Giá / Tin thủy sản

Chả cá và surimi - Một mũi tên trúng nhiều đích

Chả cá và surimi - Một mũi tên trúng nhiều đích
Tác giả: Nguyễn Anh
Ngày đăng: 08/01/2020

Chả cá và surimi là sản phẩm đang rất được ưa chuộng trên thị trường thế giới, thu về lượng ngoại tệ không nhỏ cho đất nước. Phát triển mặt hàng này vừa giúp ngành thủy sản đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, vừa giải quyết vấn đề lớn cho lĩnh vực khai thác và chế biến trong nước.

Surimi đang rất được ưa chuộng trên thị trường thế giới - Ảnh: ST

Thế giới ưa chuộng

Chả cá và surimi (cá xay nhuyễn, theo cách gọi của Nhật Bản) được xác định đã xuất hiện và là món khoái khẩu của người dân châu Á khoảng 900 năm qua. Tuy vậy, không có nhiều nước tập trung xuất khẩu sản phẩm này, thậm chí Đông Nam Á hiện vẫn là khu vực phải nhập khẩu chả cá và sumiri. Đời sống ngày càng cao thì người dân càng thích ăn chả cá (làm từ các loại cá ngon) và surimi (thường được làm từ cá rẻ tiền hơn). Các nhà nhập khẩu từ Hàn Quốc cho biết, người dân Hàn Quốc rất thích món chả cá của Việt Nam; trong khi đó, người Nhật Bản cũng đã quen với món surimi từ Việt Nam.

Thị trường chả cá và surimi trên thế giới vẫn ngày càng tăng trưởng về giá trị; khi cuộc sống hiện đại, công nghiệp hóa nhanh, các sản phẩm qua chế biến được sử dụng nhiều thì mặt hàng chả cá và surimi sẽ có một vị thế quan trọng. Hiện nay, ngay tại các siêu thị của Việt Nam, trong các tủ lạnh của các bà nội trợ cũng thường xuyên có chả cá, surimi.

Surimi (thịt xay) làm từ cá phổ biến tại các nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam... Cá nguyên liệu sau khi được rửa sạch sẽ được fillet, xay nhỏ, băm nhuyễn và phối trộn các nguyên liệu phụ, định hình, xử lý nhiệt sẽ cho sản phẩm được gọi là surimi, tương tự như giò cá, chả cá tại Việt Nam. Khoảng 2 - 3 triệu tấn cá trên toàn thế giới (chiếm 2 - 3% sản lượng thủy sản cung cấp) được sử dụng làm nguyên liệu chế biến surimi. Sở dĩ mặt hàng này rất được ưa chuộng là do qua xử lý, sản phẩm không còn mùi tanh của cá, đồng thời nó dễ chế biến, dễ bảo quản, có thể làm được nhiều món khác nhau; ngoài ra, so với giò chả làm từ thịt heo thì chả cá, surimi ít chất béo hơn.

Một thực tế có thể thấy, đó là, tình hình đánh bắt ngày càng khó khăn, ngư trường suy giảm, chi phí tăng nên chả cá và surimi ngày càng trở thành một mặt hàng thu hút khách và giá cả tăng dần. Minh chứng là nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm này tại Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước khác đều tăng trong thời gian gần đây. Như tại Hàn Quốc đạt 62 triệu USD, tăng 0,9% so cùng kỳ năm ngoái. Nhật Bản tăng nhẹ 1,8% đạt 24,5 triệu USD. Thị trường EU tăng trưởng 3 con số trong 8 tháng đầu năm.

“Cửa” xuất khẩu rộng

ASEAN là thị trường nhập khẩu chả cá và surimi đứng đầu của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay với 62,9 triệu USD, tăng 1,8% so cùng kỳ năm ngoái; nhất là tại Thái Lan, Malaysia, Singapore. Mặc dù, Indonesia và Thái Lan tăng cường sản xuất các sản phẩm tương tự, nhưng Việt Nam đang là nguồn cung chính chả cá và surimi cho thị trường ASEAN. Thị trường Nhật Bản sau sự tăng trưởng lớn trong năm 2018 (tăng 41,2%, so với năm 1997) đang có dấu hiệu chững lại, mặc dù Việt Nam vẫn đang là đất nước xuất khẩu lớn thứ 5 về mặt hàng này tại đất nước mặt trời mọc.

Có thể nói, chả cá và surimi đang là thế mạnh của Việt Nam khi các doanh nghiệp Việt Nam sớm đón đầu và phát triển mặt hàng này. Song các nước trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan cũng đầu tư mạnh vào mặt hàng mới mẻ này. Ngoài ra Ấn Độ, Trung Quốc cũng xuất khẩu khá nhiều, khiến cho cuộc cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt hơn. Chưa kể, xuất khẩu surimi sang thị trường EU cũng được dự báo sẽ có thể gặp khó khăn do ảnh hưởng từ “thẻ vàng” IUU. Để đảm bảo sự tăng trưởng lâu dài của xuất khẩu chả cá và surimi, các doanh nghiệp đang tích cực mở rộng thị trường, đồng thời tăng sức cạnh tranh trên thương trường. Việc xây dựng thương hiệu cả cá và surimi Việt Nam cũng được xúc tiến.

Quảng bá thương hiệu

Trao đổi với phóng viên, các doanh nghiệp chế biến surimi đều chung nhận xét: “Lâu nay, khi nói đến xuất khẩu, chúng ta chỉ đề ý tới các mặt hàng có giá trị cao, những loài quý hiếm đắt tiền, như cá ngừ, mực, bạch tuộc. Song thực tế, trên biển còn có rất nhiều loại cá khác có thể chế biến để xuất khẩu dưới dạng surimi”.

Hiện nay, sản phẩm đánh bắt lên bờ vẫn có khoảng 70% là cá tạp, tiêu thụ rất khó và buộc phải tiêu thụ nội địa với giá rất rẻ. Người dân đôi khi dùng làm mắm để tiêu thụ dần, thậm chí làm phân bón. Phụ phẩm trong chế biến các mặt hàng thủy sản khác cùng hầu như không tận dụng được, hết sức lãng phí. Việc phát triển ngành xuất khẩu chả cá và surimi sẽ giúp tận thu được nguồn cá tạp, đa dạng sản phẩm thủy sản xuất khẩu.

Tuy vậy, ngành xuất khẩu chả cá và surimi của Việt Nam chỉ mới phát triển khoảng chục năm lại đây; dù có sự tăng trưởng nhanh, song các nhà xuất khẩu cũng gặp phải sự cạnh tranh từ các đối thủ như Trung Quốc, Ấn Độ… Chính vì vậy, việc xây dựng chiến lược quảng bá thương hiệu, đồng thời đẩy mạnh ngành công nghiệp chế biến chả cá và surimi hiện đại sẽ giúp cho ngành chả cá và surimi Việt Nam phát triển bền vững hơn.

Năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu chả cá và surimi của Việt Nam đạt gần 324 triệu USD, tăng 26,5% so với năm 2017. 8 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu mặt hàng này đạt 213,5 triệu USD, tăng 13,3% và nhiều kỳ vọng nhóm sản phẩm này sẽ có đột phá trong những tháng cuối năm.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi tôm bằng công nghệ mới đầu tiên ở Việt Nam Nuôi tôm bằng công nghệ mới đầu tiên ở Việt Nam

Công nghệ bọt khí Micro-Nano Oxygen lần đầu tiên được sử dụng trong nuôi tôm tại Quảng Nam bước đầu đã mang lại hiệu quả.

08/01/2020
Lưu ý trong vận chuyển cá giống Lưu ý trong vận chuyển cá giống

Trong chuỗi sản xuất thủy sản, vận chuyển con giống là một khâu quan trọng góp phần nâng cao tỷ lệ sống và đóng vai trò quyết định đến hiệu quả kinh tế

08/01/2020
Kiểm soát độc tố trong thức ăn thủy sản Kiểm soát độc tố trong thức ăn thủy sản

Độc tố nấm mốc hay còn gọi là Mycotoxin là chất ức chế miễn dịch, làm giảm lượng thức ăn và ảnh hưởng tới sức khỏe thủy sản.

08/01/2020