“Cầu Nối” Cho Người Nuôi Bò Sữa
Ông Lê Hồng Duyên ở thôn Bồng Lai (Hiệp Thạnh, Đức Trọng, Lâm Đồng) đang trở thành một “địa chỉ cầu nối ”cho người nông dân quanh vùng đến trao đổi kinh nghiệm nuôi bò sữa, đầu tư trang bị máy vắt sữa, hợp tác tiêu thụ ổn định, lâu dài sản phẩm sữa bò tươi.
Giữa tháng 1/2013, cung đường nhựa dài hơn 1 km đã chính thức khánh thành, nối liền Quốc lộ 20 đi qua khu dân cư của thôn Bồng Lai (Hiệp Thạnh, Đức Trọng) có hơn 20 hộ gia đình chăn nuôi bò sữa. Đây là công trình được Ngân hàng Thế giới tài trợ với tổng kinh phí đầu tư 2,8 tỷ đồng, thuộc một liên minh của hợp phần sản xuất, tiêu thụ sữa bò tươi giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp. Trong đó ghi nhận công sức đóng góp của ông Lê Hồng Duyên, Tổ trưởng Tổ Hợp tác chăn nuôi với 54 hộ của liên minh này.
Gần 8 năm trước, giữa lúc nhiều hộ nông dân phá bỏ từng diện tích trồng cỏ nuôi bò sữa để trồng cây nông nghiệp thì ông Duyên làm điều ngược lại. Trên 2 sào đất trồng cà phê đang thời kỳ phát triển kinh doanh khá tốt, ông Duyên đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cỏ sữa để nuôi 2 con bò sữa. Bấy giờ, trong chương trình khôi phục đàn bò sữa của tỉnh Lâm Đồng, 2 con bò sữa mua mới được Nhà nước hỗ trợ 40% vốn; 60% còn lại là vốn đối ứng của ông Duyên. Nuôi đến 2 tháng sau, 2 con bò sữa đồng loạt cho sữa. Ông Duyên tự tìm hiểu và thực hành cách vắt sữa bằng tay, mỗi ngày vắt 2 lần trên mỗi con bò sữa và vắt sữa liên tục trong 10 tháng. Rồi ông Duyên đi tìm nguồn tinh về tự phối giống. Một năm sau, 2 con bò sữa mẹ đẻ ra 2 bê cái, ông Duyên chính thức theo đuổi nghề chăn nuôi bò sữa đến nay. Lần lượt từng hộ nông dân trong thôn, trong xã đã làm theo ông Duyên, đưa bò sữa trở lại chuồng trại trong vườn nhà.
Trong năm 2006, ông Duyên “thu dọn” hết 1 ha cà phê “Rô” (năng suất trên dưới 3 tấn nhân/năm) để trồng cỏ sữa. Lúc này bắt đầu nghĩ đến “cơ giới hoá” việc vắt sữa, ông Duyên tìm đến các địa chỉ sản xuất cơ khí ở Sài Gòn và đã mua về nhà chiếc máy vắt sữa đưa vào vận hành thử nghiệm. Máy hoạt động bằng năng lượng điện, sử dụng thành thạo đến công đoạn nào thì gọi điện về nơi sản xuất để hướng dẫn sử dụng công đoạn tiếp theo. Kết quả 1 chiếc máy 1 ngày vắt sữa được 6 con, một lần vắt sữa chỉ mất trên dưới 5 phút. So sánh máy vắt sữa làm việc tăng gấp 3 lần về công suất và giảm gấp 3 lần về thời gian so với một người vắt sữa bằng tay. Đi gặp từng hộ gia đình chăn nuôi bò sữa ở Đức Trọng và Đơn Dương thì đa phần đều muốn trang bị máy vắt sữa mà không đủ tiền để mua, ông Duyên quyết định tự đứng ra bảo lãnh nợ cho họ. Kết quả là đã có 40 hộ nông dân mua được 40 chiếc máy vắt sữa mới, chỉ trả trước 50% số tiền; 50% số tiền còn lại, ông Duyên chịu trách nhiệm thu nợ trả cho bên bán trong vòng 6 tháng.
Đàn bò sữa ở Đức Trọng, Đơn Dương phát triển nhanh chóng từ năm 2007 đến nay, qua “cầu nối” từ ông Duyên, người chăn nuôi đã trang bị mới tổng cộng 300 máy vắt sữa, đã trả nợ tiền mua máy đúng hạn cho bên bán. Chuồng nhà ông Duyên hiện đã tăng đàn lên 50 con bò sữa, trong đó có từ 15 - 20 con cho sữa thường xuyên. Trung bình mỗi ngày, hộ gia đình ông Duyên “thu hoạch” từ 3 - 4 tạ sữa, trừ hết mọi chi phí, còn thực lãi ước trên dưới 2 triệu đồng. Mới đây, ông Duyên đã lên dự án và được Ngân hàng Thế giới đồng ý hỗ trợ hơn 2,87 tỷ đồng xây dựng Liên minh hợp tác chăn nuôi nuôi bò sữa mới giữa 94 hộ nông dân và Dalatmilk, dự kiến triển khai trong vòng 18 tháng - bắt đầu từ tháng 1/2013. Và trước đó, như đã nói ở trên, ông Duyên là Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa giữa 54 hộ gia đình nông dân với Dalat milk cũng mới vừa kết thúc đạt hiệu quả cao sau 18 tháng liên minh.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 13-3-2013, Hội thủy sản tỉnh Bến Tre đã có cuộc họp với các thành viên trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai kế hoạch tổ chức kỷ niệm 54 năm Ngày Truyền thống ngành thủy sản Việt Nam.
Gần đây, tại một số tỉnh phía Nam xuất hiện nhiều dịch bệnh gây hại mới như bệnh đốm trắng trên thanh long, sâu đục trái bưởi, rệp sáp hồng hại sắn (khoai mì)..., làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, khiến nông dân gặp nhiều khó khăn.
Hiện giá heo hơi thương lái mua của người chăn nuôi trong tỉnh Đồng Nai chỉ còn 33 - 35 ngàn đồng/kg với heo nuôi ở các hộ nhỏ lẻ; từ 36 - 38 ngàn đồng/kg với heo nuôi trang trại. Ngoài ra, theo phản ảnh của một số người chăn nuôi, heo có trọng lượng từ 100 kg/con trở lên rất khó bán. Với giá heo hơi như hiện nay, người chăn nuôi đang thua lỗ từ 700 - 900 ngàn đồng/tạ.