Giá / Mô hình kinh tế

Cải Ngọt Hoà Sơn

Cải Ngọt Hoà Sơn
Tác giả: 
Ngày đăng: 20/10/2013

Phát huy lợi thế đất đai, nguồn nước, mấy năm trở lại đây, nông dân thôn Hoà Sơn, xã Cao Thượng, huyện Tân Yên (Bắc Giang) đã liên kết trồng cải ngọt an toàn. Nhiều hộ dân đã có thu nhập cao từ loại cây trồng này.

Từ nhiều năm nay, gia đình chị Lê Thị Quý, thôn Hoà Sơn đã chọn cải ngọt là cây trồng chính trong vụ đông, vì đây là một trong những cây rau màu ngắn ngày năng suất cao, dễ trồng, dễ bán. Hằng năm, gần tới thời điểm thu hoạch lúa mùa sớm, gia đình chị lại dành hơn 100 m2 đất trong vườn gieo hạt để khi thu hoạch lúa mùa xong là có con rau giống trồng ngay. Sau khi trồng khoảng 20 ngày là rau được thu hoạch. Cách làm này giúp gia đình chị gối được từ 5 đến 6 lứa rau trong một vụ đông mà vẫn bảo đảm kịp thời gieo cấy lúa chiêm xuân.

Theo chị Quý, có thể trồng cải ngọt trên nhiều loại đất khác nhau nhưng phải được tưới, tiêu tốt. Làm đất kỹ, nếu có điều kiện nên đảo đất và phơi ải 8-10 ngày cho thoáng khí, giúp cây sinh trưởng tốt, hạn chế sâu bệnh. Năng suất cải ngọt của gia đình chị bình quân đạt 850 kg/sào. Giá hiện tại 7 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, với 5,5 sào trồng cải, gia đình chị thu lãi hơn 27 triệu đồng/lứa chỉ với hai lao động. "Xe ô tô của các thương lái đến tận nhà cân rau, không phải mất công mang ra chợ bán”. Chị Quý vui vẻ cho biết.

Khác với chị Quý, hộ chị Hoàng Thị Luận trồng 2 sào cải ngọt quanh năm. Năm ngoái, các hộ trong thôn được Hội Nông dân xã, huyện hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng rau an toàn và 5 hộ được vay vốn phát triển sản xuất theo mô hình liên kết. Đó là cách làm hay nên gia đình chị cũng như các hộ khác đã áp dụng làm theo. "Chính vì thế mà khách hàng chỉ cần "a lô” là có đủ rau!” - Chị Luận nói.

Ông Ngô Văn Ngọc, Bí thư chi bộ thôn Hoà Sơn cho biết, hiện thôn có hơn 25 ha đất nông nghiệp trong đó có 3 ha được trồng cải ngọt, với 25 hộ tham gia, liên kết. Hầu hết sản phẩm rau của bà con được các doanh nghiệp trên địa bàn thu mua phục vụ bếp ăn công nhân, sản xuất ra không đủ bán.


Có thể bạn quan tâm

Các Nhà Nghiên Cứu Thái Lan Tin Rằng Hội Chứng EMS Sẽ Giảm Trong Năm Nay Các Nhà Nghiên Cứu Thái Lan Tin Rằng Hội Chứng EMS Sẽ Giảm Trong Năm Nay

Trung Tâm Công Nghệ Sinh Học và Kĩ Thuật Di Truyền Quốc Gia Thái Lan (Biotec) tin rằng hội chứng tôm chết sớm (EMS), nguyên nhân của sự sụt giảm nguồn cung cấp tôm gần đây ​​của Thái Lan, sẽ giảm trong năm nay, theo báo cáo của Bangkok Post

20/10/2013
Dịch Bệnh Khiến 200 Vạn Con Ốc Hương Bị Chết Dịch Bệnh Khiến 200 Vạn Con Ốc Hương Bị Chết

Ngày 4.6, ông Trần Hữu Phước - cán bộ khuyến ngư xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn (Bình Định), cho biết: Dịch bệnh phát sinh trên vùng nuôi ốc hương thương phẩm tập trung ở xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn khiến hơn 200 vạn con trong số 300 vạn con ốc hương do ngư dân vừa thả nuôi đã chết.

20/10/2013
Dịch Bệnh Gây Hại 31,5 Ha Tôm Nuôi Dịch Bệnh Gây Hại 31,5 Ha Tôm Nuôi

Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cho biết, đến nay, nông dân các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn và TP Quy Nhơn đã sử dụng trên 1.915 ha mặt nước để nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú theo hình thức thâm canh, bán thâm canh và quảng canh cải tiến. Điều đáng lo ngại là tình hình dịch bệnh tôm diễn biến khá phức tạp, hiện có 31,5 ha mặt nước nuôi tôm tại huyện Phù Mỹ, Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Nhơn đã bị dịch bệnh do virút đốm trắng và bệnh do môi trường gây hại. Đáng lo ngại là có một số vùng nuôi tôm đã xuất hiện hội chứng tôm chết sớm khiến cho người nuôi tôm lo lắng. Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền các địa phương khoanh vùng để xử lý dịch bệnh, nhằm khống chế và hạn chế dịch bệnh lây lan, đồng thời hướng dẫn người nuôi tôm áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ tôm nuôi.

20/10/2013