Giá / Tin thủy sản

Chật vật tìm thị trường xuất khẩu mới

Chật vật tìm thị trường xuất khẩu mới
Tác giả: Thái Phương
Ngày đăng: 10/07/2017

Anh Võ Đình Chiến, khu Bình Hiếu, phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ (Hậu Giang) không chỉ thành công với mô hình ươm nuôi cá thác lác giống mà còn chế biến loài cá này để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu…

Xuất khẩu vẫn lệ thuộc vào các mặt hàng truyền thống và thị trường quen thuộc Ảnh: Ngọc Trinh

Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới nhưng thực tế, con đường này lại không đơn giản

Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt khoảng 97,8 tỉ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu lên tới 100,5 tỉ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2016 và là mức tăng rất cao so với nhiều năm trước. Đặc biệt, hàng hóa nhập khẩu tăng đột biến ở một số thị trường Việt Nam ký hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hàn Quốc, Thái Lan…

Khó tận dụng ưu đãi

Dệt may là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực được dự báo sẽ hưởng lợi lớn khi Việt Nam tham gia các FTA. Năm nay, tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) dệt may khả quan hơn cùng kỳ, khi nhiều DN đã có đơn hàng đến cuối năm. Tuy nhiên, việc tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu mới với DN ngành này là không đơn giản. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may chỉ đạt 11,6 tỉ USD, tăng 7% so với cùng kỳ nhưng còn khá xa so với mục tiêu kim ngạch 30 tỉ USD của năm 2017.

Với thị trường Hàn Quốc, ông Phạm Xuân Trình, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Phong Phú, cho biết ngay khi FTA Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực, DN đã tìm kiếm cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu qua thị trường này. Năm ngoái, Phong Phú xuất khẩu vào Hàn Quốc với kim ngạch 1 triệu USD, chủ yếu là vải denim và năm nay dự kiến kim ngạch sẽ đạt 3 triệu USD.

Trong khi đó, nhiều DN dệt may khác không dễ khai thác được thị trường Hàn Quốc. "Phong Phú hiện là đơn vị hiếm hoi trong ngành dệt may xuất khẩu vải sang Hàn Quốc, trong khi đây là nguồn cung cấp lớn nguyên phụ liệu dệt may cho Việt Nam" - ông Trình nói.

Nhiều thị trường khác như Thái Lan, Singapore, Malaysia… dù Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức được thành lập nhưng nhiều DN dệt may trong nước cho biết vẫn rất khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc.

Theo nhiều DN dệt may, muốn nâng giá trị gia tăng phải chuyển từ gia công sang làm hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) và tìm kiếm khách hàng mới. Nhưng chặng đường này không đơn giản. Ngay khi FTA giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á - Âu (gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan) có hiệu lực, nhiều DN đã tìm kiếm cơ hội xuất khẩu vào khu này, trong đó kỳ vọng rất lớn từ thị trường Nga. Hiệp định có hiệu lực từ tháng 10-2016 nhưng đến nay nhiều DN Việt vẫn còn ở giai đoạn tìm kiếm cơ hội…

Ông Ngô Đức Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may Thắng Lợi, thừa nhận đã 2 lần đi xúc tiến thương mại ở Nga, nhiều lần nghiên cứu thị trường này nhưng chưa tìm được khách hàng và đơn hàng như kỳ vọng do nhiều khó khăn liên quan đến khâu thanh toán, giá cả đơn hàng.

"Theo cam kết trong FTA, lộ trình giảm thuế cho hàng dệt may xuất khẩu vào Liên minh Kinh tế Á - Âu sẽ giảm dần về 0% nên DN vẫn đang nghe ngóng, tìm hiểu thị trường và tìm kiếm đơn hàng. Đây là thị trường có tiềm năng lớn, không yêu cầu quá cao về chất lượng nên nếu giải quyết được khâu thanh toán, DN sẽ có nhiều cơ hội làm ăn. Hiện thị trường của chúng tôi chủ yếu là Mỹ, EU nhưng để tránh rủi ro, phải tìm kiếm thêm khách hàng mới từ các thị trường khác" - ông Hòa nói.

Doanh nghiệp cần được hỗ trợ

Mặt hàng thủ công mỹ nghệ những tháng đầu năm 2017 cũng sụt giảm đơn hàng do việc tìm kiếm khách hàng mới, thị trường mới gặp nhiều khó khăn. Ông Đặng Quốc Hùng, Công ty Kim Bôi (chuyên xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ), nhìn nhận vài năm nay, hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam xuất nhiều qua Trung Quốc, bên cạnh các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, EU… Gần đây, khi đơn hàng sụt giảm, nhiều DN cũng tìm kiếm thị trường mới nhưng hầu như không được. Mới đây, Kim Bôi và một số DN trong ngành có qua Kazakhstan dự hội chợ, kỳ vọng sẽ xuất hàng sang nhưng do sức tiêu thụ ở đây yếu nên chưa DN nào tìm được đơn hàng mới. Có DN tham gia gần chục hội chợ thương mại, xúc tiến đầu tư nhưng hầu như không thành công.

"Riêng Trung Quốc, Ấn Độ đã chiếm hơn 50% thị phần hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, DN Việt Nam cạnh tranh bằng chi phí lao động thấp, mẫu mã, chất lượng… Để cạnh tranh đơn hàng, một số DN trong nước còn "đua" hạ giá, trong khi chi phí đầu vào tăng dẫn đến chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng khiến hoạt động của DN càng khó khăn hơn" - ông Hùng nhận xét.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, khi ký các FTA song phương hoặc đa phương, DN Việt Nam thường yếu thế trong cạnh tranh nên việc tận dụng ưu đãi cũng không bằng DN các nước. Chẳng hạn, từ khi FTA Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực, nhập khẩu từ thị trường này liên tục tăng. Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu qua Hàn Quốc đạt 6,6 tỉ USD, tăng 29,1% so với cùng kỳ nhưng ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ thị trường này lên tới 22,5 tỉ USD tăng tới 51,2% so với cùng kỳ. Đáng lưu ý, Hàn Quốc là một trong những thị trường DN Việt Nam tận dụng ưu đãi từ FTA khá tốt so với các thị trường khác cũng có FTA.

Ông Trần Quốc Mạnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (Sadaco), cho rằng nếu khai thác tốt thị trường Hàn Quốc, Trung Đông, Nga sẽ đem lại nhiều cơ hội cho DN Việt nhưng cần sự hỗ trợ trong đầu tư, xúc tiến thương mại từ các tham tán thương mại ở nước ngoài, cơ quan quản lý để tiếp cận thị trường mới. Điều này Hàn Quốc làm rất tốt cho DN của họ. Chẳng hạn, khoảng 10 DN qua Việt Nam xúc tiến thương mại thì được Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ khoảng 1 tỉ đồng. Trong khi đó, chi phí xúc tiến thương mại của Việt Nam rất thấp và DN thường phải tự lo nên gặp nhiều khó khăn.

Với đồ gỗ, ông Trần Quốc Mạnh đánh giá thị trường Nga rất tiềm năng nhưng DN trong nước chưa tận dụng được, một phần do đồng tiền của nước này mất giá mạnh trong thời gian qua. "Với FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu sẽ đem lại cơ hội lớn cho DN trong nước nếu có sự hỗ trợ từ các tổ chức xúc tiến thương mại, cơ quan ngoại giao trong cung cấp thông tin thị trường cho DN" - ông Mạnh đề xuất. 

Đẩy mạnh cải cách

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng trong khi Việt Nam ký kết quá nhiều FTA, "đẩy" DN vào thế phải hội nhập mạnh với quốc tế cả trên sân nhà, khâu cải cách trong nước lại chưa được đẩy mạnh. Do đó, DN trong nước rất khó nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm tận dụng lợi thế từ các FTA. Xuất khẩu tăng liên tục những năm qua nhưng nhập khẩu cũng tăng rất mạnh. Lúc này, đòi hỏi cơ quan nhà nước cần đẩy mạnh cải cách trong nước để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi giúp DN nâng cao năng lực, cạnh tranh được trên sân nhà và ở các thị trường xuất khẩu.


Có thể bạn quan tâm

Kỹ thuật nuôi rắn ri cá trong vèo Kỹ thuật nuôi rắn ri cá trong vèo

Rắn ri cá (Homalopis buccata) là một loài rắn trong họ Colubridae. Thời gian gần đây, mô hình nuôi rắn ri cá mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm

10/07/2017
Tôn vinh những người… thi gan với giời Tôn vinh những người… thi gan với giời

Điều này được thể hiện rõ nét nhất trong nuôi trồng thủy sản. Bởi đây được coi là nghề dễ thu lợi nhuận nhưng cũng đầy rủi ro.

10/07/2017
Phát triển cá nước lạnh ở Việt Nam: Cơ hội nhìn từ giống Phát triển cá nước lạnh ở Việt Nam: Cơ hội nhìn từ giống

Cá nước lạnh, đặc biệt là các loài cá tầm là một trong những đối tượng nuôi mới, giúp nghề nuôi trồng thủy sản khai thác hiệu quả tiềm năng diện tích mặt nước

10/07/2017