Chàng trai 9X quyết tâm bám đồng, trồng lúa không hóa chất
Xuất ngũ trở về, chàng thanh niên trẻ Võ Văn Tiếng ở Đồng Tháp quyết tâm trở thành nông dân, sản xuất gạo sạch, thuận tự nhiên.
Tiếng đang đứng trên cánh đồng của mình. Ảnh: Võ Tiếng.
Những cánh đồng lúa của Tiếng tại huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp không sử dụng bất cứ loại phân bón, thuốc hóa học nào nhưng vẫn xanh tốt. Sau nhiều vất vả, anh đã xây dựng thành công nông trại sản xuất gạo sạch Tâm Việt, cung cấp các loại gạo ngon, không hóa chất cho thị trường.
Chia sẻ cơ duyên gắn bó với nghề nông, chàng thành niên trẻ không cảm thấy tiếc nuối với quyết định của mình. Xuất ngũ trở về, anh học và làm nhiều ngành nghề khác nhau như công nghệ thông tin, du lịch... nhưng đều bỏ dở giữa chừng. Sau nhiều thông tin về thực phẩm bẩn, không an toàn, Tiếng quyết định làm nông nghiệp sạch và lựa chọn lúa là cây trồng chủ lực.
"Ở quê tôi, gia đình nào cũng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để trừ hại cho lúa nhưng về lâu dài, nguồn nước và đất sẽ ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy, tôi quyết tâm trồng lúa theo phương pháp thuận tự nhiên, bảo vệ môi trường và sức khỏe của mọi người", chàng trai 9x cho biết.
Khi bắt đầu lên ý tưởng thực hiện, nhiều người cho rằng điều này không thể thực hiện được. Ngay cả bố mẹ Tiếng cũng ngần ngại với quyết định của con trai và không đồng ý giao đất để canh tác.
Sau nhiều lần thuyết phục bố mẹ về tác hại của việc sử dụng thuốc hóa học với sức khỏe và môi trường, cuối cùng, bố Tiếng cũng chấp nhận cho con trai sử dụng mảnh ruộng của mình. Ngoài ra, địa phương cũng hỗ trợ mở rộng diện tích đất trồng lúa nên Tiếng có gần 40ha đất liền canh, liền cư để trồng lúa.
Thay vì sử dụng thuốc hóa học, Tiếng sử dụng phân hữu cơ và xây dựng hệ sinh thái đa dạng trong ruộng lúa với các loài cá, vịt. Đây là những loài "thiên địch" hữu ích giúp cây lúa phát triển tốt. Khi đàn vịt di chuyển trong ruộng lúa, côn trùng gây hại sẽ rơi xuống nước, trở thành thức ăn cho cá. Cách di chuyển tự nhiên của đàn vịt cũng khiến đất tơi xốp, giúp cây lúa phát triển khỏe mạnh.
Đàn vịt đang bơi lội trên cánh đồng lúa. Ảnh: Võ Tiếng.
Bên cạnh đó, Tiếng cũng chú trọng vào độ nghỉ của đất, không trồng lúa liên tiếp để đất có thời gian phục hồi. Theo anh thanh niên trẻ này, nếu canh tác liên tục, đất sẽ cằn cỗi, bạc màu, thiếu chất dinh dưỡng để nuôi cây.
Do vậy, một năm, anh chỉ trồng 2 vụ lúa để đảm bảo chất lượng và độ an toàn. Trong thời gian đất nghỉ, nước được đưa vào ruộng, lúa sót và rơm rạ sẽ nuôi bầy vịt và đàn cá. Chất thải của vịt và cá là "phân bón" tự nhiên làm tăng độ phì cho đất thay cho phân hóa học.
Vụ mùa đầu tiên, năng suất lúa đạt khoảng 4 tấn một ha, chỉ bằng phân nửa nửa so với các hộ dùng thuốc hóa học. Tuy nhiên, nhờ đăng ký thương hiệu sản phẩm gạo Tâm Việt rồi xay lúa, đóng gói, bao bì ghi rõ sản xuất theo hướng tự nhiên, không sử dụng phân bón, thuốc hóa học và chất bảo quản... nên giá bán cao gấp đôi so với các loại khác trên thị trường. Nhiều khách hàng sẵn sàng chờ vụ mùa sau để được thưởng thức gạo Tâm Việt.
Ước mơ làm nông nghiệp sạch của Tiếng đã chứng minh cho gia đình và bà con khác thấy rằng hạt gạo sạch không chỉ chất lượng mà còn có giá trị kinh tế cao.
Có thể bạn quan tâm
"Sản xuất thực phẩm sạch hay bẩn phải là do từ cái tâm. Người làm nông sản hàng hóa biết hướng tới nông sản sạch và người tiêu dùng đang tránh nông sản bẩn
Hồ tiêu đang là một trong những cây trồng mang lại nguồn thu nhập lớn cho các hộ nông dân Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.
Các nhà vườn tại Lâm Đồng trồng giống cà chua cherry chocolate với màu nâu lạ mắt, mỗi hécta thu hoạch khoảng 40 tấn.