Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, không chỉ ở các tỉnh ĐBSCL mà tình trạng tôm chết hàng loạt bởi hoại tử gan tụy cũng đã xuất hiện tại một số tỉnh ven biển miền Trung và miền Bắc như Hải Phòng, Nghệ An và Phú Yên.
Do vậy, việc tổ chức nghiên cứu xác định nguyên nhân và xây dựng giải pháp phòng chống dịch bệnh hiện là cấp bách và cần phải được thực hiện quyết liệt để bảo đảm sản xuất phát triển ổn định.
Để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Tổng cục Thủy sản nhanh chóng tổng kết các mô hình nuôi tôm thành công, hướng dẫn các giải pháp cấp bách về phòng chống dịch bệnh, phổ biến cho các địa phương triển khai thực hiện.
Cục Thú y nhanh chóng triển khai nhiệm vụ điều tra dịch tễ và xây dựng bản đồ dịch tễ trên tôm nuôi nước lợ; đồng thời chủ trì xây dựng định nghĩa và tiêu chí xác định Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính làm cơ sở hỗ trợ người nuôi tham gia bảo hiểm Nông nghiệp. Cục Thú y cũng là đầu mối hợp tác quốc tế, gửi mẫu phân tích, xét nghiệm ở nước ngoài, mời chuyên gia quốc tế tham gia chương trình phòng chống dịch bệnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố ven biển cần tăng cường kiểm soát chất lượng giống và các yếu tố đầu vào.
Theo thông tin tổng hợp, riêng ở nhiều tỉnh ĐBSCL, đến thời điểm này, tình trạng tôm chết vẫn đang ở mức nghiêm trọng, chủ yếu liên quan đến bệnh hoại tử gan tụy. Tại Sóc Trăng, đã có trên 4.000 ha tôm, tương đương với trên 20% diện tích tôm đã thả nuôi, bị chết bị bệnh. Sóc Trăng đã 3 - 4 lần ra quyết định tạm ngưng thả tôm trong 1 thời gian, nhưng khi thả lại, tình trạng tôm chết vẫn tiếp tục diễn ra.
Ở tỉnh Trà Vinh, đã có 8.997 ha tôm thiệt hại do bệnh, tương ứng với 38% diện tích đã thả giống. Những vùng nuôi thâm canh ở Trà Vinh có tỷ lệ thiệt hại lên tới 80 - 90%, với khoảng 930 triệu con giống (chiếm khoảng 50% lượng giống đã thả nuôi) đã bị chết…