Giá / Mô hình kinh tế

Cần Phục Hồi Nghề Nuôi Cá Lồng Bè Trên Sông Vàm Cỏ Đông Ở Tây Ninh

Cần Phục Hồi Nghề Nuôi Cá Lồng Bè Trên Sông Vàm Cỏ Đông Ở Tây Ninh
Tác giả: 
Ngày đăng: 31/03/2013

Từ một dòng sông xanh trong, tàu bè tấp nập qua lại, trên sông còn có nhiều hộ nuôi cá bè quy mô lớn. Đến nay, sông Vàm Cỏ Đông, đoạn chảy qua ấp Phước Trung, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành (Tây Ninh) chỉ còn những đám lục bình trôi lấp mặt sông, với lác đác vài chiếc lồng nuôi cá vắng người chăm sóc. 
Nuôi cá lồng bè – “quá khứ huy hoàng”

Đến khu vực bè cá của Hợp tác xã Hải Ninh, một hợp tác xã nuôi cá lồng bè còn sót lại trên sông Vàm Cỏ Đông tại ấp Phước Trung, theo sự chỉ dẫn của chị Nơi, cán bộ Hội Nông dân xã Phước Vinh, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Minh Dũng, người trực tiếp quản lý bè cá của hợp tác xã, và được biết: trước đây vào những năm 2008, đầu năm 2009 chỉ 1 đoạn ngắn gần 200m trên khúc sông Vàm Cỏ Đông, ấp Phước Trung nhưng đã có gần khoảng gần 80 lồng cá của gần 20 hộ dân nuôi cá bè trên sông, tạo thành một “làng bè” nhỏ trên sông, còn thuyền bè chở cá qua sông thì tấp nập. 
Do nguồn lợi từ việc nuôi cá lồng bè ở đây khá cao nên người dân từ nhiều nơi như Dầu Tiếng, Đồng Tháp, Vũng Tàu đến đây làm ăn. Đa số cá được nuôi ở đây là cá lăng nha, một loại cá cho hiệu quả kinh tế khá cao, lại phù hợp với dòng sông Vàm Cỏ Đông... Thế nhưng, hiện nay trên mặt sông lác đác vài chiếc lồng nuôi cá của Hợp tác xã Hải Ninh thấp thoáng trong những đám lục bình. Nguyên nhân của tình trạng này, ai cũng có thể đoán biết là do nguồn nước sông đã bị ô nhiễm. 
Trước đây, chất lượng nước tại khúc sông Vàm Cỏ Đông này rất tốt, tuy nhiên đến khi có những nhà máy sản xuất mì trên lưu vực sông Vàm Cỏ Đông thì chất lượng nước tại đây bắt đầu thay đổi. Đặc biệt phải nói đến sự cố năm 2009. Theo báo cáo của Hội Nông dân xã Phước Vinh thì vào ngày 6.5.2009 do nước sông đầu nguồn bị ô nhiễm quá nặng bất ngờ đổ xuống, người dân không kịp xử lý di dời khiến toàn bộ cá nuôi trong trong bè của 18 hộ dân tại khu vực này chết hết, tổng thiệt hại lúc bấy giờ lên tới hơn 12 tỷ đồng. Ngoài ra một phần do việc khai thác cát trên sông khiến nước sông bị nhiễm phèn nặng cũng khiến cho cá trong bè của người dân bị chết. 
Hiện tại khó khăn

Ông Dũng cho biết, từ sự cố năm 2009 người nuôi cá lồng bè trên sông Vàm Cỏ Đông lâm vào cảnh trắng tay, những tài sản có giá trị đều đã thế chấp để vay vốn nuôi cá, đến nay nhiều người vẫn chưa trả được nợ cũ, không còn khả năng vay mượn để đầu tư lại nữa. Theo tính toán của ông Dũng thì vốn đầu tư cho 1 lồng cá trong suốt 1 năm rưỡi chăm sóc là 240 triệu đồng, một số tiền không nhỏ, trong khi người dân không còn khả năng vay mượn. Hiện tại Hợp tác xã Hải Ninh chỉ còn 7 hộ nuôi 14 lồng cá, quá ít so với trước đây. 
Ngoài chuyện thiếu vốn, nghề nuôi cá lồng ở đây còn bị khó khăn bởi vấn đề nguồn nước. Tuy sau khi xảy ra sự cố năm 2009, các cơ quan chức năng đã có biện pháp ngăn chặn ô nhiễm, nhưng thực tế cho thấy hiện chất lượng nước tại con sông Vàm Cỏ Đồng không còn bảo đảm an toàn cho các loài cá nuôi. Theo ông Dũng, cá nuôi sống phụ thuộc vào nguồn nước sông tự nhiên nên nghề nuôi cá bè trên sông Vàm Cỏ mang đầy tính chất “may - rủi”, chỉ những người nuôi cá “gan lỳ, mạo hiểm” mới dám duy trì bè cá. 
Mặc dù khó khăn là thế, nhưng theo ông Dũng, hiện nay vẫn có nhiều người dân muốn quay lại với nghề. Thế nhưng trước mắt, người nuôi cá bè rất cần được vay vốn để đầu tư nuôi cá và nhất là cần được ngăn chặn nạn ô nhiễm môi trường nước trên sông. Rất mong các ngành chức năng nghiên cứu để phục hồi nghề nuôi cá lồng bè, nhất là cá lăng nha - loại đặc sản cao cấp ở sông Vàm Cỏ Đông.


Có thể bạn quan tâm

Hút Hàng Giống Cây Trồng Hút Hàng Giống Cây Trồng

Chỉ mới đầu mùa mưa nhưng thị trường giống cây trồng ở ĐBSCL đang nóng từng ngày, giá đã tăng từ 30 - 60% so với cùng kỳ năm trước. Tuy giá cao, nhưng vẫn không đủ nguồn cung theo đơn đặt hàng.

31/03/2013
Người Phụ Nữ Làm Giàu Từ Chăn Nuôi Lợn Người Phụ Nữ Làm Giàu Từ Chăn Nuôi Lợn

Được sự quan tâm và tạo điều kiện của UBND xã Hải Lệ (Thị xã Quảng Trị) và tư vấn, sự giúp đỡ của Sở NN & PTNT tỉnh, năm 2004, gia đình chị Nguyễn Thị Nhi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp quy mô 150 con lợn nái nội và 1.000 con lợn thịt hậu bị, hàng năm đưa ra thị trường gần 200 tấn lợn thịt và hơn 700 lợn giống.

31/03/2013
Thanh Long Ruột Đỏ Thanh Long Ruột Đỏ "Bén Rễ" Trên Vùng Đất Nhiễm Phèn

Là người tiên phong trong việc chọn vùng đất nhiễm phèn (Thạnh Tân, Tân Phước, Tiền Giang) để phát triển thanh long ruột đỏ, lúc đầu từng bị cho là “dở hơi” nhưng giờ đây anh Đoàn Văn Sang đã có thể thuyết phục được mọi người về quyết định táo bạo của mình khi mà hiệu quả mang lại hơn cả sự mong đợi

31/03/2013