Chuyển Đổi Cây Trồng Có Hiệu Quả Ở Cát Tài (Bình Định)
Những năm gần đây, xã Cát Tài (huyện Phù Cát) đã thực hiện quy hoạch sử dụng đất và chuyển đổi mùa vụ, cây trồng có hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, nâng mức sống cho người nông dân ở địa phương.
Toàn xã có 1.100 ha đất canh tác, trong đó diện tích sản xuất lúa mỗi vụ khoảng 650 ha, với hơn 95% sử dụng giống cấp 1, tăng cường đầu tư thâm canh, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nên năng suất lúa đạt bình quân trên 55 tạ/ha/vụ. Diện tích đất sản xuất màu có trên 350 ha, có 2/3 diện tích này nằm dọc sông La Tinh, còn lại ở ven chân núi Bà. Thực hiện chuyển đổi, đa dạng hóa cây trồng, xã đã vận động nông dân sản xuất luân canh, xen canh các loại cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao như: đậu phụng, bắp lai, ớt, dưa hấu, đậu nành… Nhiều mô hình khuyến nông được triển khai tại địa phương, tạo điều kiện cho nông dân nắm bắt kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất.
Ông Nguyễn Thành Hải, cán bộ khuyến nông xã Cát Tài, cho biết: “Hầu hết các mô hình khuyến nông được triển khai đều tập trung phục vụ chuyển đổi cây trồng, nâng cao năng suất. Riêng năm 2012, Cát Tài đã chuyển được 135 ha đất trồng lúa sang sản xuất cây trồng cạn, trên cơ sở được quy hoạch một cách cụ thể diện tích từng loại cây trồng như: đậu phụng vụ Đông Xuân kéo dài sang vụ Hè, bắp lai vụ Thu, lúa vụ mùa, hoặc đậu phụng, ớt vụ Đông Xuân và vụ Hè…; trên cùng một diện tích có đến 4-5 lượt cây trồng/năm. Nhờ đó, đã có trên 200 ha đạt mức thu nhập từ 150 triệu đồng trở lên/ha/năm. Có khoảng 55% số hộ trong tổng số hơn 2.200 hộ của toàn xã thực hiện các mô hình này. Bên cạnh đó, nông dân còn chú trọng phát triển chăn nuôi bò lai ,vỗ béo bò thịt đem lại thu nhập khá. Hiện đàn bò của xã có 3.774 con, trong đó bò lai chiếm 89,5% tổng đàn.
Có thể nói, nông dân Cát Tài đã thấy rõ hiệu quả chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nên đã tự giác thực hiện, ngày càng có nhiều hộ thu nhập cao. Toàn xã hiện đã có 17% số hộ có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm, hơn 26% số hộ có thu nhập trên 30 triệu đồng/năm.
Từ năm 2013, trong sản xuất nông nghiệp, xã quy hoạch 3 vùng sản xuất tập trung, nhằm tăng tốc độ xây dựng những cánh đồng có thu nhập cao, phấn đấu đạt giá trị thu nhập 90 triệu đồng/năm/ha canh tác; góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người của xã lên 20 triệu đồng/năm.
Ông Võ Trường Thọ, Chủ tịch UBND xã Cát Tài, cho biết: “Trước tình hình nắng hạn, xã đã khoanh vùng sản xuất ở những nơi chủ động nước và tiếp tục khai thác nguồn nước ngầm (toàn xã hiện có gần 500 giếng khoan) để sản xuất, đồng thời chuyển đổi một phần diện tích lúa sang sản xuất cây trồng cạn để bảo đảm giá trị thu nhập. Hiện nay, nông dân Cát Tài khẩn trương sản xuất hết 320 ha lúa vụ Hè, giảm 200 ha so với năm trước, đồng thời sản xuất 80 ha đậu phụng, 60 ha bắp, 40 ha hành… Khó khăn nhất đối với Cát Tài trong vụ này là nguồn nước tự chảy chỉ đủ phục vụ sản xuất của khoảng 50 ha. Phần diện tích còn lại, địa phương đang tập trung chỉ đạo nông dân đào ao, khoan giếng để bơm tát phục vụ sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Bộ NN-PTNT chính thức công nhận giống lúa Q.Nam 1 là giống cây trồng mới, phù hợp cho cả hai vụ sản xuất đông xuân, hè thu ở các địa phương khu vực Nam Trung bộ - Tây nguyên, và được đưa vào cơ cấu giống của vụ hè thu 2012 tại Quảng Nam, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết ngày 13.5.
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây năm 2004, đáng ra anh phải chọn một công việc phù hợp trên con đường tiến thân. Nhưng với Lã Hữu Thương ở xóm Nam Hòa, xã Xuất Hóa, Lạc Sơn (Hòa Bình) lại chọn con đường về quê lập nghiệp xây dựng trang trại lợn rừng.
Nên sử dụng các loại phân bón chậm tan. Phân chậm tan sẽ làm giảm thất thoát do chậm tan hơn và chậm bốc hơi hơn. Bón phân urea chậm tan có thể tiết kiệm được 20 - 25% so với bón phân đạm thông thường