Cần Đẩy Nhanh Cơ Giới Hóa Nông Nghiệp
Từ cánh đồng của nông dân tới giai đoạn chế biến, mỗi năm có khoảng 1 triệu tấn lúa ở ĐBSCL bị thất thoát, tương đương với khoảng 5% tổng lượng lúa thu hoạch. Các chuyên gia đã tính toán, chuỗi thất thoát đã làm giảm giá trị của xuất khẩu gạo Việt Nam khoảng 500 triệu USD. Chính phủ, người nông dân đã nhận ra vấn đề và đang nỗ lực làm giảm đi phần thất thoát và tăng thêm giá trị hạt gạo trong vùng.
Nghị quyết 48/CP ngày 23-9-2009 của Chính phủ về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản đã nêu: “...Tổn thất về sản lượng trong và sau thu hoạch đối với lúa từ 11% – 13%, tập trung ở các khâu thu hoạch, phơi sấy, bảo quản và xay xát, chế biến. Ngoài tổn thất về sản lượng còn sụt giảm đáng kể về chất lượng”.
Theo đó, mục tiêu đề ra với lúa gạo sẽ giảm mức tổn thất còn 5% – 6% vào năm 2020. Hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 48/CP, ĐBSCL đã có những chuyển biến đáng ghi nhận. Đến nay, An Giang có 1.832 máy gặt, trong đó 1.445 máy gặt đập liên hợp, 387 máy gặt xếp dãy. Với diện tích ứng dụng khoảng 110.000 ha, đạt tỷ lệ 47%. Trong đó, số máy đầu tư mới năm 2011 là 201 máy (gặp đập liên hợp 182 máy, gặt xếp dãy 19 máy).
Tương tự, tại Vĩnh Long, thực hiện Nghị quyết 48/NQ-CP, ngành nông nghiệp đã xây dựng chính sách hỗ trợ lãi suất cho nông dân vay vốn mua khoảng 400 máy các loại như: máy cày, máy gặp đập liên hợp, máy gặt xếp dãy, máy gom lúa… Cùng với lượng máy người dân tự mua, hiện Vĩnh Long có khoảng 850 máy gặp đập liên hợp, 119 máy máy gặt xếp dãy; 4.340 máy tuốt lúa. Đưa năng lực thu hoạch bằng cơ giới đạt 70% - 80% diện tích, tuốt lúa, đáp ứng 100% nhu cầu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Trồng trọt, tiến trình đưa cơ giới hóa vào vẫn còn chậm. Thu hoạch bằng cơ giới của toàn vùng chỉ chiếm khoảng 40% diện tích. Trong đó, Vĩnh Long 80%, Long An và Sóc Trăng khoảng 70%, Cà Mau và Bến Tre khoảng 5%; năng lực sấy lúa cho vụ hè thu hiện vẫn còn rất thấp, bình quân chỉ khoảng 23%-25% sản lượng.
“Một nền nông nghiệp mang lại sự giàu có không chỉ dựa vào tăng sản lượng, mà quan trọng hơn là tăng giá trị gia tăng, đặc biệt ở khâu chế biến và thương mại. Hiện nay, chúng ta đang yếu ở 2 khâu này, nên đó mới chính là vấn đề cần phải giải quyết” - TS Trần Du Lịch, ĐBQH nhận định.
Trong khi đó, TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng: “Nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh lúa gạo vùng ĐBSCL từ khâu dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, bảo quản tồn trữ, chế biến và tiêu thụ lúa gạo, trong đó tổ chức liên kết nông dân trong chuỗi cung ứng lúa gạo và xây dựng thương hiệu là yếu tố then chốt”.
Theo Cục Trồng trọt, tỷ lệ thực hiện cơ giới hóa một số khâu ở ĐBSCL trong năm 2011 “vẫn nằm” như năm 2010. Nguyên nhân chủ yếu do chương trình hỗ trợ tín dụng chưa gắn kết với các mô hình phát triển nông nghiệp. Dễ thấy nhất là máy móc được hỗ trợ đầu tư mua mới chưa gắn kết với các đồng ruộng san phẳng và điều khiển bằng tia laser, vì mặt ruộng bằng phẳng là tiêu chí hàng đầu để máy gặp đập liên hợp hoạt động hiệu quả.
Năm 2011, ĐBSCL cũng thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn trên diện tích hơn 7.800ha, nhưng theo Cục Trồng trọt, việc xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn còn thiếu sự phối hợp nhịp nhàng với doanh nghiệp thu mua lúa, số lượng thu mua ở các mô hình còn nhiều hạn chế. Không chỉ kêu gọi đầu tư máy sấy, ngay các loại máy gặp đập liên hợp do trong nước sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn: chưa có những dây chuyền sản xuất hiện đại, các thiết bị thay thế khi gặp sự cố khan hiếm, chủ yếu còn làm thủ công.
Có thể bạn quan tâm
“Ban đầu tiếp xúc với rắn cũng sợ nhưng riết rồi quen, thậm chí cho rắn quấn vào cổ cũng chẳng sợ. Hằng ngày, việc chăm sóc rắn do tôi trực tiếp làm, còn ông xã thì lo đi tìm mồi cho rắn...”.
Điệp khúc “được mùa, mất giá” là nỗi lo sợ của bà con nông dân nói chung và những người trồng cây ăn trái nói riêng. Mùa chôm chôm năm nay cũng vậy, nhiều người đầu tư vốn liếng, công sức vào vườn cây với hy vọng sẽ thu được lợi nhuận. Thế nhưng, khi đến vụ thu hoạch thì chôm chôm bị rớt giá thê thảm, không tìm được đầu ra khiến nhiều nông dân đang hết sức băn khoăn.
Đó là anh Đào Văn Bằng- một chủ trang trại ở thôn Đồng Vang, xã Kim Long, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc trong nhiều năm qua luôn thành công trong chăn nuôi gà thịt quy mô lớn theo hướng tập trung để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Gần đây, anh đầu tư phát triển đàn lợn rừng vừa bán thịt, đồng thời nhân giống cũng mang nhiều kết quả khả quan.