Giá / Tin nông nghiệp

Biện pháp hạn chế hao hụt lươn trong giai đoạn đầu thả giống

Biện pháp hạn chế hao hụt lươn trong giai đoạn đầu thả giống
Tác giả: KS. Nguyễn Thị Phương Dung
Ngày đăng: 15/12/2021

Hiện nay, lươn đang được nhiều địa phương phát triển nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là vào mùa nước lũ về có nguồn lươn giống dồi dào. Tuy nhiên, theo thực tế của nhiều hộ nuôi lươn, ở giai đoạn đầu thả giống, lươn bị hao hụt nhiều do con giống chủ yếu dựa vào giống tự nhiên, nên gây thiệt hại khá lớn cho bà con.

Từ thực tế đó, để khắc phục hiện trạng trên, bà con có thể tham khảo một số biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế hao hụt lươn ở giai đoạn đầu thả giống như sau: Chọn giống, nên chọn con giống có màu vàng sẫm, vì loại này có sức sống và tăng trưởng tốt; những con màu đen hoặc xám tro nuôi chậm lớn. Cỡ giống thả tốt nhất từ 40 – 60 con/kg. Giống quá nhỏ, khó chăm sóc, dễ chết, thời gian nuôi kéo dài. Giống lớn thì khi mua, bà con nên lưu ý nguồn giống, vì cỡ giống lớn lươn hay bị chết sau khoảng một tháng nuôi do bị giãn cột sống lúc bị đánh bắt bằng thuốc hoặc điện.

Trước khi thả vào bể thuần dưỡng phải tắm lươn. Pha thuốc tắm: 200g muối/10 lít nước hòa tan tắm từ 20 – 30 kg lươn giống, thời gian tắm là 1 phút rồi cho lươn vào bể dưỡng. Bể dưỡng có thể là bể nilon hay bể lót bạt, mật độ dưỡng là 4 – 6 kg/m2, chiều sâu nước là 0,1 – 0,2 m. Trong bể dưỡng đặt giá thể như: Lục bình, rau muống, rau dừa, dây nylon,… Thời gian dưỡng từ 5 – 10 ngày tùy theo nguồn giống. Khi không còn thấy lươn yếu, lươn chết mà bơi lội nhanh nhẹn thì có thể thả vào bể nuôi. Lưu ý, trong suốt thời gian thuần dưỡng, không được cho lươn ăn và phải thay nước ít nhất 2 lần/ngày, đồng thời phải loại bỏ ngay những con chết, con yếu.

Khi vận chuyển: Nên dùng vật dụng trơn láng để chứa lươn và cho thêm một ít nước, giá thể như rau dừa, lục bình, dây nylon để che mát và tạo chỗ trú ẩn cho lươn nhằm giảm xây sát. Chiều cao lớp lươn vận chuyển không quá 20 cm, vì quá cao, lớp lươn phía dưới bị đè và khó tiếp xúc được với ôxy để hô hấp, lươn bị mất nhớt. Không nên vận chuyển lươn trong những vật dụng kín, bề mặt tiếp xúc nhỏ, lươn khó tiếp xúc với ôxy để hô hấp.

Giai đoạn đầu thả giống, lươn thường bị sốc môi trường, biểu hiện là lươn xáo trộn trong bể, quấn vào nhau, tiết nhiều nhớt, ngoi đầu lên thở. Những con nặng, đầu sưng phồng lên, xuất huyết và chết hàng loạt. Để phòng bệnh này nên tắm lươn trước khi dưỡng như nêu trên. Nếu áp dụng tốt các biện pháp này, tin rằng bà con sẽ giảm được hao hụt lươn trong giai đoạn đầu thả giống, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả cho vụ nuôi.

Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang, Tiền Giang – T9/2013


Có thể bạn quan tâm

Tìm ra bí mật có thể chống lại bệnh thối đen trên rau vụ đông Tìm ra bí mật có thể chống lại bệnh thối đen trên rau vụ đông

Các nhà khoa học Singapore đã xác định được cách thức vi khuẩn "sát thủ rau vụ đông" tấn công ở cấp độ phân tử và làm tê liệt hệ thống miễn dịch của cây.

15/12/2021
Nông dân trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ Nông dân trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ

Xã Yên Ninh, huyện Yên Định (Thanh Hóa) có trên 120 ha bưởi được trồng theo hướng hữu cơ. Mô hình này tạo ra nhiều lợi thế trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.

15/12/2021
Khi nông dân trồng lúa bằng smartphone Khi nông dân trồng lúa bằng smartphone

Chỉ với chiếc smartphone, ở bất kỳ nơi đâu, nông dân cũng có thể "ra lệnh" cho máy bơm điều tiết mực nước phù hợp trên ruộng, nắm được tình hình sâu hại lúa.

15/12/2021