Chuyển Đổi Đất Trồng Lúa Năng Suất Thấp Sang Trồng Ngô
Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông quốc gia vừa phối hợp cùng Công ty Dekalb Việt Nam (chi nhánh Tập đoàn Monsanto), Công ty cổ phần giống cây trồng miền Nam (SSC) tổ chức hội thảo công bố hiệu quả mô hình chuyển đổi diện tích trồng lúa năng suất thấp sang canh tác ngô theo chương trình hành động năm 2013 của Bộ NN&PTNT.
Tại hội thảo, các cán bộ khuyến nông cơ sở và nông dân trên toàn địa bàn đã được trực tiếp giao lưu, học hỏi với các chuyên gia nông nghiệp hàng đầu về kỹ thuật canh tác ngô trên đất lúa cũng như mô hình tối ưu hóa hợp tác công – tư để đẩy nhanh tiến trình đưa chính sách vào đời sống, cải thiện thu nhập và đời sống cho bà con.
Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông An Phú, tỉnh An Giang và Công ty Dekalb Việt Nam đã chia sẻ báo cáo thống kê kết quả thực tế thu được sau hai năm thực hiện mô hình chuyển đổi đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng ngô.
Kết quả cho thấy, năng suất đạt trung bình từ 10,8 đến 12,3 tấn ngô hạt/ha, thu nhập bình quân đạt gần 50 triệu đồng/ha. Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi ha ngô thu lãi gần 24 triệu đồng, lợi nhuận trung bình gần gấp 3 lần so với trồng lúa (trung bình 8 triệu đồng/ha; giá thống kê tại thời điểm tháng 4/2013).
Ông Nguyễn Văn Thanh, quyền Tổng giám đốc điều hành Công ty Dekalb Việt Nam cho biết: “Quá trình sử dụng bộ giống ngô lai Dekalb cùng với hướng dẫn kỹ thuật trồng ngô trên đất lúa của công ty đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt. Trên cùng 1ha diện tích canh tác, nếu trồng 3 vụ ngô/năm, nông dân có thể thu được gần 72 triệu đồng/năm, nhưng nếu trồng lúa thu nhập chỉ khoảng 24 triệu đồng/năm.
Tính ra, một hộ nông dân sẽ có thu nhập vào khoảng 6 triệu đồng/tháng cho việc canh tác ngô trên đồng ruộng, chưa kể nếu tiết kiệm nhân công, áp dụng tốt quy trình kỹ thuật, con số này có thể tăng lên mức 7 – 8 triệu/tháng, tương đương mức lương trung bình khá của một công chức ở thành phố. Một khi thu nhập từ đồng ruộng cao và ổn định thì các vấn đề khác như đời sống và lao động nông thôn, áp lực dân số hay mất trật tự đô thị do lao động nông thôn đổ lên thành phố tìm kiếm việc làm sẽ giảm”.
GS - TS Mai Thành Phụng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: “Để chính sách sớm đi vào cuộc sống, giải quyết khó khăn cho nông dân, sự chung sức giữa nhà nước và doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng. Thực tế, nông dân luôn thiếu thông tin về thị trường cũng như kỹ thuật canh tác, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi đối tượng canh tác.
Chính vì thế, ngoài vai trò tuyên truyền chính sách, mạng lưới khuyến nông cơ sở còn là cầu nối để liên kết các doanh nghiệp có kỹ thuật canh tác tiên tiến, doanh nghiệp thu mua với nông dân tạo thành chuỗi liên kết bền vững. Hiệu quả từ mô hình chuyển đổi lúa sang canh tác bắp ở An Giang cần được nhân rộng ra các địa phương khác”.
Có thể bạn quan tâm
Hiện, Mỏ Cày Nam (Bến Tre) đang có nhiều mô hình thoát nghèo, trong đó anh Nguyễn Văn Út đã thoát nghèo bền vững nhờ tích lũy nhiều kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi.
Gần đây, nhiều nông dân Thuận Mỹ (Đại Phong), Bàu Tròn (Đại An), thuộc huyện Đại Lộc (Quảng Nam) có thu nhập ổn định từ mô hình trồng bí hồ lô (giống bí đỏ lai F1 Plato 757, thương hiệu của Én Vàng).
Với giàn gấc mỗi lứa thu hoạch hơn 300 quả, giá thị trường 50.000 đ/kg, trái gấc đã đem lại giá trị kinh tế cao, giúp gia đình ông Lê Phước Dũng (đội 4 thôn Quảng Đại 2, xã Đại Cường, Đại Lộc, Quảng Nam) thoát khỏi cảnh nghèo bấy lâu đeo bám.