Chăn Nuôi Những Tháng Cuối Năm Chưa Thể Lạc Quan

Từ đầu năm đến nay, ngành chăn nuôi trong nước liên tục phải đối mặt với khó khăn do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá sản phẩm chăn nuôi xuống thấp, người nông dân bị thua lỗ. Bởi vậy, mặc dù Cục Chăn nuôi khẳng định hiện tình hình chăn nuôi đã đi vào ổn định nhưng không ít người vẫn băn khoăn, chưa thể lạc quan về sản xuất từ nay đến cuối năm.
Liên tục rớt giá
Nhìn vào biểu đồ giá sản phẩm chăn nuôi từ đầu năm đến nay, nhiều người không khỏi giật mình bởi giá hầu như chỉ có chiều đi xuống. Cụ thể, với thịt lợn siêu nạc tại miền Bắc, nếu như tháng 1/2013 có giá 48.000 - 50.000 đồng/kg, đến tháng 3 giảm xuống còn 42.000 - 43.000 đồng/kg và đến tháng 5 chỉ còn 41.000 - 42.000 đồng/kg. Với thịt gà công nghiệp, tháng 1 có giá 38.500 - 40.500 đồng/kg, đến tháng 3 chỉ còn 33.000 - 34.000 đồng/kg và tháng 5 còn 25.000 - 27.000 đồng/kg. Tại các tỉnh phía Nam cũng có diễn biến tương tự và giá bán còn thấp hơn ở phía Bắc.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chăn nuôi cho biết, bên cạnh sản phẩm chăn nuôi rớt giá, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên diện rộng. Ngoài ra, người chăn nuôi còn gặp khó khăn về thiếu vốn, lãi suất tín dụng cao, trong khi hệ thống quản lý ngành chăn nuôi từ T.Ư đến các địa phương còn tồn tại nhiều hạn chế. Đặc biệt, việc kiểm soát thực phẩm nhập khẩu giá rẻ và gia súc, gia cầm sống nhập lậu qua biên giới còn nhiều bất cập. Do vậy, tình hình sản xuất chăn nuôi từ nay đến cuối năm sẽ còn gặp nhiều khó khăn...
Tích cực tháo gỡ khó khăn
Chỉ còn vài tháng nữa là người chăn nuôi lại bước vào vụ chăn nuôi cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán. Tuy mặt bằng giá thực phẩm đã bắt đầu nhích lên nhưng nỗi lo của nhiều người chăn nuôi vẫn còn hiện hữu. Trong đó, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm sau một thời gian được kiểm soát, đến cuối tháng 6, đầu tháng 7 đã bùng phát trở lại. Hiện, cả nước có hai tỉnh có dịch lợn tai xanh và lở mồm long móng là Đắk Lắk và Phú Yên. Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng ngành chăn nuôi 5 - 6% so với năm 2012 như Cục Chăn nuôi đề ra, từ nay đến cuối năm còn rất nhiều việc phải làm.
Theo GS Vũ Duy Giảng - trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, hiện nay, các biện pháp tối ưu để nâng cao hiệu quả chăn nuôi là sử dụng con giống có tính năng sản xuất cao, hiệu suất chuyển hóa thức ăn tốt, tận dụng nguồn thức ăn rẻ, sẵn có tại địa phương. Đặc biệt, thay đổi cơ cấu chăn nuôi theo hướng tăng tỷ lệ sản lượng thịt gia cầm và giảm tỷ lệ sản lượng thịt lợn làm giảm chi phí thức ăn, mà không làm xáo trộn thói quen ăn uống của người tiêu dùng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, để đảm bảo chăn nuôi ổn định từ nay đến cuối năm, Bộ đã chỉ đạo các địa phương tích cực triển khai Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 và hoàn thiện quy hoạch chi tiết chăn nuôi của từng địa phương. Đồng thời tăng cường quản lý chất lượng giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi nhằm giảm giá thành sản xuất, đảm bảo lợi ích cho người chăn nuôi. Cùng với đó, chỉ đạo quyết liệt dập dịch đối với những địa phương đang còn dịch, với những địa phương đã hết dịch cần đẩy mạnh các biện pháp khôi phục sản xuất, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho những tháng cuối năm.
”Hiện nay, Cục Chăn nuôi đang tổng hợp, đánh giá những vấn đề nổi cộm của sản xuất chăn nuôi để trình Bộ NN&PTNT các giải pháp tháo gỡ, khôi phục và thúc đẩy phát triển sản xuất đáp ứng nhu cầu thịt, trứng, sữa cho những tháng cuối năm 2013, tránh tình trạng tăng giá đột biến” - Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi.
Có thể bạn quan tâm

Theo sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, hiện nay giá cá tra xuất khẩu tại Trà Vinh ở mức 23.500-24.000 đồng/kg, tăng khoảng 500 đồng/kg so đầu tháng 8

Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, trái ngược với thời điểm này năm ngoái, khi giá thức ăn chăn nuôi tăng từ 200-500 đồng một kg. Thời điểm này, một số công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đang chuẩn bị đợt giảm giá bán từ 160- 200 đồng/kg và nhiều khả năng sẽ giảm tiếp từ nay đến hết quí II.

Mấy ngày nay, hàng nghìn hộ nuôi cá ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như ngồi trên đống lửa sau khi có thông tin cá điêu hồng bị nhiễm chất cấm - Trifluralin. Tại tỉnh Đồng Tháp, nơi được coi có nguồn gốc cá nhiễm chất cấm, sau khi có thông tin trên, thị trường thu mua cá trở nên vô cùng ảm đạm, giá cả rớt không phanh, người nuôi cá điêu hồng đang… điêu đứng.