Giá / Mô hình kinh tế

Cần 61.000 Tỷ Đồng Phát Triển Ngành Thủy Sản Đến 2020

Cần 61.000 Tỷ Đồng Phát Triển Ngành Thủy Sản Đến 2020
Tác giả: 
Ngày đăng: 23/06/2012

Với 60.857 tỷ đồng, 30.000 tỷ đồng dành cho phát triển lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, 24.257 tỷ đồng phát triển lĩnh vực chế biến thủy sản và 6.600 tỷ đồng phát triển lĩnh vực khai thác thủy sản.

Cần 60.857 tỷ đồng để phát triển ngành thủy sản đến năm 2020 là một trong những nội dung được nêu ra tại Hội thảo “Quy hoạch phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” tổ chức ngày 22/6 tại Hà Nội.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám nhấn mạnh, ngành thủy sản cần phát triển thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn, có thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh đó, ngành cũng cần hình thành các trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường trọng điểm, đảm bảo phát triển hài hòa, đồng bộ và lâu bền vì lợi ích tổng thể.

Theo Quy hoạch, mục tiêu đến năm 2020, sản lượng khai thác thủy sản của cả nước sẽ đạt 2.400.000 tấn với mức tăng trưởng giá trị sản xuất khai thác hàng năm đạt 16-17%; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 4,5 triệu tấn với tăng trưởng bình quân 5,2%; kim ngạch xuất khẩu đạt 11 tỷ USD.

Để đạt được các mục tiêu trên, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản Nguyễn Thanh Tùng cho biết, đối với lĩnh vực khai thác, ngành cần tổ chức đánh giá nguồn lợi thủy sản làm căn cứ cho việc quản lý hoạt động khai thác thủy sản và bố trí tàu thuyền, nghề nghiệp phù hợp; nhập công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện nghề cá của nước ta; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản sản phẩm sau khai thác, đặc biệt đối với đội tàu đánh bắt xa bờ.

Bên cạnh đó, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cũng cần chú trọng vào nhập công nghệ sản xuất giống mới hiện đại, phù hợp với điều kiện ở Việt Nam, xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản, ứng dụng các thành tựu khoa học tiên tiến vào nuôi trồng thủy sản.

Các doanh nghiệp cần đầu tư nghiên cứu, sản xuất và tăng thị phần các sản phẩm giá trị gia tăng, phù hợp với sức mua, thị hiếu của từng thị trường; phát triển mạng lưới cung cấp, bán buôn đến hệ thống siêu thị thông qua liên kết với nhà nhập khẩu, nhà cung cấp đầu mối.

Ngoài ra, tập trung đầu tư phát triển chế biến thủy sản xuất khẩu theo chiều sâu, đầu tư nâng cấp các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu để đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường./.

Có thể bạn quan tâm

Làm Giàu Từ Trang Trại Nuôi Vịt, Thả Cá Làm Giàu Từ Trang Trại Nuôi Vịt, Thả Cá

Mong muốn làm kinh tế tại quê hương, nên ngay khi địa phương có chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình trang trại, gia đình chị Phạm Thị Loan (xã Ngô Quyền, Tiên Lữ) đã hăng hái tham gia. Từ khoảng 2 mẫu đất ruộng, gia đình chị Loan đã cải tạo thành vườn, ao và một số dãy chuồng trại chăn nuôi.

23/06/2012
Bầu Bí Trồng Chơi Ăn Thiệt Bầu Bí Trồng Chơi Ăn Thiệt

Đã nhiều năm nay anh Nguyễn Thanh Hồng ở ấp 2, xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) trồng bầu bí luôn đạt năng suất và cho thu nhập cao. Với 1,2 hécta bầu bí, hàng năm gia đình anh lãi 80 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

23/06/2012
Thoát Nghèo Và Vươn Lên Làm Giàu Nhờ Biết Kết Hợp Sản Xuất Thoát Nghèo Và Vươn Lên Làm Giàu Nhờ Biết Kết Hợp Sản Xuất

Rời quê hương Thanh Hóa vào nhập cư, làm ăn sinh sống ở xã Ea Trol – 1 xã miền núi của huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Với số vốn 10 triệu đồng đã vay mượn của anh em, bà con, bạn bè ở quê, ông Nguyễn Tài Khoa mua 3 ha cà phê, gọi là vốn giắt lưng ban đầu để gia đình ông bén rễ và hình thành một cuộc sống mới ở vùng đất xa xôi này.

23/06/2012