/2017