Chile Hỗ Trợ Việt Nam Trồng Nguồn Lương Thực Vàng

Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Chile (INIA) cho biết đang hỗ trợ Việt Nam trồng cây diêm mạch, loại lương thực được mệnh danh là "hạt vàng" bởi giá trị dinh dưỡng cao.
Diêm mạch chịu được lạnh, hạn hán, có thể trồng được ở vùng cao nơi đất cằn cỗi, rất thích hợp cho các địa phương vùng cao phía Bắc ở Việt Nam.
Đây là loại cây trồng mới được Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội liên kết với INIA chuẩn bị đưa vào trồng thử nghiệm tại Việt Nam. Bước đầu sẽ trồng thí điểm tại tỉnh Hà Giang, được cho là nơi cây diêm mạch có khả năng thích nghi cao.
Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, ông Ivan Matus, điều phối viên quốc gia Chương trình tài nguyên gen của INIA, đã khảo sát điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại Hà Giang. Ông cho biết mục tiêu của dự án này là hỗ trợ kỹ thuật để trồng thử nghiệm hai giống diêm mạch của Chile. Trong trường hợp cho kết quả tốt, sẽ đưa vào trồng trên diện rộng tại các địa phương miền núi Việt Nam.
Diêm mạch được những người thổ dân sinh sống ở vùng núi Andes thuộc Bolivia, Peru, Chile... trồng từ cách đây 7.000 năm và coi là “hạt vàng” bởi giá trị dinh dưỡng, chữa bệnh và giá trị tâm linh của nó.
Kết quả nghiên cứu cho thấy diêm mạch là thực phẩm có nguồn gốc thực vật duy nhất có đủ các axít amin cơ bản mà con người cần, giàu nguyên tố vi lượng cũng như các vitamin, nhưng không chứa gluten. Nó còn được đánh giá là một trong những lương thực cân bằng và đầy đủ nhất trên thế giới nên được Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) chọn làm đồ ăn cho các nhà phi hành vũ trụ.
Ngoài Việt Nam, INIA cũng có kế hoạch giúp Thái Lan phát triển diêm mạch.
Nhằm tôn vinh giá trị dinh dưỡng cũng như ghi nhận tiềm năng đóng góp của hạt diêm mạch trong bảo đảm an ninh lương thực trên thế giới, nơi vẫn còn khoảng 870 triệu người thiếu ăn, Liên hợp quốc đã tuyên bố năm 2013 là Năm quốc tế hạt diêm mạch.
Có thể bạn quan tâm

Nhờ thời tiết thuận lợi cho việc thả tôm nuôi, từ đầu năm đến nay, nông dân huyện Thuận Nam thả nuôi được 127 ha tôm, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, tăng 50 ha so với cùng kỳ tập trung ở xã Phước Dinh. Nông dân địa phương đã thu hoạch 90 ha đạt sản lượng 1.344 tấn tôm thịt và xuất bán 246 triệu con tôm Post 15.

Thời gian qua, tại một số địa phương, người dân đã tự phát nuôi Guinea pig hay còn gọi là chồn nhung đen để lấy thịt. Tuy nhiên, hiện nay chồn nhung đen chưa có tên trong danh sách các vật nuôi nông nghiệp, không rõ nguồn gốc và chưa có kết quả khảo nghiệm của các cơ quan chuyên môn. Do vậy chưa có căn cứ đánh giá mặt tích cực, cũng như tác hại của chồn nhung đen, đồng thời cũng chưa có căn cứ kết luận về giá trị dinh dưỡng và chất lượng thịt của vật nuôi này.

Ông Bùi Văn Viên, ở thôn Khánh Nhơn, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải không chỉ được người dân trong vùng biết đến với tính cần cù, làm kinh tế giỏi, mà còn nhiệt tình tham gia công tác đoàn thể ở địa phương và tấm lòng nhân ái, sẵn sàng giúp đỡ mọi người.