Giá / Mô hình kinh tế

Cá Basa Việt Nam "Vượt Vũ Môn"

Cá Basa Việt Nam
Tác giả: 
Ngày đăng: 09/02/2011

Từ năm 2000 - 2009, riêng kim ngạch xuất khẩu cá tra, basa đã tăng 930 lần về sản lượng và 560 lần về kim ngạch.

Trong khoảng thời gian chưa tới 10 năm, từ vài chục triệu USD, cá basa đã đem lại kim ngạch xuất khẩu trên 1,4 tỷ USD/năm với sản lượng 1,2 triệu tấn. Cá basa Việt Nam đã có mặt ở hơn 120 nước và dự báo sẽ càng tiến xa hơn nữa.

Ngược dòng Mekong tìm nơi cá đẻ

Cá tra, cá basa đã có ở Việt Nam từ trước năm 1975. Nhưng những năm 1980 - 1985 mới bắt đầu được thế giới biết đến khi có một công ty Úc qua Việt Nam tìm mua cá biển, cá thịt trắng và được giới thiệu cá basa.

Anh Ngô Phước Hậu - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thủy sản Agifish (An Giang), nhớ lại: "Lúc đó họ rất ưng ý cá basa, đã đặt hàng chúng tôi xuất khẩu. Sau đó một số nước ở châu Á, châu Âu biết tiếng cũng tìm qua mua với số lượng ngày càng lớn. Tình thế lúc ấy đặt ra cho chúng tôi nếu muốn tiếp tục phát triển con cá này ngày một lớn mạnh thì phải ương được giống nhân tạo. Nhưng lúc ấy ở Việt Nam rất khó tìm ra được con cá có trứng".

"Đó là vào đầu năm 1995. Đoàn gồm có ba thành phần: doanh nghiệp với đại diện là tôi, địa phương với đại diện là anh Bảy Nhị (ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang - PV) cùng 2 nhà khoa học của Viện Cirad - Pháp và ĐH Cần Thơ. Cá ngược dòng sông Mekong, vượt hơn cả ngàn cây số lên đến tận thác Khổng của Lào để đẻ trứng" - anh Hậu kể lại.

Cá lội dưới nước, người đi theo trên bờ. Lúc đến Lào, ra chợ thấy người ta bày bán quá trời cá basa, cả đoàn mừng rỡ vì biết là đã sắp đến "ổ" của chúng. Sau khi đã tìm hiểu kỹ về điều kiện, môi trường sinh sản, đoàn nghiên cứu trở về Việt Nam. Mấy tháng sau đó, tin vui đã đến với bà con chài lưới ĐBSCL: Cá ở ao nghiên cứu ĐH Cần Thơ sau khi đẻ trứng đã nở thành cá!

...Đến vai trò thay thế của cá tra

Khi thị trường nước ngoài bắt đầu chuộng và yêu cầu cung cấp ngày một nhiều hơn thì con cá basa ngày càng thể hiện sự đuối sức. Các nhà nhập khẩu nước ngoài yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam tìm con cá khác thay thế. Họ cử các đoàn chuyên gia, nhà khoa học sang cùng phía Việt Nam nghiên cứu. Sau đó tất cả đã thống nhất chọn con cá tra thay thế vì nó có đặc điểm sinh trưởng, thịt phi lê tương tự cá basa.

Cá tra cũng đã có tại Việt Nam từ rất sớm, khoảng thập niên 50 - 60 đã thấy có cá tra ở vùng Đồng Tháp, An Giang. Cá tra có nguồn gốc từ Biển Hồ Campuchia, cũng xuôi theo dòng Mekong xuống Việt Nam. Sau đó lội ngược dòng về Biển Hồ để đẻ trứng.

Thịt cá tra không ngon bằng cá basa nhưng trứng nhiều, nuôi dễ hơn cá basa. Thời gian nuôi cũng chỉ bằng phân nửa thời gian nuôi cá basa. Cá tra lại có thể nuôi trong ao, rộng rãi hơn nhiều so với nuôi trong nhà bè của các basa. Năng suất cũng cao hơn.

Chính những lợi thế kinh tế này đã khiến cá tra dễ nuôi đại trà hơn và cùng với cá basa, phát triển với tốc độ vũ bão trong những năm sau đó, trở thành sản vật thần kỳ của Việt Nam trong công cuộc chinh phục người tiêu dùng thế giới. Chính cá tra và cá basa (mà Bộ NN&PTNT vừa chính thức ghép chung, coi như một với tên gọi cá basa) đã làm thay đổi toàn bộ diện mạo đời sống, cơ sở hạ tầng, kinh tế của người dân ĐBSCL.


Có thể bạn quan tâm

Làm Giàu Từ Mô Hình Nuôi Ong Mật Làm Giàu Từ Mô Hình Nuôi Ong Mật

Đến gia đình anh Lê Xuân Hải, đội 3 Cộng Hòa, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên vào mùa hoa nhãn nở rộ thấy rõ cảnh tấp nập thu hoạch mật ong. Đây là một trong những hộ nuôi ong mật lâu năm nhất và cũng là người có số lượng đàn ong lớn nhất trong xã với hơn 200 đàn.

09/02/2011
Tiêu Chuẩn BAP Mới Dành Cho Trang Trại Nuôi Đa Loài Tiêu Chuẩn BAP Mới Dành Cho Trang Trại Nuôi Đa Loài

Chiều ngày 25/6/2013, tại hội chợ Vietfish 2013 đã diễn ra hội thảo “Cập nhật tiêu chuẩn Nuôi trồng thủy sản tốt nhất (BAP) và giới thiệu tiêu chuẩn mới của Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA) áp dụng cho đa giống loài”

09/02/2011
Bơm Rau Câu Vào Tôm Sú, Bị Phạt 30 Triệu Đồng Bơm Rau Câu Vào Tôm Sú, Bị Phạt 30 Triệu Đồng

Ngày 26.6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Thị Thu Hà đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính 30 triệu đồng đối với bà Phạm Thị Xuân Hồng, chủ cơ sở thu mua tôm sú ở 155 đường Đống Đa, Quy Nhơn, vì đã có hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.

09/02/2011