Giá / Tin nông nghiệp

Cách ủ phân hữu cơ nhanh mục

Cách ủ phân hữu cơ nhanh mục
Tác giả: Ks. Nguyễn
Ngày đăng: 19/06/2018

Ủ phân hữu cơ đúng kỹ thuật tiêu diệt được các vi sinh vật có hại, biến đổi các chất dinh dưỡng khó tiêu thành chất dễ tiêu, cây trồng dễ hấp thụ, nâng cao chất lượng của phân.

Phân hữu cơ gồm có phân chuồng, phân bắc và phân xanh. Tuy có nhiều dinh dưỡng nhưng hầu hết ở dạng khó tiêu, cây trồng lâu sử dụng được. Mặt khác trong phân chuồng, phân bắc có nhiều trứng giun, sán, vi sinh vật gây bệnh và hạt cỏ dại. Ủ phân hữu cơ đúng kỹ thuật tiêu diệt được các vi sinh vật có hại, biến đổi các chất dinh dưỡng khó tiêu thành chất dễ tiêu, cây trồng dễ hấp thụ, nâng cao chất lượng của phân.

Kỹ thuật ủ nổi: Đối với phân chuồng, phân bắc, tốt nhất là ủ kết hợp với một trong các loại phân, sản phẩm vi sinh sau: Super lân Lâm Thao tỷ lệ 5%; phân vi sinh Sông Danh (tỷ lệ 2-3%), chế phẩm EM thứ cấp (tỷ lệ 1-1,5lít dung dịch nồng độ 1-5% tưới cho 1-2tạ phân chuồng), chế phẩm Penac PR (5-10gói/tấn phân) hoặc Bi o-Plant (5ml/20lit nước trộn 1 tấn phân). Trộn đều các loại phân với nhau, chất thành đống có độ cao 1,5-2m, đường kính tuỳ số lượng phân đem ủ. Nén chặt, trát một lớp bùn nhão kín toàn bộ đống phân, trên đỉnh đống phân để chừa một lỗ hình tròn có đường kính 20-25cm để đổ nước dải, nước phân bổ sung (15-20 ngày/lần), che mưa cho đống phân ủ bằng nilon hay xác hữu cơ. Sau 40-50 ngày vụ hè hoặc 50-60 ngày vụ đông thì đống phân chuồng hoàn toàn hoai mục, phân tơi xốp, không có mùi hôi thối, đem bón cho cây trồng rất tốt.

Kỹ thuật ủ phân xanh: Cần có phân men là phân chuồng tươi (tỷ lệ 15-20%) + một trong các loại phân, chế phẩm vi sinh: Phân vi sinh Sông Danh tỷ lệ 3-5%, chế phẩm EM, Penac PR hoặc Bio-Plant (tỷ lệ như phần trên). Thân lá cây xanh được chặt ngắn thành đoạn dài 30-40cm, nên phơi héo để giảm thể tích, chất thành từng lớp dày 0,5-0,6m rắc một lớp phân men, tưới thêm nước dải, nước phân chuồng đảm bảo độ ẩm đống phân 75-80%, nén chặt. Sau đó trát kín toàn bộ đống phân bằng một lớp bùn nhão, có để lỗ tưới nước ở đỉnh đống phân, cứ khoảng 15-20 ngày lại tưới bổ sung nước để duy trì độ ẩm sau đó trát kín lại. Khoảng 35-40 ngày sau ủ ta tiến hành đảo đều đống phân, bổ sung nước cho đủ ẩm, lại nén chặt, trát bùn kín, sau khoảng 25-30 ngày nữa là phân hoàn toàn hoai mục, sử dụng được.

Kỹ thuật ủ chìm: Chọn đất nơi cao ráo, đào hố ủ sâu: 1,0-1,5m, đường kính hố ủ: 1,5-3m (tuỳ lượng phân cần ủ). Đáy và phần chìm của hố ủ được lót bằng nilon hay lá chuối tươi để chống nước ngầm xâm nhập hoặc nước phân chảy đi. Tiến hành ủ phân chuồng, phân bắc, phân xanh vào hố đã chuẩn bị, như đã trình bày ở phần trên.

Chất lượng phân ủ đạt yêu cầu, phân tơi xốp, có màu nâu đen không còn mùi hôi, đem bón trực tiếp phân ủ cho cây trồng với lượng 5-10 tạ/sào Bắc bộ 360m2, có thể dùng bón lót hoặc bón thúc đều rất tốt.


Có thể bạn quan tâm

Nông dân Lâm Đồng trồng mâm xôi kết hợp du lịch canh nông Nông dân Lâm Đồng trồng mâm xôi kết hợp du lịch canh nông

Anh Huỳnh Trung Quân đa dạng hóa sản phẩm, tránh phụ thuộc quả tươi và hướng tới du lịch canh nông để phát triểm mâm xôi bền vững.

19/06/2018
Cây đậu rồng: Cây đậu rồng: "trồng chơi, ăn thiệt"

Người dân chỉ trồng đậu rồng men theo hàng rào hay cho dây leo “gửi tạm” trên cây tạp, chủ yếu để lấy trái cải thiện bữa ăn hàng ngày

19/06/2018
Nuôi kiến vàng để diệt sâu bệnh trên cây điều - tại sao không? Nuôi kiến vàng để diệt sâu bệnh trên cây điều - tại sao không?

Sử dụng kiến vàng có thể gián tiếp giúp nông dân loại bỏ nấm bệnh, sâu bệnh, từ đó giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật xuống mức thấp nhất, đồng thời tiết kiệm

19/06/2018