Giá / Tin nông nghiệp

Chè an toàn Tây Sơn yên tâm xuất ngoại

Chè an toàn Tây Sơn yên tâm xuất ngoại
Tác giả: THANH NGA
Ngày đăng: 20/04/2016

Hàng chục năm qua, thị trường đầu ra ngành chè trên cả nước có năm thuận, năm cầm chừng, thậm chí không ít năm bế tắc đầu ra. Tuy nhiên, những sản phẩm chè do Xí nghiệp chè Tây Sơn (Cty CP Chè Hà Tĩnh) sản xuất vẫn xuất ngoại đều đều, doanh thu ổn định, còn nông dân trồng chè phấn khởi với giá thu mua chè búp tươi cao hơn thị trường.

Khoảng 10 năm về trước Xí nghiệp chè Tây Sơn, đóng tại huyện Hương Sơn bắt đầu thực hiện quy trình sản xuất chè hữu cơ. Tuy nhiên, xu thế ngành chè thời kỳ đó vẫn tập trung mạnh vào việc làm ra nhiều sản phẩm mà chưa tính đến chất lượng, dẫn đến năng suất thấp, chè không có thương hiệu nên không thể xuất khẩu. Sau một thời gian loay hoay tìm hướng đi, Xí nghiệp chè Tây Sơn xác định phải xây dựng thương hiệu bằng một đặc trưng riêng và hướng đi chính là sản xuất theo quy trình chè sạch, an toàn.

Đầu tiên là việc xây dựng đồng ruộng đúng quy hoạch giao thông, bờ vùng, bờ thửa để thuận lợi trong khâu quản lý dịch bệnh, phun thuốc tập trung. Đối với giống chè, chỉ sử dụng một đến hai loại giống. Quy trình chăm sóc được đánh giá là quan trọng nhất để tạo ra sản phẩm chè “bền mùi, bền vị”. Theo đó, dinh dưỡng chủ yếu bón cho chè là phân chuồng và đạm tổng hợp.

“Bón phân chuồng sẽ làm độ hòa tan trong chè tăng lên rất nhiều. Chính vì vậy, các loại chè khác thường chỉ pha một đến hai nước là hết mùi vị nhưng chè của chúng tôi pha bốn, năm nước vẫn còn mùi thơm, vị ngọt đắng. Đây chính là điểm khác biệt giúp bạn hàng tin tưởng lựa chọn sản phẩm chè Hà Tĩnh nhiều năm qua”, ông Nguyễn Văn Sơn, giám đốc xí nghiệp chia sẻ.

Cũng theo ông Sơn, ngoài việc bón phân hữu cơ tập trung (bình quân từ 1.800 - 2.000 tấn/năm), hơn 7 năm nay xí nghiệp chè Tây Sơn thực hiện chính sách hỗ trợ người dân “Đưa phân nhà ra bón vườn nhà”.

Theo đó, mỗi hộ dân bón một tấn phân chuồng cho chè sẽ được hỗ trợ 150 ngàn đồng; trợ giá 10% giá phân bón Việt - Nhật nhằm hạn chế tình trạng người dân chuộng rẻ, sử dụng các loại phân khác kém chất lượng, không phù hợp với cây trồng này. Ngoài ra, xí nghiệp còn thực hiện chế độ thưởng cho những đồng chè xanh - sạch - đẹp với mức từ 1 - 2 triệu đồng/hộ/năm.

Ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng, khó quản lý nhất trong quy trình sản xuất chè an toàn hiện nay là việc phun thuốc BVTV. Nếu phun nhiều thì không còn là chè an toàn mà phun không đúng thời kỳ, thời điểm thì hiệu quả phòng trừ sâu bệnh thấp. Hơn nữa nếu để người dân lựa chọn thuốc BVTV sẽ khó tránh khỏi việc sử dụng thêm thuốc kích thích tăng năng suất. Do đó, việc phun thuốc được giao cho các tổ, đội của xí nghiệp thực hiện theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.


Để đảm bảo chất lượng chè đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, thay vì hái bằng máy xí nghiệp chỉ đạo người dân hái bằng tay

Việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ để đảm bảo an toàn cho đất và sản phẩm chè là một bước đi đúng đắn của xí nghiệp chè Tây Sơn. Sắp tới, doanh nghiệp này tập trung đầu tư xây dựng các vườn chè xanh - sạch - đẹp theo mô hình cánh đồng lớn từ 20 ha trở lên.

Toàn bộ thuốc do xí nghiệp cung ứng, nếu phát hiện hộ dân tự ý mua thuốc bên ngoài, phun không đảm bảo an toàn thì có chế tài xử phạt bằng các hình thức như không thu mua sản phẩm chè của hộ dân đó; giảm giá thu mua lô chè hoặc chậm thu mua để cách ly thời gian phun thuốc và hái chè.

Đối với khâu thu hoạch, xí nghiệp chỉ đạo công nhân viên, người dân hái bằng tay, bởi nếu thu hoạch bằng máy cây chè sẽ thoái hóa nhanh, chu kỳ khai thác rút ngắn, thậm chí chè không thể sống nổi qua mùa nắng, đặc biệt là ở địa phương mùa nắng còn được ví như “chảo lửa”.

Hiện 300 ha chè trồng ở hai xã Sơn Kim 2 và Sơn Tây (trong đó 180 ha đã đưa vào khai thác), nhờ thực hiện quy trình sản xuất khép kín theo hướng an toàn nên năng suất tăng lên theo từng năm. Bình quân năm 2015 đạt 14 tấn/ha, một số diện tích thâm canh tốt có thể đạt 28 tấn/ha, sản lượng trên 2.500 tấn chè búp tươi.

Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết, để đảm bảo người dân trong vùng sống được nhờ cây chè, xí nghiệp chè Tây Sơn đã ký hợp đồng liên kết với 800 hộ dân, cam kết thu mua chè với giá tối thiểu bằng 1kg thóc.

Ví dụ như năm 2014 - 2015, giá chè thị trường chỉ đạt 3.000 - 4.000đ/kg nhưng xí nghiệp thu mua cho bà con 6.800 - 7.000đ/kg. Tất nhiên, giá chè khô xí nghiệp xuất khẩu sang các nước Trung Đông cũng cao hơn so với các loại chè khác trên thị trường, có như vậy doanh nghiệp mới có lợi nhuận để tái đầu tư cho người dân.

Chị Võ Thị Trà Giang, thôn Tiền Phong, xã Sơn Kim 2 có 0,7 ha chè đang khai thác. Năm 2015 nhờ thâm canh tốt, sản lượng chị thu hoạch đạt 20 tấn, bán với giá 7.000đ/kg, doanh thu từ cây chè đạt 140 triệu đồng. Chị Giang phấn khởi cho hay, trước diện tích đất này cũng thử trồng keo, lạc, đậu nhưng đều không đạt hiệu quả, sau khi chuyển sang trồng chè hiệu quả kinh tế đã tăng lên gấp 7 - 10 lần so với các cây trồng khác.


Có thể bạn quan tâm

Vốn hỗ trợ đến tay, có ngay vườn nhãn quý Vốn hỗ trợ đến tay, có ngay vườn nhãn quý

Ido là giống nhãn có giá trị kinh tế nhưng chi phí sản xuất cao gấp đôi nhãn da bò. Nhờ tiếp cận được nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), nhiều nhà vườn tại xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) đã có điều kiện chuyển từ giống nhãn da bò sang trồng giống nhãn Ido...

20/04/2016
Nhiều mô hình sản xuất tiên tiến cho nông dân Bình Phước Nhiều mô hình sản xuất tiên tiến cho nông dân Bình Phước

Hội Nông dân (ND) tỉnh Bình Phước vừa tổ chức họp Ban chỉ đạo thực hiện Đề án “Củng cố lực lượng và phát triển phong trào ND, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020”, thường gọi là Đề án 192.

20/04/2016
Cần 20.000 tỷ đồng khắc phục thiệt hại Cần 20.000 tỷ đồng khắc phục thiệt hại

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai vừa công bố các số liệu mới nhất về tình hình và hậu quả của hạn hán, xâm nhập mặn tại các khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.

20/04/2016