Giá / Tin nông nghiệp

Chiến lược thu hút người trẻ về nông thôn

Chiến lược thu hút người trẻ về nông thôn
Tác giả: Bảo Thắng - Guardian
Ngày đăng: 15/02/2022

Nước Anh dự báo thiếu hụt khoảng 60.000 lao động trong vòng 10 năm tới, và đã đề ra nhiều biện pháp thu hút sinh viên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Số lượng sinh viên nữ học nông nghiệp ở Anh ngày càng tăng. Ảnh: Guardian.

Hồi thập niên 2010, nông nghiệp được xem là ngành phát triển nhanh nhất tại các trường đại học ở Vương quốc Anh. Số lượng sinh viên tăng đều đặn vài phần trăm mỗi năm, và đạt ngưỡng cao nhất là hơn 20.000 người trên cả nước.

Joe Parry, cựu sinh viên Đại học Harper Adams, chuyên nghiên cứu về nông sản và nông thôn cho biết, vào thời anh tốt nghiệp, khoảng 96% sinh viên tốt nghiệp từ trường hoặc các cơ sở liên kết có việc làm trong vòng nửa năm sau tốt nghiệp. Bên cạnh những công việc ở nông trang, sinh viên có thể được tuyển dụng bởi các nhà bán lẻ, cung cấp thực phẩm, hoặc tiếp tục làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu, công nghệ, hay chuyển hướng sang tư vấn, giáo dục, tiếp thị, truyền thông.

"Bằng cấp về nông nghiệp không chỉ dành cho nông dân. Sau khi tốt nghiệp, bạn có thể làm việc trong nước hoặc nước ngoài, quản lý tài sản của gia đình, hoặc thậm chí làm việc cho Chính phủ", Parry nói với các lớp đàn em trong một buổi tư vấn việc làm. 

Joe Parry, nằm trong số sinh viên ngành nông nghiệp tiêu biểu của nước Anh. Ảnh: Guardian.

Xuất thân từ nông nghiệp, tại vùng đồi phía Bắc Xứ Wales, Parry sớm bươn chải ngoài cuộc sống ngay năm thứ ba đại học. Anh kiếm được một công việc bán thời gian tại trang trại chăn nuôi hỗn hợp lớn, sát biên giới Scotland. Nhờ những ngày vắt sữa bò, cắt cỏ, và trồng rau công nghệ cao, Parry được vinh danh là sinh viên nông nghiệp của năm tại Giải thưởng Nông nghiệp Anh năm 2015. 

Giải thưởng này giống một bước tạo đà cho Parry tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình. Giống nhiều nông dân trẻ khác tại Anh, chàng sinh viên nông nghiệp coi việc bắt kịp những tiến bộ khoa học, công nghệ, kỹ thuật là tối quan trọng để triển khai những mô hình như kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, hay nông nghiệp thông minh. Đáng chú ý hơn, tri thức trên ghế nhà trường giúp công việc kinh doanh sau này có hiệu quả và đạt lợi nhuận. 

Parry chỉ là một trong số rất nhiều người trẻ tại Anh muốn đưa nông nghiệp nước này tiến xa trong kỷ nguyên 4.0. Cùng khóa với anh, còn có Kenna Murdoch, một người không xuất thân từ nông nghiệp nhưng lại yêu thích việc sản xuất thực phẩm, cụ thể là trứng và gia cầm. Rosie Miller thì nuôi tham vọng, nâng cao chuỗi liên kết dinh dưỡng trong trang trại ở quê nhà.

Trong mắt nhiều người trẻ, nông nghiệp rất tiềm năng. Theo khảo sát của BBC, khoảng 53% số sinh viên nông nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học sẽ học lên cao hơn, khoảng 15% bước chân vào các viện nghiên cứu. Thêm một chi tiết nữa, số lượng sinh viên nữ học nông nghiệp ngày càng tăng. Giới trẻ Anh tò mò, thích thú và rất muốn biết, hệ thống nông nghiệp nước này làm thế nào để thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như đạt các tiêu chí bền vững cho môi trường, nhất là trong bối cảnh nước Anh không được ưu đãi về khí hậu và thổ nhưỡng.

Nhiều ngành học được kết hợp vào nông nghiệp: từ khoa học (sinh học, hóa học, vật lý), nghiên cứu môi trường, công nghệ thực phẩm, cho đến kinh tế và quản lý. Nếu chăm chỉ, sinh viên hoàn toàn đủ cơ hội tích lũy đầy đủ các kỹ năng chuyên môn cũng như thực tiễn từ nhiều môn, ngay sau khi rời ghế nhà trường.

Theo thống kê của Bộ Lương thực & Nông nghiệp Anh, ngành nông nghiệp cần khoảng 60.000 sinh viên trong 10 năm tới. Do đó, nhiều chính sách hỗ trợ các trường đại học có giảng dạy nông nghiệp được thi hành. Chẳng hạn, ưu đãi về thuế, mặt bằng cho các cơ sở sản xuất, trang trại liên kết với trường học. Hoặc, một số trường được dồn những khuôn viên rộng lớn, ngay bên trong khu giảng đường, hoặc ký túc xá. Cuối cùng là cơ hội việc làm. Tốt nghiệp Đại học Harper Adams ngành nông nghiệp gần như không lo thất nghiệp, trừ phi muốn trở lại thành phố.

Dù liên tục tăng số lượng sinh viên đại học, ngành nông nghiệp Anh chưa thể dứt điểm được vấn đề lao động. Độ tuổi trung bình của nông dân nước này vào khoảng 60. Họ sống phụ thuộc chặt chẽ vào trợ cấp, đến mức sẵn sàng biểu tình vì Brexit.

Phát triển lao động trẻ là hướng đi tiên quyết để nông nghiệp Anh. Nền tảng hiện tại cho phép các nhà hoạch định chiến lược làm điều ấy, khi phần lớn các trường cao đẳng cộng đồng nằm ở khu vực nông thôn, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học ở nông thôn đăng ký vào đại học ngay lập tức gần tương đương so với khu vực thành thị (59% so với 62%).

Khó khăn chủ yếu, hiện là thu hút những người hướng dẫn, hoặc giáo viên có trình độ. Ngoài ra, do ở xa các trung tâm kinh tế, tài chính, các trường nông nghiệp gặp vấn đề khi trang bị các máy móc tiên tiến, hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn - tiền đề cho việc sử dụng robot, cảm biến trong nông nghiệp thông minh.

Song song với việc giáo dục trong trường học, nhiều ý tưởng thu hút người trẻ làm nông nghiệp cũng xuất hiện ở khu vực tư nhân. Alex Waterfield, người quản lý khu vườn của Plumpton, ở hạt East Sussex (Đông Nam nước Anh), khi triển khai Dự án Phục hồi Stanmer Park đã nảy ra ý tưởng liên kết giáo dục. Ông cho phép những sinh viên bán cây trồng, kết quả của các viện nghiên cứu, ngay trong khu vực công viên. "Sinh viên sẽ vỡ vạc được khía cạnh thương mại của nghề làm vườn từ sớm, giúp họ biết cần phải làm gì cho tương lai”, ông nói.

Ngành công nghiệp làm vườn đóng góp khoảng 9 tỷ bảng Anh cho nền kinh tế Vương quốc Anh và sử dụng khoảng 300.000 người. Dư địa phát triển của nghề làm vườn rất lớn, bởi 70% doanh nghiệp trong lĩnh vực này than phiền về việc thiếu nhân công. Tuy nhiên, sinh viên lại thiếu kiến thức thực tế về mảng thị trường đầy hấp dẫn này.

"Là những người nông thôn, chúng tôi coi trọng việc sản xuất lương thực cho hành tinh và duy trì môi trường đang sống. Thế giới sẽ luôn cần đảm bảo an ninh lương thực. Vì thế, tôi tin tấm bằng nông nghiệp sẽ có nhiều ích lợi trong tương lai", Joe Parry, cựu sinh viên Đại học Harper Adams cho biết.


Có thể bạn quan tâm

Khởi xướng nông nghiệp công nghệ cao vùng đất khó xứ Thanh Khởi xướng nông nghiệp công nghệ cao vùng đất khó xứ Thanh

Đang có thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng/năm từ cây mía, ông Binh bỏ mía, dốc túi đầu tư hàng tỉ đồng làm nông nghiệp trong nhà lưới, và đã cho thành quả.

15/02/2022
Tương lai của ngành trái cây toàn cầu hậu Covid-19 sẽ thế nào? Tương lai của ngành trái cây toàn cầu hậu Covid-19 sẽ thế nào?

Khi công nghệ và chiến lược khoa học phát triển nhanh chóng, ngành công nghiệp này sẵn sàng phát triển mạnh trong một thế giới hậu đại dịch.

15/02/2022
Không cấy lúa khi nhiệt độ dưới 15 độ C Không cấy lúa khi nhiệt độ dưới 15 độ C

Cục Trồng trọt khuyến cáo tuyệt đối không cấy lúa khi nhiệt độ trung bình ngày đêm xuống dưới 15 độ C để tránh việc mạ bị chết do giá rét.

15/02/2022