Giá / Tin thủy sản

Cá hô - đặc sản, dễ nuôi

Cá hô - đặc sản, dễ nuôi
Tác giả: Hà Châu
Ngày đăng: 18/04/2017

Cá hô - một giống cá quý hiếm của sông Mê Kông. Đây là loài thủy đặc sản có giá trị dinh dưỡng cao, ít bệnh, tăng trọng khá và giúp nhiều người dân miền Tây thu lãi cao.

Trong ảnh: Cá hô - đối tượng thủy sản có giá trị cao     Ảnh: PTC 

Đặc điểm sinh học

Cá hô thuộc họ cá chép Cyprinidae và có tên khoa học là Catlocarpio siamensis. Phần trước thân của cá hơi tròn và cao, phần sau dẹp bên; Cao thân khoảng 1/3 dài chuẩn; Đầu rất to, đỉnh đầu rộng, giữa mắt và mõm của phần lưng đầu lõm xuống; cá không có râu, khe mang rộng, thân phủ vảy tròn to; Đầu và lưng có màu nâu xám hoặc ánh xanh, nhạt dần xuống bụng trắng bạc; Mắt cá to, vảy to, vây lưng cao, gốc vây lưng, vây hậu môn có phủ vảy nhỏ. Bụng màu trắng bạc, các vây hơi phớt hồng, cuối các tia vây màu đen. Cá hô thường sinh sống ở những hố lớn cạnh bờ những dòng sông lớn, nhưng chúng cũng có thể bơi vào những kênh, rạch, sông nhỏ để kiếm thức ăn trong một số thời điểm. Chúng phân bố chủ yếu tại Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt  Nam (phân bố ở Châu Đốc, sông Mê Kông). Người ta đã bắt được cá hô dài tới 3 m, nặng khoảng 300 kg; ở Việt Nam thỉnh thoảng đánh bắt được cá hô loại 100 - 200 kg. Cá hô là loài ăn tạp, thức ăn của chúng có thể là thực vật phiêu sinh, rong, trái của thực vật trên cạn, thực vật thủy sinh và các động vật không xương sống thủy sinh…

Cho lãi lớn

Cá hô tuy là loài quý hiếm, trước đây cá chủ yếu là đánh bắt nhưng thời gian gần đây người dân ở miền Tây đã nuôi rất thành công giống cá này trong ao. Cá có thể trọng lớn, thịt thơm ngon, vị ngọt và dai nên rất được ưu chuộng trên thị trường và được các nhà hàng lớn thu mua. Cá hô đạt 4 - 6 kg/con trên thị trường có giá khoảng 80.000 - 120.000 đồng/kg, tuy nhiên có thể lên đến 1 - 2 triệu đồng/kg đối với cá 30 kg trở lên. Từ năm 2005, nước ta đã cho sinh sản nhân tạo thành công loài cá quý này tại Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam bộ, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, tiếp đến Trung tâm Giống thủy sản An Giang cũng đã sản xuất nhân tạo thành công giống cá này. Nhờ chủ động được nguồn giống nên nghề nuôi cá hô phát triển mạnh ở nhiều địa phương của nước ta như An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang...

Cá hô có thể nuôi đơn trong ao, lồng bè, đăng quầng. Với tốc độ tăng trọng 2 - 3 kg/năm, chúng có thể được nuôi đơn trong ao hoặc lồng bè với mật độ 3 - 4 con/m2; ngoài ra, còn có thể  thả ghép với các loài cá nước ngọt khác, với mật độ 10 m2/con, để tận dụng thức ăn. Ở miền Nam, cá hô có thể thả nuôi quanh năm do khí hậu ấm áp, cá phát triển tốt. Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, việc đưa cá hô vào nuôi không những mang lại giá trị kinh tế cao mà còn góp phần bảo tồn tài nguyên quốc gia.


Có thể bạn quan tâm

Liên kết bảo đảm đầu ra cho cá tra Liên kết bảo đảm đầu ra cho cá tra

Việc hình thành chuỗi liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp được xem là yếu tố đảm bảo lợi nhuận cho cả nông dân và doanh nghiệp.

18/04/2017
Cá tra “đắt hàng” tại Boston Cá tra “đắt hàng” tại Boston

Giá cá tra Việt Nam liên tục giảm vì doanh nghiệp thường đua nhau giảm giá với hy vọng chào bán được hàng

18/04/2017
Cải thiện tiêu hóa cho vật nuôi thủy sản bằng tảo và đất sét Cải thiện tiêu hóa cho vật nuôi thủy sản bằng tảo và đất sét

Hãng Olmix tại Pháp đã kết hợp tảo với đất sét - hai nguồn nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, tạo ra một cơ chế làm tăng khả năng tiêu hóa thức ăn cho vật nuôi

18/04/2017