“Bình Minh” trên ao tôm
Việc ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm là hướng đi giúp tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm; từ đó gia tăng lợi nhuận và chủ động được về thị trường. Hiệu quả của mô hình này ở Công ty CP Đầu tư Phát triển Thủy sản Bình Minh là minh chứng rõ ràng nhất.
Nuôi tôm có mái che có thể sản xuất được 4 vụ/năm
Gian khó là động lực
Là doanh nghiệp trẻ mới được thành lập năm 2016, song về bề dày kinh nghiệm, những người lãnh đạo Công ty CP Đầu tư Phát triển Thủy sản Bình Minh (Kim Sơn, Ninh Bình) đã có gần 20 năm gắn bó với những ao đầm nuôi tôm.
Ông Vũ Hải Đường, Giám đốc Công ty Bình Minh chia sẻ: “Nhìn những thành quả của ngày hôm nay, ít ai biết được rằng, chúng tôi đã phải trải qua quãng thời gian sóng gió như thế nào, đau đớn trước bao nhiêu thất bại. 5 năm trước, tôi nuôi tôm thẻ chân trắng quảng canh cải tiến nhưng không mấy hiệu quả. Nhận thấy, tiềm năng thị trường tôm vụ đông ở phía Bắc rất lớn, nên tôi cùng mấy anh em nảy ra ý tưởng phải làm thế nào để nuôi được tôm trái vụ, tăng được hiệu suất sử dụng đất đai và giảm được tối đa ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh lên con tôm”.
Bằng quyết tâm, ông cùng người góp vốn đã vào miền Nam tìm hiểu, ra Quảng Ninh, Hải Phòng học hỏi rồi về đầu tư vốn liếng hình thành nên 11 ao nuôi có mái che chóp nón; trong đó có 8 ao nuôi, mỗi ao rộng 1.800 m2; các ao còn lại rộng 500 - 800 m2. Ngoài ra, còn có 2 ao ương với diện tích 500 m2/ao.
“Cách mạng” công nghệ
Khát khao tiếp cận phương pháp nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, Công ty Bình Minh đã chi hàng chục tỷ đồng để đầu tư, xây dựng hệ thống ao nuôi với nhiều giải pháp kỹ thuật mới. Toàn bộ hệ thống ao nuôi đều đáp ứng yêu cầu kỹ thuật nuôi tôm công nghệ cao, được bê tông hóa bờ, đáy. Phần mái che hình chóp nón sử dụng khung cáp chịu lực và 3 lớp lưới, ni lông che phủ giúp giảm thiểu tối đa sự tác động của những yếu tố thời tiết ngoại cảnh, đảm bảo nhiệt độ nước khoảng 27 – 320C. Hệ thống ao ươm riêng biệt nhằm tăng cao tỷ lệ sống của tôm khi bắt đầu tiếp xúc với môi trường sống tự nhiên. Bên cạnh đó, Công ty cũng rất chú trọng đến việc kiểm soát nguồn nước trong ao nuôi. Vì thế đã đầu tư xây dựng hệ thống ao 4 cấp: Ao chứa, ao xử lý, ao sẵn sàng và cuối cùng là ao nuôi. Nước lấy về phải tuần tự đi qua 4 ao trên mới đảm bảo hợp vệ sinh.
Về quy trình nuôi, hiện Công ty Bình Minh đang áp dụng quy trình nuôi tôm 3 sạch của C.P. Việt Nam (tôm giống sạch, nước sạch và đáy ao sạch). Theo ông Đường, quy trình này có nhiều ưu việt như dịch bệnh cơ bản được khống chế, năng suất tăng đáng kể... Hơn nữa, trong quá trình sinh trưởng của tôm tuyệt đối không sử dụng hóa chất hay các chất kháng sinh, thay thế vào đó là sử dụng phương pháp nhân sinh khối vi sinh vật, tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của vi sinh vật để lấn át các mầm mống gây bệnh.
Trong quá trình nuôi tôm, nước thải là điều không tránh khỏi, vì vậy Công ty đã đầu tư các bể lắng xử lý nước thải từ các ao nuôi. Quá trình hoạt động trong các bể này sẽ giúp loại bỏ các chất thải, xả ra một hệ thống mương bao quanh khu ao nuôi. Sau mỗi vụ thu hoạch tôm, song song với việc cải tạo ao nuôi là việc xử lý hệ thống mương chứa nước thải trên.
Điểm đặc biệt, hệ thống ao nuôi tôm của Công ty Bình Minh được thiết kế theo dạng hình tròn, chứ không phải ao vuông như truyền thống. Theo ông Đường, ao vuông khi cánh quạt quay thì thức ăn, phân tôm dạt vào 4 góc vuông; trong khi đó ao tròn sẽ khắc phục được tồn tại này và thời gian, chi phí sử dụng quạt sẽ ít hơn so với ao vuông”.
Chủ động được thị trường
So sánh giữa nuôi tôm quảng canh và nuôi tôm có mái che, ông Đường cho hay: “Với khí hậu miền Bắc, tôm quảng canh chỉ nuôi được 1 vụ chính, 1 vụ phụ; trong đó vụ phụ bấp bênh vì thường vào mùa mưa bão. Nuôi tôm quảng canh mật độ thả giống thưa, chi phí thấp, nhân công tận dụng. Sản lượng bấp bênh do chịu tác động lớn bởi thời tiết. Nếu một ao nuôi 5.000 m2 thì chi phí đầu tư khoảng 10 triệu, lợi nhuận chỉ khoảng 20 triệu đồng. Trong khi đó, nuôi tôm có mái che có thể sản xuất được 4 vụ trong năm. Mật độ thả tôm giống cao, thường 200 con/m2. Sản lượng đạt 20 - 22 tấn/ha. Với giá bán bình quân 200.000 đồng/kg, doanh thu mỗi vụ khoảng 4 tỷ đồng, trừ chi phí 50%, lợi nhuận khoảng 2 tỷ đồng”.
“Hơn nữa, lợi thế của nuôi tôm có mái che là người nuôi chủ động được thời vụ và chủ động đưa sản phẩm ra thị trường khi thị trường có nhu cầu. Ví dụ, trước và sau Tết hoặc vào các dịp lễ, hội thì nhu cầu tôm ở miền Bắc sẽ cao. Muốn có nguồn cung kịp thời, chủ động thì chỉ có tôm nuôi mái che mới đáp ứng chứ ao quảng canh không thể”, ông Đường cho biết thêm.
Thời gian tới, Công ty Bình Minh sẽ xây dựng khu sản xuất đông lạnh nhằm thu mua tôm của bà con với số lượng lớn để chế biến phục vụ thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Tham vọng lớn, công việc còn bộn bề song niềm mong mỏi lớn nhất mà Công ty Bình Minh hướng đến là góp phần phát triển ngành thủy sản cho địa phương; cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm sạch và an toàn
>> “Đối với nuôi tôm, còn nhiều cơ hội để phát triển song cũng phải đối diện với nhiều rủi ro, trong đó quan trọng nhất là vấn đề con giống. Nếu doanh nghiệp tôm giống sản xuất ra những mẻ tốt thì người nuôi được nhờ. Ngược lại, nếu sản xuất ra tôm giống kém chất lượng thì người nuôi sẽ phải chịu nhiều rủi ro, tôm nuôi còi cọc, mang mầm bệnh, thời gian nuôi kéo dài, chi phí khác cũng tăng thêm”, ông Vũ Hải Đường, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển Thủy sản Bình Minh chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Hai nghiên cứu khoa học mới cho thấy rằng các hóa chất được sử dụng để phòng trị bệnh trong trang trại nuôi cá hồi ngoài khơi có thể gây ra tác động có hại đối
Biofloc là các cụm kết dính bao gồm tảo cát, tảo biển lớn, động vật nguyên sinh, các hạt hữu cơ chết, vi khuẩn. Mỗi hạt floc được gắn kết lại với nhau
Người nuôi tôm có xu hướng cho ăn quá nhiều trong thời kỳ mưa vì khay ăn có thể cho thấy thức ăn đang được tiêu thụ nhiều hơn