Cây Tiêu Ở Vùng Đất Mới Ở Quảng Nam
Trang trại trồng tiêu của ông Nguyễn Ngọc Ân (thôn Thạch Xuyên, Duy Thu, Duy Xuyên - Quảng Nam) không còn xa lạ với người dân nơi đây khi ông dám “liều” đưa cây tiêu về vùng đất mới…
Sinh ra trong một gia đình nông dân, Nguyễn Ngọc Ân làm quần quật quanh năm vẫn không thoát cảnh đói nghèo. Bởi trên mảnh đất gò đồi của vùng bán sơn địa xã Duy Thu vốn chỉ trồng được cây sắn, cây bạch đàn với thu nhập không đáng là bao. Sau thời gian khăn gói lên Tây Nguyên làm thuê cho những trang trại tiêu, ông luôn trăn trở: vùng đất này gần giống quê mình, tại sao tiêu lại trở thành cây thu nhập chính nơi đây. Nghĩ là làm, ông Nguyễn Ngọc Ân mày mò, học hỏi thêm kinh nghiệm trồng tiêu. Về quê nhà, ông bắt tay vào cải tạo vùng đất gò đồi tại quê mình. Ông Ân nhớ lại: “Để cải tạo được vùng đất này quả khó khăn, bởi khu đất gò đồi xen lẫn nhiều tảng đá lớn. Lúc đầu để đào được một hố trồng triêu trên đất này, tôi cùng những người thân trong gia đình phải mất cả ngày. Nếu thiếu quyết tâm, nản chí chắc không có được vườn tiêu xanh tốt như hiện nay”.
Khi trồng cây tiêu, ông và người thân trong gia đình phải thường xuyên chăm sóc, bón phân, tưới nước. Đất không phụ công người, đến nay ông Ân đã có 500 choái tiêu trên diện tích 1.500 m2. Thành công của ông Ân không chỉ đưa được cây tiêu về trồng trên đất đồi xã Duy Thu. Quan trọng hơn, tiêu nơi đây rất sai trái, chất lượng không hề thua kém tiêu những nơi có tiếng khác trong cả nước. Với 500 choái tiêu, hằng năm ông thu hoạch gần 1 tấn tiêu hạt với thu nhập 150 triệu đồng. Ban đầu với số vốn ít ỏi nên ông kết hợp lấy ngắn nuôi dài trồng xen cây chè giữa các hố tiêu vừa để có thêm thu nhập, vừa giữ được độ ẩm cho đất. Bởi theo ông, nước tưới là một khâu rất cần thiết, bên cạnh đó, kỹ thuật chăm sóc cũng là yếu tố quan trọng để cây tiêu phát triển. Kinh nghiệm và sự dày công chăm sóc nên qua 10 năm đưa cây tiêu về vùng đất Duy Thu, chưa khi nào cây tiêu bị bệnh. Dù mùa mưa hay nắng, các choái tiêu vẫn giữ được màu lá xanh um từ gốc đến ngọn, chuỗi hạt dài, dày, được thị trường ưa chuộng.
Với thành công đó, hiện nhiều người dân trong vùng đến học tập kinh nghiệm và mua tiêu giống về trồng đều được ông nhiệt tình hướng dẫn. Đến nay một số hộ dân lân cận đã trồng được cây tiêu. Hội Nông dân xã Duy Thu xem đây là mô hình điển hình cho nông dân địa phương. Chủ tịch Hội Nông dân xã Duy Thu Nguyễn Hữu Vinh đánh giá: “Nguyễn Ngọc Ân là nông dân tiêu biểu, biết nghiên cứu học hỏi, đưa được cây tiêu về với vùng đất mà lâu nay chưa ai nghĩ tới. Điều đáng ghi nhận nữa là sự cần cù, chịu khó của anh Ân, góp phần tạo nên thương hiệu tiêu mới. Chúng tôi đang triển khai sâu rộng mô hình này đến với các hộ dân tại đây”.
Bên cạnh hiệu quả kinh tế từ cây tiêu qua 10 năm trồng và chăm sóc, nông dân Nguyễn Ngọc Ân còn chú trọng sản xuất lúa, hoa màu nên kinh tế gia đình khá ổn định. Ông đã xây được nhà, mua sắm các tiện nghi sinh hoạt và nuôi con ăn học. Không những chí thú làm ăn, Nguyễn Ngọc Ân còn tham gia tốt các phong trào do Hội Nông dân địa phương phát động, bản thân ông luôn tiên phong trong phong trào sản xuất kinh doanh của thôn, xã và tham gia truyền đạt kinh nghiệm tại hội nghị sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, nhiều năm liền được bình chọn là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, tỉnh. Với thành công của nông dân Nguyễn Ngọc Ân, có thể khẳng định cây tiêu trồng được trên vùng đất đồi gò xã Duy Thu. Hiệu quả từ trang trại tiêu của ông Nguyễn Ngọc Ân đã minh chứng cho tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của nông dân nơi đây.
Có thể bạn quan tâm
Ngành Nông nghiệp vùng ĐBSCL cho biết, hiện nông dân trong khu vực đang vào vụ sản xuất lúa nên nhu cầu sử dụng phân bón là rất lớn. Tuy nhiên, tình trạng phân bón kém chất lượng xuất hiện ngày càng nhiều đang mang lại rất nhiều nỗi lo cho nông dân trong vùng.
Liên kết khuyến nông viên cơ sở (KNVCS) là mô hình mới do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Nam thực hiện, bước đầu đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, phần lớn KNVCS đều phàn nàn bởi khối lượng công việc quá lớn, song mức phụ cấp thấp; chỉ đủ tiền xăng xe hàng tháng nên họ không mặn mà.
Tính đến giữa tháng 3/2012, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt 101 triệu đô la Mỹ, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm ngoái.