Giá / Tin nông nghiệp

Biến đất trơ cứng, bỏ hoang thành vùng cây có múi trĩu quả

Biến đất trơ cứng, bỏ hoang thành vùng cây có múi trĩu quả
Tác giả: Nguyễn Hải Tiến
Ngày đăng: 06/01/2022

Từ một vùng đất trơ cứng, bị bỏ hoang ở xã Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội), nhiều người đã thuê lại, cải tạo thành vùng cam trĩu quả, thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha.

Nhiều vườn cây có múi mất mùa nhưng cam trồng ở Chu Xá vẫn sai quả. Ảnh: H.Tiến.

Ghé thăm cánh đồng cây có múi ở thôn Chu Xá, Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội) vào một ngày rét khô, chúng tôi thấy đất vườn ở đây đã bị nứt nẻ, trơ cứng, cỏ dại cũng khó mọc. Vậy mà vườn nào cũng khá sai quả, cây trồng khỏe mạnh, xanh tươi sạch bệnh.

Anh Nguyễn Văn Thúy, một chủ vườn cam ngắt mời tôi mấy quả, ăn nếm thử. Bất ngờ! Bên trong lớp trái cây vàng óng ấy là những múi cam ngọt không chê vào đâu được. Ăn xong dư vị còn lưu lại trên môi. 

Anh Thúy cho hay, cánh đồng này rộng khoảng 15ha, trước đây cấy lúa chỉ được hơn 100 kg thóc/sào, cơ bản chỉ đủ tiền chi phí vật tư sản xuất, nên đã bị bỏ hoang. Tình cờ trong một lần đi thuê ruộng canh tác (năm 2002), anh đã phát hiện ra đất ở đây có thành phần cơ giới rất nặng, thích hợp cho trồng cây có múi.

Nghĩ vậy, anh liền rủ thêm một số hộ cùng quê (Văn Giang, Hưng Yên), tìm đến các chủ có ruộng, xin thuê lại toàn bộ diện tích với giá 25 triệu đồng/ha/năm, rồi cải tạo thành các vườn thâm canh cây có múi. Trong đó anh Thúy đã thuê được gần 2ha, trồng giống cam Vinh lòng vàng.

Kết quả, từ sau cây cam cho khai thác kinh doanh (5 năm tuổi), các nhà vườn đều thu được lợi nhuận 250 - 300 triệu đồng/ha mỗi năm. Thấy các hộ thuê ruộng bắt đúng “mạch” tiềm năng đất đai của địa phương, UBND xã Kiêu Kỵ đã đầu tư đưa điện lưới ra đồng, kiên cố hóa kênh mương và bờ vùng, bờ thửa, tạo thuận lợi cho các nhà vườn triển khai nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, giúp các loại trái cây làm ra từ đây đưa vào tiêu thụ trên địa bàn Thủ đô, luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Không phụ sự quan tâm của chính quyền sở tại, các nhà vườn ở đây đã chấp hành tốt các quy định của địa phương, giữ gìn vệ sinh môi trường sinh thái, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình VietGAP trên cây ăn quả. Đặc biệt còn từng bước chủ động, nâng giá thuê ruộng lên 45 - 55 triệu đồng/ha/năm như hiện tại.

Để vườn cam luôn được mùa. Các nhà nông ở đây đã chọn trồng cây giống khỏe, sạch bệnh bằng cách tự gieo cây thực sinh và ghép mắt giống từ các nguồn sạch bệnh. Cơ bản chỉ chăm bón bằng hạt đậu tương nghiền mịn, kết hợp với phân vi sinh, hữu cơ vi sinh các loại. Bón NPK 1 lần ngay sau kết thúc thu hoạch quả. Bón vôi khi pH đất dưới 6,0. Ít sử dụng chế phẩm kích thích sinh trưởng. Không “ép” cho cây phải ra quá nhiều quả. Bình quân chỉ khai thác khoảng 20 tấn quả/ha/vụ.

Nhằm giảm thuê mượn công lao động, tăng hiệu quả sản xuất. Các nhà vườn đều đầu tư hệ thống tưới cây điều khiển từ xa, có bể gạn lọc ô xít sắt, nhôm di động trong nước trước khi đưa vào các ống tưới nhỏ giọt.

Nhiều chủ vườn còn trang bị máy đo pH đất cầm tay. Để giữ ẩm đất vườn tốt hơn và tránh bị rửa trôi phân bón, anh Thúy còn mua thêm mạt sừng trâu thải loại, từ các làng nghề thủ công mỹ nghệ của huyện Thường Tín về bón cho cây cam.

Cách thâm canh trên đã giúp cho vườn cam lâu bị già cỗi, tăng khả năng chống chịu, ít nhiễm các bệnh hại nguy hiểm như thối rễ, vàng lá gân xanh và không bị mất mùa, chất lượng quả luôn ngon hơn vượt trội, thường bán được giá cao ngất ngưởng, từ 40.000 - 60.000 đồng/kg, tùy thời điểm.

Anh Nguyễn Văn Tiến, một chủ vườn cam khác ở đây tiết lộ: Có được nguồn thu nhập cao như trên là do các nhà vườn đều đã rút ra được bài học từ vùng cam Văn Giang (Hưng Yên). Vào những năm 1998 - 2008, huyện Văn Giang là vựa cam nổi tiếng về năng suất, chất lượng.

Nhưng vì trồng cam trên đất thịt nhẹ và đất thịt pha cát, dùng mọi biện pháp kích cây ra thật nhiều quả, cuối cùng, chỉ chưa đầy 10 năm, các vườn cam đã bị già cỗi trước tuổi, không ít vườn còn bị nhiễm nặng bệnh vàng lá gân xanh (Greening) phải đốn đi chuyển sang trồng cây khác.

TS Nguyễn Quốc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả đánh giá: Cách làm của các hộ trồng cam ở thôn Chu Xá đã đúng hướng. Những chân ruộng đất sét pha, đất thịt nặng luôn giàu các dinh dưỡng khoáng đa lượng và vi lượng, rất thích hợp cho trồng cây có múi.

Để phát huy tốt ưu điểm của loại đất canh tác này, nhà vườn cần tăng cường hơn nữa phân bón hữu cơ vi sinh, giảm tối đa phân hóa học các loại. Chú ý, không đồng thời bón phân vi sinh, hữu cơ vi sinh với vôi, đạm, lân, kali và NPK các loại.  


Có thể bạn quan tâm

Phát triển mái nhà kính ‘điều tiết năng lượng mặt trời’ Phát triển mái nhà kính ‘điều tiết năng lượng mặt trời’

Nguồn điện do mái nhà mới tạo ra, với hiệu suất quang điện cả ngày là 6,88%, còn có thể cung cấp năng lượng cho hoạt động hàng ngày của nhà kính.

06/01/2022
Một số lưu ý canh tác lúa đông xuân 2021 - 2022 ở miền Trung Một số lưu ý canh tác lúa đông xuân 2021 - 2022 ở miền Trung

Khí hậu khắc nghiệt và nền đất nghèo dinh dưỡng là những đặc thù rất riêng của vùng đất miền Trung, bà con cần lưu ý để canh tác lúa đông xuân 2021-2022

06/01/2022
Trồng khoai lang mở hướng thoát nghèo Trồng khoai lang mở hướng thoát nghèo

Cùng với nghề rèn truyền thống, trồng cây khoai lang là hướng đi chủ lực giúp giảm nghèo, đem lại thu nhập cao cho người Nùng ở xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa

06/01/2022