Giá / Tin nông nghiệp

Cách khắc phục cây trồng sau bão

Cách khắc phục cây trồng sau bão
Tác giả: Hà Vũ
Ngày đăng: 05/08/2016

Đối với lúa

Với diện tích lúa bị ngập 1-2 ngày, khả năng phục hồi khá:

- Thực hiện các biện pháp chăm sóc kịp thời như bón thúc đợt 2 bằng phân kali cho diện tích lúa đứng cái, làm đòng, phun thêm các chất hỗ trợ sinh trưởng, phân qua lá cho lúa.

- Tăng cường công tác dự tính, dự báo tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng dịch hại như bệnh bạc lá, rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu đục thân... để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

Với diện tích lúa bị ngập 2-3 ngày, thoát nước kịp, có khả năng hồi phục:

- Điều chỉnh mực nước tiêu thoát đảm bảo cây lúa không bị đổ rạp; nếu ruộng có rong rêu, bùn đất bám trên cây cần té nước rửa lá để tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa quang hợp.


- Khi nước trên ruộng rút xuống và lá lúa nhô cao mặt nước trên 10cm, lá lúa chuyển màu xanh cần phun các chế phẩm sinh học như KH, ET, siêu lân, Pennac P... giúp cây phục hồi nhanh, liều lượng như trong bao bì hướng dẫn.

- Sau khi cây lúa đã phục hồi: Đối với những ruộng đã bón thúc lần 1 cần bón  thêm phân bổ sung để tăng cường khả năng phát triển của cây lúa; đối với những ruộng chưa bón thúc lần 1 cần khẩn trương bón hết lượng phân thúc.

 Với cây có múi khi đất se mặt, bón phân với liều lượng: 0,1- 0,2 kg ure + 0,1 - 0,2 kg kaliclorua/cây (tuỳ loại và tuổi cây) để kích thích cây hồi phục mọc rễ mới; Phun phòng bệnh loét bằng thuốc Boocđo 1 - 2%, bệnh chảy gôm bằng thuốc Ridomil MZ 72, liều lượng phun theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Ưu tiên sử dụng phân NPK chuyên dùng có hàm lượng đạm và kali cân đối. Không sử dụng đạm đơn và không bón phân lai rai nhằm hạn chế sâu bệnh hại và đổ ngã cuối vụ.

Đối với những diện tích lúa vùng trũng ngập nước kéo dài trên 3 ngày không có khả năng phục hồi:

- Cấy lại ngay sau khi nước rút bằng các giống mạ dự phòng còn lại hoặc san tỉa lúa từ những chân ruộng lúa gieo thẳng hoặc ruộng cấy không bị ảnh hưởng ngập úng.

- Khẩn trương dùng các giống ngắn ngày như P6 đột biến, nếp IRi 352, PC6, HN6, Khang dân 18, Khang dân đột biến, Việt lai 20, TH3-3… ngâm ủ gieo mạ nền cứng hoặc gieo thẳng ngay nếu rút nước kịp thời; kết thúc gieo cấy trước 10.8.

Đối với các loại cây rau màu

- Khẩn trương thu hoạch sản phẩm ở những ruộng gần đến thời gian thu hoạch hoặc tận thu ở ruộng bị thiệt hại nặng.

- Tháo nước nhanh, kịp thời, khơi thông dòng chảy, không để nước ngập lâu trong ruộng gây thối cây, thối rễ.

- Với ruộng ngập thời gian ngắn và cây rau còn  nhỏ có khả năng phục hồi cần phun các loại thuốc phòng trừ nấm hại như: Anvil, Ridomil, Oxyclorua đồng… để phòng trừ nấm lở cổ rễ; kết hợp chế phẩm KH, Pennac P, siêu lân..., chăm sóc bổ sung, bón thêm phân khi thời tiết thuận lợi giúp cây nhanh phục hồi.

- Đối với những diện tích bị ảnh hưởng nặng, không có khả năng cho thu hoạch cần vệ sinh đồng ruộng, chủ động chuẩn bị đất để gieo trồng lại những loại rau  ngắn ngày, rau ưa nước để cung cấp rau nhanh cho thị trường lúc giáp vụ, tăng thu nhập cho nông dân.

Đối với các loại cây ăn quả

Với cây chuối:

Với những vườn chỉ bị rách lá, nghiêng cây và không bị gãy thân:

- Khai rãnh ở mặt luống để nước thoát nhanh, giúp rễ mau thông thoáng hơn.

- Cắt tỉa các lá bị gãy, vệ sinh đồng ruộng; khi đất đã se mặt bón phân với liều lượng thích hợp để kích thích cây hồi phục mọc rễ mới.

- Cung cấp các dưỡng chất qua lá (phân bón lá Yogen; phân bón lá Đầu Trâu)... để tăng cường khả năng hồi phục của cây.

Với những vườn bị gãy thân chính:

- Dọn và xử lý tàn dư cây gãy đổ; chọn 1-2 chồi khỏe nhất trong khóm để chăm sóc thành cây thay thế cây chính đã bị gãy đổ.

- Cung cấp các dưỡng chất qua lá (phân bón lá Yogen; phân bón lá Đầu Trâu)... để tăng cường khả năng hồi phục của cây.

- Khi đất se mặt có thể bón phân với liều lượng thích hợp để tạo điều kiện cho cây con sinh trưởng khỏe.

Với cây nhãn, cây có múi:

- Thoát nước nhanh trong vườn, đặc biệt với những vườn đất thấp, chuyển đổi từ đất lúa, giúp rễ mau thông thoáng. Cắt bỏ những cành gẫy, cành bị tổn thương nặng do gió bão.

- Xới mặt đất (ở vùng tán cây) bằng cuốc răng (sâu 5 - 10cm) để phá váng khi đất đã se mặt, giúp đất được thông thoáng.

- Cung cấp các dưỡng chất qua lá (phân bón lá Yogen; phân bón lá Đầu trâu)... để tăng cường khả năng hồi phục của cây.

Riêng đối với cây nhãn sắp cho thu hoạch không nên bón phân, việc chăm sóc sẽ thực hiện ngay sau khi thu hoạch quả để giúp cây nhanh phục hồi; với những cây thu hoạch muộn có thể bón phân với liều lượng: 0,1 - 0,2kg ure + 0,1 - 0,2kg kaliclorua/cây (tuỳ loại và tuổi cây) để kích thích cây hồi phục mọc rễ mới, việc này thực hiện khi đất se mặt.


Có thể bạn quan tâm

Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nguy cơ mất thị trường bán lẻ Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nguy cơ mất thị trường bán lẻ

“Nếu không nhận thức rõ tình hình và không có giải pháp thích hợp, doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất trắng thị trường bán lẻ nội địa vào tay các doanh nghiệp nước ngoài”. Đó là cảnh báo được ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM nêu ra tại hội thảo tìm giải pháp nâng cao chất lượng thủy sản tại thị trường bán lẻ nội địa mới đây.

05/08/2016
Bà lão cầm cố biệt thự, biến trại heo thành vườn dưa lưới tiền tỷ Bà lão cầm cố biệt thự, biến trại heo thành vườn dưa lưới tiền tỷ

Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, bà vẫn quyết định chi hàng tỷ đồng để biến trại heo thành trang trại dưa lưới VietGAP “khủng” tiền tỷ. Bà là Trần Băng Tâm - chủ trang trại dưa lưới VietGAP ở quận 9, TP.HCM.

05/08/2016
Trồng hoa công nghệ cao, thu tiền tỷ mỗi năm Trồng hoa công nghệ cao, thu tiền tỷ mỗi năm

Từ nhiều năm nay, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang là vùng trồng hoa lớn của tỉnh Hưng Yên. Toàn xã có tới hơn 500 hộ trồng hoa công nghệ cao với tổng diện tích 120ha, hàng năm đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân.

05/08/2016