"Chết Đứng" Vì Tin Đồn Cá Điêu Hồng
Hiện nay, làng bè nuôi cá điêu hồng tỉnh Tiền Giang với hơn 1.500 bè lâm vào cảnh vô cùng khó khăn, nhất là sau khi thông tin cá nuôi bị nhiễm Trifluralin. Điều oái oăm hơn khi cả người nuôi, đại lý kinh doanh hóa chất, thuốc thú y thủy sản và cả cơ quan chức năng đều khẳng định không hề có việc người nuôi cá điêu hồng sử dụng chất cấm này.
Người nuôi cá lỗ nặng
Những ngày này đi vào khu vực nuôi cá bè dọc sông Tiền thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang, đâu đâu cũng nghe người nuôi cá bàn tán về thông tin cá điêu hồng nhiễm chất cấm Trifuralin từ “trên trời” rơi xuống, khiến giá cá sụt giảm mạnh trong khi người nuôi cá điêu hồng trên bè chưa hề sử dụng chất này trong quá trình sản xuất.
“Chúng tôi không sử dụng chất Trifluralin. Cơ quan chức năng cần điều tra, đứng ra minh oan cho người nuôi cá điêu hồng trên bè nếu không chắc người cá bè chúng tôi chết”, đó là lời đầu tiên mà ông Huỳnh Hữu Tài, chủ nhân của 15 bè cá ở xã Thới Sơn, Tp Mỹ Tho (Tiền Giang) đã nói khi chúng tôi mới chớm hỏi về tình hình nuôi và tiêu thụ cá điêu hồng.
Nhiều người nuôi cá điêu hồng cho biết, năm ngoái, vào thời điểm tháng 3, tháng 4, cá điêu hồng có giá cao nên năm nay nhiều người nuôi cá điêu hồng cũng thả giống canh đến thời điểm này là thu hoạch. Điều này dẫn đến lượng cá cung cấp cho thị trường tăng cao trong khi loài cá này chủ yếu tiêu thụ nội địa nên thị trường rất hạn chế. Đây chính là nguyên nhân khiến cho giá cá điêu hồng giảm mạnh từ mức 34.000 đồng/kg hồi cuối năm 2011 xuống còn 27.000-28.000 đồng/kg trong gần 2 tháng qua và thị trường tiêu thụ chậm.
Tệ hại hơn, trong thời gian gần đây, giá cá điêu hồng tiếp tục giảm mạnh sau khi có thông tin cá điêu hồng bị nhiễm chất cấm (Trifluralin) khiến người nuôi cá điêu hồng điêu đứng. Ông Tài cho biết, sáng nay thương lái báo giá cá điêu hồng 24.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg so với thời điểm trước khi có thông tin cá điêu hồng nhiễm chất cấm.
Trong khi đó, hiện nay giá thành nuôi cá bình quân đã là 27.500 đồng/kg, thậm chí có người nuôi tốn chi phí đến gần 30.000 đồng/kg cá nên với giá cá hiện nay, người nuôi lỗ ít nhất 3.500 đồng/kg. Với năng suất mỗi bè cá điêu hồng thể tích 100m3 khoảng 5 tấn thì mỗi bè người nuôi đã lỗ gần 20 triệu đồng. Tuy vậy, thông thường mỗi chủ bè có ít nhất 3-4 bè cá, có người vài chục bè nên số tiền thua lỗ của mỗi chủ bè lên tới hàng trăm triệu đồng.
“Hiện nay, tôi có 10 bè tới thời điểm thu hoạch với hơn 60 tấn cá điêu hồng sẵn sàng xuất bán với giá trị gần 1,5 tỷ đồng nhưng kêu thương lái thì họ không thèm tới coi cá. Vì thế, phải tốn thức ăn duy trì đàn cá hàng ngày khoảng 10 triệu đồng, còn nếu bán được thì lỗ hơn 200 triệu đồng”, ông Tài cho biết thêm.
Nông dân không sử dụng Trifluralin
Nhiều người nuôi cá bè ở Tp Mỹ Tho (Tiền Giang) thừa nhận rằng, trong nghề nuôi cá điêu hồng trên bè việc sử dụng hóa chất, kháng sinh là không tránh khỏi. Tuy nhiên, người nuôi chỉ sử dụng những chất được Nhà nước cho phép, tuân thủ đúng thời gian thu hoạch để không còn dư lượng hóa chất, kháng sinh trong cá và đặc biệt là trước nay chưa hề sử dụng Trifluralin.
Ông Nguyễn Văn Hiệp (6 Hiệp), chủ đại lý kinh doanh thức ăn thủy sản Hoàng Long (chợ Vòng Nhỏ, Tp Mỹ Tho) là đầu mối cung cấp thức ăn cho khoảng 80% bè nuôi cá điêu hồng ở xã Thới Sơn cho biết, nhiều bà con nuôi cá bè rất bức xúc vì sao có chuyện cá điêu hồng nhiễm Trifuralin trong khi họ chẳng bao giờ sử dụng chất này. Theo ông Hiệp, người nuôi cá điêu hồng rất am hiểu về các loại hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng. Cơ quan chức năng địa phương tuyên truyền rất tốt nên khi có văn bản pháp luật mới là người nuôi cá nắm ngay. Mấy năm nay, người nuôi cá chỉ sử dụng vôi, BKC để sát trùng nước chứ chưa hề thấy qua Trifluralin.
Hiện nay, cá điêu hồng ở Tiền Giang không chỉ được tiêu thụ ở thị trường nội địa mà còn XK sang một số thị trường cao cấp. Ông Hiệp cho biết, khoảng 4-5 tháng nay, ông cũng thu gom hàng trăm tấn cá điêu hồng cung cấp cho Công ty Hoàng Long để XK sang các thị trường khó tính như Mỹ, Pháp. Trước khi thu cá XK, người của công ty phải xuống lấy mẫu kiểm tra dư lượng 8 loại hóa chất kháng sinh trong cá, trong đó có Trifluralin nhưng đến nay chưa có bè cá nào không đạt yêu cầu. “Tối hôm qua, tôi cũng vừa bắt 30 chục tấn cá cho công ty Hoàng Long để xuất khẩu sang Mỹ”, ông Hiệp cho biết.
Ông Phan Hữu Hội, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, Chi cục Thủy sản đã tuyên truyền sâu rộng đến các cơ sở kinh doanh thuốc thú y thủy sản, cơ sở nuôi thủy sản, đồng thời phối hợp với Thanh tra Sở NN-PTNT tiến hành các cuộc kiểm tra việc kinh doanh, sử dụng của các đại lý, hộ nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là hộ nuôi cá bè, kết quả cho thấy, hầu hết người nuôi cá bè có ý thức rất tốt về vấn đề sử dụng chất cấm và không phát hiện trường hợp nào kinh doanh, sử dụng Trifluralin.
Có thể bạn quan tâm
Diện tích nuôi thủy sản toàn huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) năm 2011 là 1540 ha, đạt 100% so với kế hoạch, tăng 40 ha so với năm 2010 dẫn đến sản lượng thủy sản cả năm tăng ước đạt 48.950 tấn, đạt 100,51% kế hoạch, tăng gần 2.000 tấn. Để tạo điều kiện cho ngành thủy sản đạt được những kết quả phấn khởi, huyện Cao Lãnh tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống và nhiều giống thủy sản để đảm bảo nuôi trồng thuận lợi.
Một lần tình cờ xem ti vi nói về một chủ trang trại, tỷ phú cá sấu ở huyện Chiêm Hóa (Quảng Bình), anh Đinh Văn Bức ở thôn Yên Lạc, xã Đồng Hóa (Kim Bảng, Hà Nam) đã nảy sinh ý định nuôi con đặc sản này.
Nhờ dễ thích nghi với nhiều chân đất, ít tốn công chăm sóc, cho hiệu quả kinh tế cao nên thời gian qua chuối lùn đã trở thành cây trồng chủ lực tại nhiều địa phương ở Quảng Nam. Thực tế cho thấy, từ hướng đi này, hàng nghìn hộ dân đã trả lại “sổ nghèo” và vươn lên làm giàu