Giá / Mô hình kinh tế

"Cất tủ" bằng kỹ sư đi trồng dưa, anh Cẩm Tú thu tới 1,5 tỷ/năm

Tác giả: Thuận Hải
Ngày đăng: 10/06/2017

Với trang trại dưa lưới rộng hơn 8.000m2 tại ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP.HCM, anh Nguyễn Lê Cẩm Tú đã thu về hơn 1,5 tỷ đồng mỗi năm.

Anh Lê Nguyễn Cẩm Tú chăm sóc vườn dưa lưới trồng trong nhà màng. Ảnh: T.H

Tôi đến thăm vườn dưa của anh nông dân trẻ Nguyễn Lê Cẩm Tú vào ngày anh đang phải “khập khiễng khập khà” vì bị bong gân chân do bất cẩn lúc dắt xe máy. Ấy thế mà, cái chân “cà nhắc” ấy vẫn rảo qua rảo lại hết khu vườn dưa rộng hơn 8.000m2, chăm từng gốc dưa, tỉa từng cành lá…

Bỏ nghề “máy móc” đi trồng dưa

Ngoài việc tạo ra thu nhập tốt cho gia đình, mô hình đang sử dụng 10 lao động phổ thông thường xuyên cho diện tích 6.000 m2, chủ yếu là lao động tại địa phương. 

Tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin nhưng lại đam mê mãnh liệt với sản xuất nông nghiệp, năm 2012, anh Tú cùng một số người bạn tham gia dự án ươm tạo doanh nghiệp của Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM tổ chức. Tại đây, anh được đào tạo bài bản, tiếp cận với công nghệ mới trong nông nghiệp, càng cảm thấy ham nông nghiệp công nghệ cao.

Đến cuối năm 2013, khi vừa tốt nghiệp khóa ươm tạo, nhóm của anh Tú phải tan rã vì mỗi người theo đuổi một ý tưởng kinh doanh riêng. Anh Tú một mình tiếp tục thử nghiệm mô hình trồng dưa lưới theo công nghệ Nhật Bản.

Ban đầu, một số vườn dưa trồng thành công, cây phát triển tốt nhưng lại… không ra trái. Bỏ ra hơn 40 triệu đồng đầu tư nhưng chỉ thu về một mớ… dây dưa, anh Tú có phần nản lòng. Thế nhưng, quyết không từ bỏ ý chí, anh dần dần tìm cách khắc phục các hạn chế, tìm cách thụ phấn thủ công cho hoa, chăm sóc hoa sau thụ phấn…

Đến năm 2015, sau vài vụ thất bại, anh Tú về Hóc Môn (TP.HCM) thuê đất xây dựng nhà màng trồng dưa lưới công nghệ cao. Đồng thời, anh mạnh dạn mở rộng diện tích lên 8.000m², xây dựng hai nhà màng, với tổng chi phí đầu tư khoảng 2 tỷ đồng.

Theo anh Tú, dưa lưới là loại cây khó tính và dễ mẫn cảm với thời tiết, côn trùng gây hại, việc chăm sóc do đó phải tỉ mỉ, cẩn thận trong từng khâu, từng giai đoạn phát triển. Thời vụ trồng dưa lưới là 3 tháng, cùng với thời gian làm đất, chuẩn bị… hộ anh Tú đang trồng 3 vụ dưa/năm. 

Về chi phí sản xuất, anh Tú chia sẻ, đối với đầu tư cố định ban đầu, chi phí bình quân khoảng 400 triệu đồng/1.000m2, trong đó bao gồm nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt, bạc phủ, giá thể, dây leo… Sau đó, chi phí sản xuất theo vụ bình quân khoảng 50 triệu đồng/vụ/1.000m2, trong đó bao gồm công lao động, chi phí hạt giống, phân bón, giá thể, điện, nước… 

Còn phụ thuộc nhập khẩu

Từ những vụ dưa “thất bát”, đến nay anh Tú đã cho ra được quy trình chăm sóc dưa hiệu quả cao, có lập trình biểu đồ dinh dưỡng hợp lý cho từng giai đoạn phát triển của cây... Dẫu vậy, điều khiến anh Tú lo lắng vẫn còn nhiều.

Theo đó, 100% nguồn hạt giống dưa lưới hiện nay phải nhập khẩu từ Đài Loan, Nhật Bản, Israel… Cái khó của việc phụ thuộc giống ngoại không chỉ về giá cả, chất lượng khó kiểm soát mà còn về tính thường xuyên của mặt hàng. “Nghĩa là có lúc một số giống dưa rất được thị trường ưa chuộng thì sau 1 – 2 vụ, nhà cung cấp giống hết hàng, không có giống nên người trồng dưa không thể sản xuất, không có hàng để đáp ứng người tiêu dùng. Mà như vậy thì không ổn định mặt hàng, không giữ chân khách được”-anh Tú chia sẻ.

Không chỉ hạt giống, do áp dụng theo công nghệ của Israel, một số sản phẩm phân bón, sản phẩm dinh dưỡng hòa tan để tưới nhỏ giọt… cũng phải nhập khẩu dẫn tới giá thành cao, khó cạnh tranh về lâu dài.

Cũng theo anh Tú, do quy mô sản xuất nhỏ, sản lượng chưa đủ cung cấp ra thị trường nên chi phí sản xuất còn cao. Sản lượng tiêu thụ bình quân hàng ngày đạt từ 200kg – 1.000kg, giá bình quân 55.000 đồng/kg (chưa tính phí vận chuyển).

Sắp tới, nếu tăng quy mô sản xuất tập trung sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao sản lượng, giảm giá thành sản phẩm. Anh Tú cũng tính tới việc mở rộng quy mô khoảng 5ha, tiến tới cung cấp cho cả thị trường TP.HCM và Hà Nội. “Hiện, dưa lưới đã được thị trường chấp nhận, nhu cầu sử dụng tăng từng ngày”-anh Tú cho biết. 


Có thể bạn quan tâm

Bỏ thành phố về quê trồng nấm, lãi 500 triệu đồng/năm Bỏ thành phố về quê trồng nấm, lãi 500 triệu đồng/năm

Từ bỏ cơ hội việc làm trên thành phố, chị Nguyễn Thị Linh, 25 tuổi đã quyết định trở về quê mở trang trại trồng nấm mỗi năm cho thu lãi trên nửa tỷ đồng.

10/06/2017
Mô hình sản xuất khô cá chỉ vàng khép kín tại Vũng Tàu Mô hình sản xuất khô cá chỉ vàng khép kín tại Vũng Tàu

Tại cơ sở Nga Sơn (Long Điền, Vũng Tàu), từ khâu chọn lọc nguyên liệu đến đóng gói đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

10/06/2017
Lãi 50 triệu đồng/tháng từ trồng rau thủy canh hồi lưu Lãi 50 triệu đồng/tháng từ trồng rau thủy canh hồi lưu

Mô hình trồng rau thủy canh hồi lưu ông Hội đã cho ra sản phẩm an toàn phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

10/06/2017