Chăn Nuôi An Toàn Từ CLB Gà Thả Vườn
Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của xã Thanh Lương (TX. Bình Long). Đặc biệt trong 4 năm gần đây, chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học đang phát triển mạnh về số hộ nuôi và tổng đàn. Toàn xã hiện có khoảng 30 hộ chăn nuôi gà thả vườn với quy mô 1.000-15.000 con/lứa. Trong đó phải kể đến Câu lạc bộ (CLB) chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học Thanh Bình.
AN TOÀN SINH HỌC
Ban đầu các hộ dân ở xã Thanh Lương chăn nuôi theo kiểu tự phát, quy mô nhỏ, lẻ. Được sự hỗ trợ của Trạm khuyến nông thị xã, Hội Nông dân xã Thanh Lương, CLB chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học Thanh Bình được thành lập tháng 10-2010, với quy mô chăn nuôi 2.000-10.000 con/lứa, tổng số gà thả vườn khoảng 250 ngàn con/năm.
Hình thức chăn nuôi chủ yếu là thả dưới tán cây điều, tiêu, cao su, sầu riêng. Để đảm bảo gà nuôi đạt an toàn sinh học toàn bộ quy trình phải đạt tiêu chuẩn từ chuồng trại, giống, thức ăn của cơ sở cung cấp, kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh khoa học. Vì vậy, Ban chủ nhiệm CLB đã xây dựng quy trình chung cho các thành viên cùng áp dụng. Chuồng trại thoáng mát, có hệ thống sưởi ấm cho gà con, sân vườn rộng, hệ thống máng ăn và uống bố trí hợp lý.
Nền chuồng là yếu tố quan trọng nên các hộ đều sử dụng đệm lót sinh học để hạn chế ô nhiễm môi trường. Khi hết lứa, các hộ vệ sinh, sát khuẩn chuồng trại và để trống chuồng khoảng 15 ngày trước khi thả lứa mới. Giống gà CLB nuôi hiện nay là gà Minh Dư, gà nòi, có độ đồng đều cao, thịt ngon.
Ngoài vệ sinh chuồng trại, phòng bệnh bằng vắc-xin là yếu tố quyết định để chống dịch bệnh trên đàn gà của CLB. Bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cho đàn gà khi thời tiết thay đổi, chỉ dùng kháng sinh khi cần thiết, đã làm giảm chi phí thuốc thú y trong chăn nuôi, tăng chất lượng thịt, an toàn cho người tiêu dùng.
HIỆU QUẢ TĂNG LÊN
Qua hơn 3 năm thực hiện, mô hình CLB nuôi gà thả vườn an toàn sinh học Thanh Bình đã đạt hiệu quả cao như: Khâu tổ chức của CLB có sự gắn kết thống nhất cao; có định hướng phát triển rõ ràng; có sự phân công trong quản lý giữa các thành viên; tạo được quỹ CLB với số vốn 25 triệu đồng; trên 80% thành viên chăn nuôi theo mô hình chuẩn an toàn sinh học, dần hình thành khu vực chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap; số thành viên gia nhập tăng từ 12 lên 18 hộ.
Lợi nhuận thu được tính trên 1 con gà xuất bán tăng dần qua các năm: Năm 2010, lợi nhuận trung bình chỉ 8-10 ngàn đồng/con, năm 2011 là 13-15 ngàn đồng, năm 2012 là 18-20 ngàn đồng và đến năm 2013 là 25-30 ngàn đồng/con. Thu nhập của các thành viên trong CLB đạt từ 300 đến 700 triệu đồng/năm tùy theo quy mô chăn nuôi lớn hay nhỏ.
Hoạt động của CLB chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học Thanh Bình đã biết tận dụng tối đa nguồn nhân lực và điều kiện của địa phương để đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập trên diện tích đất canh tác, tạo ra sản phẩm an toàn, bền vững, mang lại lợi nhuận cho người chăn nuôi, doanh nghiệp, thay đổi bộ mặt nông thôn.
Có thể bạn quan tâm
Theo Sở NN và PTNT Đồng Tháp, lũy kế diện tích thả nuôi cá tra từ đầu năm đến 5/7/2013 là 1.429,56 ha, bằng 71,48% kế hoạch năm và tăng 143,33 ha so với cùng kỳ năm trước. Đồng Tháp đã thu hoạch 526,22 ha với sản lượng 189.184 tấn. Tổng số lượng cá giống thả là 339,90 triệu con. Diện tích đang nuôi là 903,34 ha, diện tích treo ao là 40,7 ha.
Để thực hiện chương trình tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, trong 2 năm qua, từ nguồn vốn của Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam (VICOFA), người dân trong tỉnh còn được cấp miễn phí giống cà phê để “trẻ hóa” vườn cây. Tuy nhiên, qua thực tế cấp phát cho thấy, công tác này đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là ở cấp cơ sở, nơi mà việc triển khai còn mang tính hình thức đại trà, chiếu lệ.
Hội Nông dân xã Bình Phú (Châu Phú - An Giang) cho biết, vụ hè thu năm nay, xã Bình Phú có 27 hộ trồng lúa Nhật, với tổng diện tích trên 120 héc-ta, đạt năng suất bình quân trên 6,5 tấn/héc-ta. Toàn bộ sản phẩm được Công ty TNHH Angimex - Kitoku mua với giá 8.400 đồng/kg lúa khô, sau khi trừ chi phí, nông dân lãi từ 30 - 35 triệu đồng/héc-ta.