Giá / Tin thủy sản

Chăm sóc cá nước ngọt mùa mưa bão

Chăm sóc cá nước ngọt mùa mưa bão
Tác giả: TTKN
Ngày đăng: 11/12/2020

Mưa bão sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo vệ và chăm sóc thủy sản. Vì vậy, để quản lý các biến động từ môi trường một cách có hiệu quả thì bà con nông dân cần lưu ý một số biện pháp.

1. Trước mùa mưa bão

– Chuẩn bị một số thiết bị cần thiết như: vôi, đăng chắn, cọc tre, lưới vây xung quanh, máy bơm, máy phát điện và nhiên liệu (nếu có)…

– Khơi thông dòng chảy ở các kênh, mương xung quanh ao để việc thoát nước được dễ dàng.

– Kiểm tra và gia cố lại bờ ao chắc chắn đảm bảo giữ được nước.

– Các chủ hộ nuôi cần chằng, chống nhà kho chứa thức ăn chắc chắn tránh bị mưa ướt làm thức ăn bị ẩm mốc, giảm chất lượng.

– Đối với những ao nuôi thương phẩm: Kiểm tra tình trạng cá nuôi, nếu đạt kích cỡ thương phẩm thì có thể tiến hành thu hoạch sớm để tránh thiệt hại xảy ra.

– Đối với các ao mới thả:

+ Bố trí đặt cống để chủ động xả nước trong ao đề phòng nước tràn bờ. Trong trường hợp không thể gia cố bờ cao hơn thì có thể dùng lưới nilon cùng với các cột gỗ vây xung quanh ao để tránh cá ra ngoài khi nước dâng cao, tràn bờ. Rải vôi xung quanh bờ ao phòng nước trôi phèn xuống làm biến động pH ao nuôi.

+ Đảm bảo mực nước trong ao từ 1,5 m trở lên để khi mưa lớn xảy ra môi trường ao nuôi không bị thay đổi đột ngột.

+ Tăng cường sức đề kháng cho cá nuôi trước mùa mưa bão bằng cách cho cá ăn các loại thức ăn giàu đạm và bổ sung Vitamin C vào khẩu phần ăn hàng ngày. Hoặc sử dụng chế phẩm sinh học để tăng cường tiêu hóa và bảo vệ đường ruột. Liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

2. Trong mùa mưa bão

– Thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết, kiểm tra lưới, hệ thống cống, bờ và đắp lại những nơi xung yếu, tránh tình trạng vỡ bờ. Kịp thời khắc phục trường hợp lưới rách hoặc nước chảy làm trống dưới chân lưới sẽ gây thất thoát cá.

– Khi mưa lớn kéo dài nhiều ngày, độ pH giảm, nước ao nuôi dễ bị phần tầng và xảy ra tình trạng thiếu ôxy tầng đáy, bà con cần xả tràn, sử dụng quạt nước, sục khí hoặc máy bơm, bơm đảo nước trong ao, chủ động tháo nước tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa có trong ao.

– Rắc vôi xung quanh bờ ao với lượng 10 kg/100 m2, kết hợp hòa nước vôi tạt đều khắp mặt ao với lượng 1 – 2 kg/100 m3 nước để ổn định pH ao nuôi trước và sau khi mưa.

– Thường xuyên tiến hành kiểm tra chặt chẽ các chỉ số môi trường nước trong ao nuôi như ôxy hòa tan, độ pH, độ kiềm… để có biện pháp điều chỉnh kịp thời giúp ổn định môi trường; theo dõi hoạt động của cá nuôi, nếu có biểu hiện bất thường thì có biện pháp xử lý kịp thời.

– Những ao nuôi cá với mật độ dày cần chuẩn bị tốt hệ thống cung cấp ôxy bằng máy nổ đề phòng mất điện kéo dài và cần có thêm lượng ôxy hạt để rải xuống ao khi ao nuôi bị thiếu ôxy cục bộ.

3. Chăm sóc và phòng bệnh sau mưa bão

– Theo dõi mức nước, màu nước trong ao để kịp thời điều chỉnh; diễn biến thời tiết, khi có sự thay đổi thời tiết đột ngột cần giảm lượng thức ăn hàng ngày của cá (lượng thức ăn giảm từ 30 – 50% so lượng cho ăn hàng ngày).

– Dùng vôi và muối cho vào túi vải treo ở 4 góc nơi cho cá ăn và nên bắt đầu treo khi cho cá ăn (mỗi loại một túi cho mỗi góc) với lượng vôi: 1 – 2 kg/túi, muối 10 kg/túi. Liều lượng trên có thể thay đổi tùy theo quy mô, diện tích ao. Định kỳ 10 – 15 ngày thực hiện một lần hoặc hòa vôi bột tạt đều xuống ao với lượng 1- 3 kg/100 m2 mặt nước, đặc biệt là trước và sau khi mưa to để khử trùng nước và ổn định pH trong ao nuôi. Nếu phát hiện đàn cá nuôi có biểu hiện giảm ăn, nhào lộn dữ dội, trên da và mang có nhiều nhớt, cá bệnh chết với số lượng ít và tăng không đáng kể thì thực hiện việc treo vôi và muối trong 3 ngày liên tục. Bên cạnh đó, có thể sử dụng thêm lá xoan, cỏ mực đập dập bọc lại bằng lưới cước treo ở đầu ao hoặc ở chỗ cho ăn với liều lượng mỗi lần treo từ 5 – 10 kg/bó để nâng cao hiệu quả phòng ngừa các bệnh ngoại ký sinh trùng trong mùa mưa, bão.

– Tăng cường sức đề kháng cho cá bằng cách định kỳ 2 lần/tuần bổ sung Vitamin C trộn vào thức ăn cho cá với lượng 2 – 5 g/100 kg cá nuôi. Kết hợp phòng bệnh cho cá bằng cách định kỳ 1 lần/tuần trộn tỏi tươi xay nhuyễn liều lượng 50 g/100 kg cá hoặc tiên đắc 20 g/100 kg cá.

– Có thể sử dụng các loại viên sủi khử khuẩn được bào chế dưới dạng viên nén, khi thả vào nước sẽ có phản ứng sủi từ dưới đáy lên, do đó đem lại hiệu quả khử trùng triệt để từ dưới đáy lên trên mặt nước và làm tăng ôxy trong nước.

Lưu ý:

Khi sử dụng các loại thuốc phòng và chữa bệnh nên cho cá nhịn ăn trước 1 ngày, số lượng thức ăn giảm đi 30%. Làm như vậy là để cá đói ăn được nhiều thuốc. Không thay nước ao, cần giữ nước ao không cho lưu thông với bên ngoài. Không kéo lưới dồn cá, không đánh bắt thu tỉa tránh làm xây xát.


Có thể bạn quan tâm

Tôm dưới áp lực từ pH Tôm dưới áp lực từ pH

Tôm thẻ chân trắng là loài thủy sản quan trọng nhất ở Trung, Nam Mỹ và các nước ven biển Thái Bình Dương. T

11/12/2020
Vaccine trên tôm - Từ vô lý đến hy vọng! Vaccine trên tôm - Từ vô lý đến hy vọng!

Do không có trí nhớ miễn dịch nên ý tưởng Vaccine trên tôm vẫn được xem là không hiệu quả. Tuy nhiên, nếu làm được thì vaccine trên tôm sẽ từ ý nghĩ vô lý

11/12/2020
Nắm vững biến số để quản lí chất lượng nước trong hệ thống RAS Nắm vững biến số để quản lí chất lượng nước trong hệ thống RAS

Nắm vững bản chất và mối quan hệ giữa các yếu tố nhạy cảm để quản lí chất lượng nước trong hệ thống RAS một cách hiệu quả.

11/12/2020