Chăn Nuôi Gà Tàu Theo Hướng An Toàn Sinh Học Tại Huyện Châu Thành (Long An)
Sở Khoa học và Công nghệ Long An vừa tổ chức hội nghị nghiệm thu kết quả điều tra “Tình hình chăn nuôi, đặc điểm ngoại hình gà tàu và đề xuất quy trình chăn nuôi gà tàu theo hướng an toàn sinh học sẽ thực hiện từ nay đến tháng 10/2013 tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An” đây là giai đoạn 1 của đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu xây dựng mô hình chăn nuôi gà tàu theo hướng an toàn sinh học tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An” do phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành đăng ký chủ trì thực hiện; tiến sĩ Đoàn Đức Vũ giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học Nông nghiệp thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam và kỹ sư Nguyễn Thị Đậm trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành làm chủ nhiệm đề tài.
Để phát triển chăn nuôi nói chung, chăn nuôi gia cầm một cách hiệu quả và bền vững cần đi theo hướng an toàn sinh học là những biện pháp kỹ thuật tổng hợp nhằm giảm bớt nguy cơ nhiễm bệnh và lây lan các loại mầm bệnh ra môi trường bên ngoài gồm: chế độ cách ly, chăm sóc nuôi dưỡng, quy trình vệ sinh thú y, quy trình thú y phòng trị bệnh, xử lý chất thải, quản lý việc ấp nở, vận chuyện và giết mổ. Các biện pháp này phải được thực hiện đồng bộ, đáp ứng các quy định QCVN 01-15:2010/BNNPTNT.
Ngành Nông nghiệp Long An đã thành công trong việc bảo tồn và nhân giống gà Tàu vàng tại địa phương trong một thời gian khá dài, gần đây các giống gà thả vườn được du nhập rất nhanh những giống mới nên gà Tàu vàng đã bị pha tạp khá nhiều, song giống gà Tàu vàng vẫn được nuôi trong nhiều hộ, một phần do đặc điểm thích nghi cao của giống này, mặt khác người tiêu dùng rất ưa chuộng thịt dai chắc, màu sắc và hương vị thơm ngon hơn nhiều so với giống khác, người dân thích sử dụng gà mái dầu, gà trống thiến làm thực phẩm. Giá gà mái dầu Tàu vàng thường có giá cao gấp 2 lần so với gà Lương Phượng, có thể đây chính là một trong đặc sản vật nuôi của vùng đất Nam bộ cần được nghiên cứu, lưu gữ trong quá trình Công nghiệp hoá.
Tình hình chăn nuôi gà Tàu vàng tại huyện Châu Thành: Chăn nuôi nói chung, chăn nuôi gà Tàu nói riêng ở huyện Châu Thành cũng như tình hình chung cả nước là tỷ lệ hộ nuôi nhỏ lẻ khá cao, việc kiểm soát dịch bệnh, áp dụng khoa học kỹ thuật đối với quy mô này còn nhiều khó khăn, tính rủi ro cao, hiệu quả thấp.
Qua điều tra tình hình chăn nuôi gà Tàu tại huyện Châu Thành kết quả như sau: Trình độ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học còn hạn chế, cần tiếp tục tập huấn nhiều hơn nữa và quan trọng là xây dựng được các mô hình trình diễn để học tập; - 88,5% số hộ theo phương thức bán chăn thả; Một số giống gà thả vườn (gà Bình Định, gà nòi...) được nuôi cùng với giống gà Tàu truyền thống dẫn đến pha tạp giống và làm mất đi nguồn gen quý dù điều này sẽ làm đa dạng sản phẩm; 94,2% số hộ mua con giống về nuôi chứ không tự ấp để tạo giống tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng giống và nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Khoảng cách từ nhà đến chuồng trại đa số là lý tưởng; Mái chuồng chủ yếu là tôn cần mốt số biện pháp giảm nhiệt; Còn 25% số hộ sử dụng nền đất điều này cần được quan tâm trong thời gian tới; Còn 50% số hộ sử dụng hàng rào tạm chưa có hàng rào bảo vệ sân chơi cho gà một cách bài bản, nguy cơ lây lan dịch bệnh từ đàn gà nhà này sang nhà khác; Mới có 31,3% số hộ đầu tư kho riêng để dụng cụ chăn nuôi.
Toàn bộ các hộ sử dụng cám hỗn hợp đảm bảo dinh dưỡng, song điều quan trọng là phải kiểm soát chất lượng và nếu sử dụng nguyên liệu sẳn có tại địa phương thì hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn; Nguồn nước, máng nước hợp lý.
94,2% số hộ không có hố sát trùng và thay đồ bảo hộ lao động khi vào chuồng gà là hạn chế lớn để kiểm soát dịch bệnh, việc thay đổi kiểu chăn nuôi như thế sẽ rất khó khăn song chúng ta cần phải xây dựng mô hình để học tập làm theo. Việc tiêm phòng vắc xin là rất tốt song việc cách ly gà bệnh và xử lý gà chết hiện tại còn chưa được quan tâm.
Đặc điểm ngoại hình của gà Tàu tại huyện Châu Thành: Gà Tàu có ngoại hình khá đẹp, nhìn tổng thể có màu vàng nhạt đến vàng rơm, con trống đậm hơn con mái, da vàng, mào đơn màu đỏ. Chân màu vàng và không có lông chân. Khối lượng khá lớn: gà mái 2,3 kg + 0,3, gà trống 3,1 + 0,5. Sản lượng trứng 117 quả/năm. Giống gà này có ưu điểm thích nghi tốt với điều kiện sinh thái miền Nam, đặc biệt là chất lượng thịt thơm ngon được người tiêu dùng ưa chuộng và giá cao.
Từ kết quả điều tra tình hình chăn nuôi, đánh giá đặc điểm ngoại hình làm cơ sở cho việc đưa ra các tiêu chí trong quá trình mua con giống và chọn lọc nhân thuần giống gà này cho giai đoạn tiếp theo và đối chiếu với qui định, đề tài sẽ đưa ra một số giải pháp chính để hoàn thiện cho phù hợp với điều kiện trong xây dựng mô hình chăn nuôi gà Tàu hộ gia đình hoặc gia trại tại Châu Thành.
Có thể bạn quan tâm
Từ 11 đến 14-11, cá điêu hồng nuôi lồng bè ở thị trấn Thanh Bình và xã Tân Thạnh huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) đột ngột chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng cho người nuôi. Theo thống kê chưa đầy đủ của Trạm Thủy sản huyện Thanh Bình, đến chiều ngày 14-11, trên địa bàn huyện đã có 20 lồng bè tương đương 40 tấn cá của 9 hộ nuôi ở cồn Phú Mỹ (thị trấn Thanh Bình) và ấp Nam xã Tân Thạnh bị thiệt hại từ 30 đến 40%, ước thiệt hại hơn 1 tỉ đồng.
Từ năm 2012 đến nay, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã chuyển giao công nghệ nuôi ốc hương kết hợp với tu hài cho hàng chục hộ ở xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Cùng với hướng dẫn kỹ thuật, dự án đã hỗ trợ cho 20 hộ, với 40 đăng ở xã Vạn Hưng về giống.
Trong khi nhiều thanh niên vùng cao chọn cách làm ăn xa quê hương thì anh Thăng Văn Mạnh dân tộc Sán Dìu ở thôn Trại Muối xã Giáp Sơn huyện Lục Ngạn lại chọn cách lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương. Và cách làm giàu của anh đó chính là phát triển kinh tế từ cây bưởi Diễn.