Giá / Tin thủy sản

Cất bằng đại học vô tủ, kỹ sư trẻ lăn lộn với nghề nuôi lươn

Cất bằng đại học vô tủ, kỹ sư trẻ lăn lộn với nghề nuôi lươn
Tác giả: Hồng Cẩm
Ngày đăng: 24/07/2017

Với niềm đam mê nuôi lươn giống, chàng kỹ sư trẻ Nguyễn Thanh Tân, 26 tuổi, phường Long Hòa, quận Bình Thủy (TP. Cần Thơ) đã cất tấm bằng đại học vô tủ và ở nhà mày mò kỹ thuật ươm lươn giống nhân tạo và nuôi lươn thịt, thu lợi cho gia đình khoảng 500 triệu đồng/năm.

“Bớt” tiền học mua…lươn giống

Thanh Tân cho biết, anh đam mê nghề nuôi lươn giống từ lúc còn học phổ thông trung học. Lúc đó gia đình cho nhiêu tiền đi học, chàng ta cũng để dành ra chợ mua lươn nhỏ, loại bằng ngón tay út về nuôi.

Nguyễn Thanh Tân đang kiểm tra lươn ươm trong bồn. Ảnh: Hồng Cẩm.

Quyết tâm với con lươn giống, năm 2010 sau khi tốt nghiệp lớp 12, Tân thi đỗ vào ngành Nuôi trồng thủy sản trường Đại học Cần Thơ. Suốt 4 năm học đại học, Tân vừa nghiên cứu lý thuyết vừa ươm nuôi lươn giống. Năm 2012, Tân thuyết phục ba mẹ đầu tư vốn mua 70kg lươn con (giống lươn tự nhiên) về nuôi. Do lươn tự nhiên, bán nuôi nhốt ở chợ nên yếu, đem về nhà nuôi được vài ngày thì lần lượt chết hết. “Lúc đó 3 tháng ròng, ở nhà em toàn ăn cơm với thịt lươn, nào là đông đá, làm khô…Ba em nói, sau lần này nghỉ “lươn bổng” gì hết nghe Tân!”- Tân vui vẻ nhớ lại thất bại đầu tiên của mình.

Sau 3 đợt nuôi thất bại, trên 200kg lươn giống còn sống sót lại khoảng 3.000 con, Tân quyết giữ lại làm lươn bố mẹ. Đợt lươn giống đẻ đầu tiên, Tân mừng thầm trong bụng, nghĩ đã thành công. Nhưng do thu trứng sớm quá nên trứng bị nấm hư gần hết. Rút kinh nghiệm lần đẻ trứng sau, Tân để trứng 2 ngày mới thu thì thành công mới thật sự đến với Tân, 90% trứng đã ấp nở con.

Năm 2013, Tân tốt nghiệp ra trường, thay vì đi làm việc như những sinh viên khác, thì Tân quyết định ở nhà làm nghề nuôi lươn. Ban đầu cha mẹ Tân ngăn cản quyết liệt, bởi bỏ đống tiền ra học đại học là để “làm ông nọ bà kia”, chí ít cũng đi làm công ty, doanh nghiệp, nhưng về sau thấy con đam mê quá nên đành ủng hộ con. “Lúc đó em và ba mẹ áp lực lắm, vì bà con trong xóm cứ nói ba mẹ em nuôi em ăn học tốn tiền tốn của rồi thất nghiệp ở nhà làm nông dân. Nhưng với quyết tâm và đam mê em gạt qua hết, cô gắng đeo đuổi công việc mình đã chọn” – Tân bộc bạch.

Học đại học xong thỏa ước mơ làm...nông dân

Từ đó Tân quyết tâm lập nghiệp với nghề nuôi lươn giống. Tân đầu tư mở trại nuôi lươn, xây hồ, mua bồn chứa vừa ươm lươn giống vừa nuôi lươn thịt. Lứa lươn giống thành công đầu tiên Tân không bán mà để lại làm con giống bố mẹ.

Kỹ sư trẻ mê làm nông dân Nguyễn Thanh Tân đang ươm trứng lươn (ảnh HỒNG CẨM)

Sau 3 năm lập nghiệp, Tân đã có trại giống rộng 500m2, với 8 hồ và hàng chục bồn nhựa. Hiện tại, trại của Tân có 5.000 con lươn giống bố mẹ đang sinh sản; 5.000 con giống hậu bị, chuẩn bị cho sinh sản; 12.000 con lươn thịt từ 2-4 tháng tuổi. Tân  phấn khởi cho biết: “Trung bình mỗi năm trại xuất bán khoảng 500 nghìn con giống (với giá 800 đồng/con); riêng lươn thịt, cứ 8 tháng xuất bán khoảng 6.000 (loại 3-4 kg/con), với giá giao động từ 145.000-170.000 đồng/kg (tùy mùa)”.

Thầy Nguyễn Thanh Hiệu - Giảng viên khoa Thủy sản trường Đại học Cần Thơ, nhận xét: “Từ còn là sinh viên Tân đã đam mê về con lươn, thậm chí đề tài tốt nghiệp em cũng làm kỹ thuật ươm giống lươn đồng. Tân nắm kỹ thuật rất tốt, trong thời gian ngắn em làm được trại giống, thành lập Hợp tác xã là một thành công lớn”.

“Hiện nay lươn giống tự nhiên ngày càng khang hiếm thì giống nhân tạo là lựa chọn đúng hướng. Hiện tại tôi cũng hỗ trợ kỹ thuật thêm cho Tân nghiên cứu giống cá tai tượng da beo, trạch lấu, cá sặc rằn…để đáp ứng nhu cầu thị trường. Tôi tin rằng với đam mê và quyết tâm cao Tân sẽ thành công nhiều hơn nữa” – thầy Nguyễn Thanh Hiệu chia sẻ.

Để quảng bá con giống và đầu ra ổn định, phát triển sản xuất, cuối năm 2014, Tân thành lập Hợp tác xã thủy sản Thuận Thiên với 7 xã viên. Trong Hợp tác xã Thuận Thiên có 3 trại ươm giống của Tân và 2 người bạn, có trên 70 nghìn con lươn giống bố mẹ. Hiện tại, Hợp tác xã của Tân cung ứng cho người nuôi các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh miền Trung hàng triệu con giống mỗi năm.


Có thể bạn quan tâm

Kỹ thuật nuôi thương phẩm cá chiên trong lồng Kỹ thuật nuôi thương phẩm cá chiên trong lồng

Chúng thường sống trong các sông suối thuộc các tỉnh phía Bắc và tập trung ở vùng trung, thượng lưu của các sông lớn, nơi có dòng nước chảy xiết.

24/07/2017
Cơ hội nâng cao chất lượng Cơ hội nâng cao chất lượng

Từ ngày 1/9/2017, Mỹ sẽ thực hiện đầy đủ quy định của Đạo luật Nông trại (Farm Bill), theo đó, Cục Thanh tra An toàn thực phẩm (FSIS) sẽ kiểm tra lấy mẫu 100%

24/07/2017
Giải pháp nâng cao chất lượng thức ăn thủy sản Giải pháp nâng cao chất lượng thức ăn thủy sản

Nâng cao chất lượng thức ăn, cần có những hiểu biết từ nhu cầu dinh dưỡng, lựa chọn nguyên liệu tốt nhất cho đến quy trình sản xuất thức ăn tối ưu…

24/07/2017