“Chìa khóa” mở thị trường lợn vào Trung Quốc và các nước là gì?
Các doanh nghiệp (DN) sản xuất, chế biến sản phẩm chăn nuôi tại cho rằng muốn mở cửa thị trường xuất khẩu lợn sang Trung Quốc và các nước trước tiên phải kiểm soát tốt dịch bệnh.
Một trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ tại huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình). ảnh: Lê San
Hội nghị có sự tham gia của nhiều tập đoàn, DN sản xuất chế biến chăn nuôi lớn nhỏ trên cả nước như Tập đoàn Dabaco Việt Nam, Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty TNHH Koyu & Unitek, Công ty TNHH Ba Huân…
Đã xuất khẩu 10.600 tấn thịt lợn
Đề cập về tình hình xuất khẩu (XK) thịt lợn trong bối cảnh Việt Nam đang trải qua đợt khủng hoảng lợn kéo dài nhiều tháng qua, ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y cho biết: “Hiện nay chúng ta đang XK chính ngạch thịt lợn sữa và thịt lợn choai đông lạnh sang Hongkong, Malaysia. Cả nước có 6 cơ sở giết mổ XK sang Hongkong và 2 cơ sở XK sang Malaysia. Năm 2016, sản lượng thịt lợn XK đạt khoảng 11.000 tấn, trị giá khoảng 100 triệu USD. Trong 5 tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 10.600 tấn thịt lợn sữa, thịt lợn choai đông lạnh, trị giá 46 triệu USD”.
Ông Đông cho biết thêm, trong nhiều năm qua sản phẩm thịt lợn sữa, thịt lợn choai của Việt Nam luôn bảo đảm về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, không có lô hàng nào XK sang các nước bị trả về và đã tạo được uy tín trên thị trường.
“Về XK trứng gia cầm, cả nước có 5 cơ sở đã và đang XK trứng vịt muối, trứng vịt bắc thảo, trứng chim cút đóng hộp sang Hongkong, Singapore, Nhật Bản. Đối với sản phẩm thịt gà, hiện nay chỉ sản xuất và tiêu thụ ở trong nước, chưa có sản phẩm thịt XK. Tuy nhiên đến thời điểm này đã có 2 công ty đăng ký XK sản phẩm thịt gà đã qua chế biến nhiệt sang Nhật Bản, gồm Công ty TNHH Koyu & Unitek đăng ký năm 2016 và Công ty TNHH CP Việt Nam đăng ký vào cuối tháng 5.2017” – ông Đông cho biết.
Theo đánh giá của Cục Thú y, hiện nay trong chăn nuôi giết mổ lợn, gà và XK còn tồn tại nhiều hạn chế, trong đó có rất nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ đan xen với cơ sở chăn nuôi tập trung, chưa hình thành được các vành đai an toàn dịch bệnh cho các cơ sở chăn nuôi tập trung; chưa hình thành được các chuỗi sản xuất có kiểm soát theo hình thức khép kín; giá thành chăn nuôi còn cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới...
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh: “Các sản phẩm chăn nuôi của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu, rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, người chăn nuôi, các DN đang đói thông tin về thị trường. Thực trạng đó khiến chúng ta không nắm được thị trường đang cần gì, đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, của các hiệp hội ngành hàng”.
Không biết có thể trụ được bao lâu?
Đối với các chính sách tín dụng, nếu DN vẫn thấy có khó khăn, Bộ NNPTNT sẽ tiếp nhận ý kiến và kiến nghị Chính phủ để có những giải pháp tháo gỡ kịp nhằm hỗ trợ tốt nhất để DN mở thị trường”. Ông Vũ Văn Tám – Thứ trưởng Bộ NNPTNT
Được biết, Bộ NNPTNT đang xây dựng đề án “Phát triển chuỗi sản xuất động vật, sản phẩm động vật để XK”. Mục tiêu cụ thể của đề án là năm 2017 hoàn thành xây dựng chuỗi thịt gà chế biến chín XK đi thị trường Nhật Bản và từ năm 2018, tiếp tục mở rộng sang thị trường châu Á, châu Âu. Đối với thịt lợn, dự kiến hết năm 2020 xây dựng được một số chuỗi sản xuất thịt lợn chế biến chín xuất sang các nước châu Á, châu Âu…
Ông Nguyễn Đức Hoàng - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thắng Lợi cho biết: “Để XK được sản phẩm chăn nuôi, mọi xúc tiến thương mại đều là vô nghĩa nếu cơ quan thú y 2 nước không thông thương. Bài học xương máu là chúng tôi đã từng hoàn thiện hồ sơ XK sang Singapore nhưng cơ quan thú y nước này trả lời là không xem xét hồ sơ của Việt Nam vì còn dịch lở mồm long móng".
Ông Hoàng cũng kiến nghị: “Việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh phải do Nhà nước làm, chứ DN không đủ sức đầu tư. Bên cạnh đó cần gắn sản xuất với tiêu thụ, hiện nay lợn sữa đang khủng hoảng thừa trầm trọng, người chăn nuôi chết, DN cũng sẽ chết, chúng tôi không biết có thể trụ đến bao giờ vì giá rớt thê thảm quá. Có những lô hàng chưa ra khỏi cảng, giá đã giảm rồi. Vì vậy nếu mở rộng thị trường lợn sữa phải tính toán phát triển lợn sữa như thế nào, phải có đặc thù riêng, quy hoạch chi tiết. Nếu chăn nuôi lợn sữa mà nuôi trang trại thì không thể cạnh tranh được với Trung Quốc, ngoài ra nuôi lợn nuôi công nghiệp để XK, chúng ta cũng rất khó cạnh tranh được với Trung Quốc, Thái Lan”.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Quyền – Trưởng ban Đề án xuất khẩu Công ty TNHH Koyu & Unitek cho rằng: “Nhà nước, Bộ NNPTNT, Cục Thú y phải là cơ quan hướng dẫn DN về chuỗi sản xuất sản phẩm gia cầm, xây dựng cơ sở hạ tầng, kiểm soát sản xuất chế biến, truy xuất nguồn gốc. Như thế DN sẽ rất thuận lợi trong việc hoàn thiện hồ sơ XK”.
Về định hướng XK, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, trong bối cảnh hiện nay các DN nên hướng đến sản xuất các sản phẩm đã qua chế biến, muốn vậy các DN phải có đầu tư đồng bộ, có kho lạnh trữ hàng, có dây chuyền sản xuất hiện đại đạt chuẩn quốc tế. Đối với XK động vật sống, các nước nhập khẩu có yêu cầu rất khắt khe về đảm bảo an toàn dịch bệnh, vì vậy chúng ta cần có các vùng sản xuất an toàn dịch bệnh. Các cơ sở phải thực hiện chăn nuôi, sản xuất an toàn và vấn đề này cần có quy hoạch cụ thể, có chính sách phù hợp./.
Có thể bạn quan tâm
Trác Văn là 1 trong 3 xã của huyện Duy Tiên (Hà Nam) có phong trào nuôi bò sữa phát triển, là một mô hình hay, hiệu quả kinh tế cao, đang được nhân rộng
Lúa được bón phân NPK Văn Điển khép kín từ dùng phân lót đến phân thúc bà con nông dân không phải bón thêm bất kỳ loại phân nào khác, cây sinh trưởng khỏe
Hiện 1.530 ha lúa HT ở Đồng Tháp đã bị nhiễm bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá (VL-LXL) với mức nhiễm phổ biến từ 30 - 70%, một số diện tích tại 2 huyện Tam Nông