Cây Dứa Của Người Mông Ở Điện Quan Thoát Nghèo
Điện Quan là xã đặc biệt khó khăn của huyện Bảo Yên (Lào Cai), với 80% đồng bào dân tộc Mông, Dao sinh sống. Nhờ nỗ lực đẩy mạnh tuyên truyền vận động, hướng dẫn đồng bào định canh, định cư, phát triển kinh tế, đời sống người dân Điện Quan đã được khởi sắc. Trong những năm qua, đồng bào Mông ở Điện Quan đã bằng nhiều mô hình trong nông nghiệp để vươn lên thoát nghèo. Cây dứa đã trở thành người bạn cứu cánh của người Mông nơi đây.
Với địa thế là đồi núi cao, đá vôi xen lẫn những khoảnh đất không lấy gì là màu mỡ, ít nguồn nước, không thuận lợi cho trồng lúa. Do vậy, trong những năm gần đây, được sự tư vấn của Hội nông dân và trung tâm khuyến nông huyện Bảo Yên, người nông dân Mông ở Điện Quan đã thay đổi tập quán canh tác từ cách làm tạm bợ theo hình thức du canh chuyển sang làm cố định, thâm canh trên diện tích đất bạc màu. Từ đó, họ thấy cây dứa là một loại cây có thể thích nghi với đất núi đá ở quê mình, do vậy, người Mông quyết định “bén duyên” nó và đưa giống dứa về trồng thử nghiệm.
Với đặc tính chịu khô hạn, không khó tính trong lựa chọn đất sinh trưởng nên ngay khi được đặt hom, cây dứa đã bén rễ và sinh trưởng phát triển tốt ở đất núi Điện Quan. Để có giống cây, người Mông ở đây phải mua giống tận đất dứa Mường Khương với loại dứa quả to, lá nhỏ, ngọt và cho nhiều thân ở một gốc về trồng. Cùng với việc mua giống, người dân còn học kinh nghiệm trồng và chăm sóc dứa theo từng mùa, từng thời vụ, cách thu hoạch khi dứa chín cùng với thị trường tiêu thụ.
Ông Hảng Khái Quáng- một nông dân, chủ một khu đồi dứa cho biết: Chúng tôi trồng dứa thích lắm vì dứa dễ tính lại cho quả nhiều, bán được giá. Công và phân bón lại ít nên cũng đỡ tốn kém. Không chỉ có riêng ông Quáng mà nhiều hộ gia đình trồng dứa đều có một cảm nhận chung như vậy.
Điều thuận lợi với người Mông ở Điện Quan khi tiếp cận và canh tác cây dứa là họ đã có sẵn khu đất đã bỏ hoang nhiều năm rồi vốn đầu tư ít mà thị trường dứa lại đang có nhu cầu lớn. Hơn nữa, Hội nông dân và Nhà nước đang khuyến khích cũng như đầu tư trọng điểm cho người Mông canh tác phát triển kinh tế.
Khi đã quen với cây dứa, đa số người Mông ở Điện Quan cho rằng, trồng cây dứa thuận lợi và dễ tính hơn trồng cây ngô trên núi. Bởi thời gian chăm sóc và bón phân cho dứa sẽ nhàn và ít tốn kém hơn so với các cây hoa màu khác lại cho thu nhập cao. Vào thời điểm tháng 11-12 hàng năm, người Mông đồng loạt trồng dứa khi thời tiết lạnh và thuận lợi. Khi tiết trời chuyển sang mùa hè, khoảng tháng 4-5, cây dứa trổ hoa và kết quả, trong một thời gian ngắn sẽ cho thu hoạch. Vào thời gian này, người Mông ở Điện Quan tập trung nhiều vào chăm sóc dứa. Từ việc tỉa bớt những cây mầm xen vào những quả đang to, xới cỏ, vun gốc và bón phân cho dứa…
Thị trường tiêu thụ có ưu điểm thuận lợi, các tư thương đến tận nương dứa thu mua với giá từ 3 đến 4 ngàn đồng/kg”. Ngoài việc bán cho tư thương, người dân còn mang ra chợ bán, trao đổi hàng hóa rồi dùng làm quả giải khát trong gia đình. Anh Hảng A Diêu, một hộ đầu tư trồng dứa lớn ở Điện Quan vui vẻ cho biết, gia đình anh canh tác dứa nhiều năm nay và có nhiều thu nhập, ổn định cuộc sống. Mỗi vụ thu hoạch dứa, gia đình anh thu được hơn 20 triệu đồng. Nhiều gia đình khác ở Điện Quan cũng có thu nhập tương tự.
Mô hình trồng dứa ở xã Điện Quan hiện nay không chỉ bó hẹp trong phạm vi một vài gia đình mà còn có sức lan tỏa lớn, nhiều hộ gia đình trong toàn xã đã thấy hay và làm theo. Mỗi hộ gia đình Mông ở Điện Quan đều vui vẻ thấy rằng cây dứa là cây sẽ giúp họ thoát nghèo. Nhờ có mô hình này, nhiều năm qua, những diện tích đất bỏ hoang đã được chính bàn tay cần cù lam lũ của người Mông đánh thức và thu được những “quả vàng” ngay trên chính mảnh đấy “xương xẩu” ấy. Đồng thời, tình trạng đốt phá nương rẫy, du canh của người Mông ở Điện Quạn đã chấm dứt nhường chỗ cho bạt ngàn những đồi dứa xa tít tắp đến những đỉnh núi cao.
Nhiều gia đình người Mông ở Điện Quan đã thoát nghèo từng bước bằng cách làm giàu chính đáng từ đôi bàn tay chai sạn và tư duy sáng tạo quyết đoán của họ. Đời sống vật chất và tinh thần của họ đã sang trang mới, ấm no và hạnh phúc hơn
Có thể bạn quan tâm
Tỉnh Đồng Tháp hiện có 146 cơ sở sản xuất kinh doanh và 1.264 cơ sở ương giống thuỷ sản; đặc biệt, trong đó có 1.174 cơ sở nhân giống cá tra, sản xuất được hơn 28 tỷ cá bột và trên 2 tỷ cá tra giống. Các cơ sở không những cung ứng đủ giống cá tra trong tỉnh mà còn cung ứng 60 - 70% cá tra giống cho các tỉnh khu vực ĐBSCL.
Bao đời nay đời sống của người dân tại các vùng ven biển Quảng Trị nói chung và xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong nói riêng chủ yếu dựa vào nghề biển. Từ năm 2008, khi phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng rộ lên với nhiều gia đình trúng tiền tỷ từ con tôm thì giấc mơ đổi đời từ tôm đã có sức hút mạnh mẽ đối với người dân. Nhiều gia đình đã bỏ nghề đi biển để đầu tư tiền bạc, công sức vào nuôi tôm. Tuy nhiên, phần lớn người nuôi tôm cũng chỉ trúng vài vụ đầu, đến nay do dịch bệnh tràn lan đã khiến hàng trăm hộ gia đình nơi đây lâm vào cảnh nợ nần.
Vốn đầu tư không nhiều; thị trường rất tiềm năng; kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng đơn giản; rủi ro ít, thức ăn tiêu tốn chỉ bằng 1/3 heo nhà… Đó là những lợi thế vượt trội của việc nuôi heo rừng hiện nay. Ông Nguyễn Văn Bồng, ở thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn (Bình Định) cho biết như vậy.