Giá / Tin thủy sản

Cà Mau: Kỳ vọng vào Đề án tôm

Cà Mau: Kỳ vọng vào Đề án tôm
Tác giả: Thiên Trường
Ngày đăng: 15/05/2017

Cùng với mục tiêu hướng tới xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD vào năm 2020 mà Chính phủ đã đặt ra, tỉnh Cà Mau đã xây dựng Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững ngành tôm tỉnh Cà Mau đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” nhằm đưa ngành tôm địa phương phát triển toàn diện cả chiều rộng lẫn chiều sâu một cách hiệu quả, bền vững.

Cà Mau có thế mạnh về chế biến tôm xuất khẩu     Ảnh: Thiên Trường 

Phát huy tiềm năng

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, cần làm rõ quy hoạch và thực hiện quy hoạch trong phát triển nghề nuôi tôm để ngành tôm địa phương phát huy được lợi thế.

Dẫn chứng khi tại Cà Mau chỉ có hơn 9.000 ha ao nuôi thâm canh nhưng trải rộng trên phạm vi 200.000 ha, dẫn đến không đủ nguồn lực đầu tư về hạ tầng thủy lợi, điện 3 pha phục vụ nghề nuôi. Do đó, cần phải xác định rõ các căn cứ khoa học làm cơ sở xác định vị trí, phạm vi quy hoạch, diện tích các loại hình nuôi tôm, nhất là quy hoạch các khu, vùng nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh tập trung để đầu tư phát triển. Sự bất cập của hạ tầng thủy lợi là nguyên nhân chủ yếu làm cho Cà Mau chưa khai thác hết tiềm năng phát triển nuôi tôm nước lợ trong thời gian qua. Một nguyên nhân sâu xa dẫn đến khó khăn, bất cập cho nghề nuôi tôm được cho rằng là do sản xuất nhỏ lẻ, thiếu hợp tác, liên kết. Bởi, đã có nhiều chủ trương, chính sách khắc phục thực trạng trên, tuy nhiên đến giờ này Cà Mau chưa có mô hình hợp tác, liên kết nào hiệu quả, bền vững; đồng thời, đề xuất thí điểm thực hiện chính sách đặc thù, hỗ trợ mạnh mẽ vấn đề này, làm tiền đề xây dựng thương hiệu tôm Cà Mau, ông Hải nhấn mạnh.

Chia sẻ về nguồn vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp trong đó có thủy sản, ông Trần Quốc Khởi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Cà Mau cho biết: “Ngành không thiếu tiền đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nhất là cho nuôi tôm, tuy nhiên hộ sản xuất cần phải có phương án sản xuất hiệu quả, đặc biệt phải theo chuỗi giá trị trên cơ sở có chế tài quy định chặt chẽ”.

Quyết tâm lớn

Để có lời giải tốt nhất cho bài toán trong nuôi, chế biến và xuất khẩu tôm, trước tiên phải nhìn nhận thực tế và có giải pháp thích hợp tại vùng nuôi, địa phương nuôi tôm trọng điểm, làm thí điểm nhân rộng. Với mục tiêu xây dựng Cà Mau trở thành một trong những vựa tôm lớn nhất vùng ĐBSCL và cả nước theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Cà Mau đang rất quyết tâm trong quy hoạch phát triển các hình thức nuôi, trong đó tập trung vào những vùng nuôi siêu thâm canh nhằm tăng nhanh năng suất, sản lượng, đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu vốn đã được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng cao trong thời gian tới.

Hiện, hình thức này đang tăng nhanh tại huyện Đầm Dơi với trên 175 ha. Ông Nguyễn Chí Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi cho biết, hiệu quả của nuôi tôm siêu thâm canh có trải bạt khá ổn định, đang có chiều hướng mở rộng bởi mô hình này ít xảy ra dịch bệnh, sản lượng cao rất nhiều so với hình thức thâm canh trên ao đất. Trong quy hoạch ngành tôm đến năm 2020, Cà Mau phấn đấu đạt 1.000 ha nuôi siêu thâm canh trên ao trải bạt, nhà kín. 

Một lợi thế lớn mà không địa phương nào có được, khi Cà Mau phát huy nghề nuôi tôm - rừng, gắn việc nuôi tôm với bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Đây là hướng đi nhận được những phản hồi tích cực từ các nhà nhập khẩu lẫn người tiêu dùng, vì vừa có sản phẩm sạch lại bảo vệ môi trường cho cuộc sống. Sản phẩm từ hình thức nuôi tôm dưới tán rừng luôn có giá trị cao hơn gần 20% so các sản phẩm tôm cùng loại. Hiện, Cà Mau được các tổ chức quốc tế chứng nhận sản phẩm sinh thái với diện tích trên 11.000 ha và đang quyết tâm phấn đấu đến năm 2020 xây dựng chứng nhận cho tất cả diện tích tôm - rừng tại địa phương lên con số 30.000 ha. Đây là nghề nuôi hướng mục tiêu xây dựng thương hiệu con tôm Cà Mau, bởi địa phương xác định thương hiệu không chỉ có ý nghĩa về khả năng cạnh tranh mà còn bảo vệ quyền lợi của người sản xuất và tiêu dùng.

Cà Mau có diện tích, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu đứng đầu cả nước từ nghề nuôi tôm, Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Tiến Hải hy vọng Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững ngành tôm tỉnh Cà Mau đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” khi được các bộ, ngành thông qua, trình Chính phủ phê duyệt sẽ tạo nền tảng, điều kiện để ngành tôm địa phương phát triển đúng với vai trò, vị thế và tiềm năng, nâng tầm con tôm Việt, cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường thế giới.

>> Theo Đề án: Tổng diện tích nuôi tôm đến năm 2020 ổn định khoảng 280.000 ha. Năng suất nuôi tôm bình quân khoảng từ 1.000 kg/ha/năm trở lên; Kim ngạch xuất khẩu 2 tỷ USD. Đến năm 2030, sản lượng tôm nuôi 412.250 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu 3 tỷ USD, góp phần nâng cao giá trị GDP của tỉnh. Dự kiến, nguồn vốn thực hiện Đề án trong giai đoạn 2017 - 2020 là 21.952 tỷ đồng và giai đoạn 2021 - 2030 là 28.473 tỷ đồng, từ nhiều nguồn khác nhau.


Có thể bạn quan tâm

Nhiều bất cập trong nuôi nhuyễn thể Nhiều bất cập trong nuôi nhuyễn thể

Nhiều hộ nuôi đã sử dụng giống không đảm bảo, ảnh hưởng đến chất lượng nuôi, làm phát sinh dịch bệnh.

15/05/2017
Cá rô đầu vuông: Dễ nuôi, dễ bán Cá rô đầu vuông: Dễ nuôi, dễ bán

Từ chỗ nuôi ghép với cá trê, đến nay, cá rô đầu vuông đã được các nông hộ trên địa bàn thị xã Điện Bàn nuôi riêng biệt, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

15/05/2017
Dự án SUPA: Cơ hội “tái cấu trúc” hình ảnh cá tra? Dự án SUPA: Cơ hội “tái cấu trúc” hình ảnh cá tra?

Cá tra Việt Nam đang gặp khó khăn tại thị trường châu Âu, giá trị xuất khẩu giảm. Đây chính là cơ hội để ngành xây dựng lại hình ảnh bằng việc sản xuất bền vững

15/05/2017