Biến đất bỏ hoang thành "vựa" rau hữu cơ, học sinh được ăn rau sạch
Với mong muốn được mang lại sản phẩm sạch, đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. UBND xã Hưng Long , huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã mạnh dạn khuyến khích nông dân tham gia mô hình sản xuất rau hữu cơ trên địa bàn, phủ xanh diện tích 2,5ha đất trống trên toàn xã.
Người dân đang trộn Gừng tỏi, ớt cay được xay nhuyễn ngâm ủ với rượu để làm thuốc trừ sâu cho rau. Ảnh Vũ Phan
Trong những năm gần đây khi thực phẩm bẩn lên ngôi, đặc biệt là rau xanh “ngậm” hóa chất, bủa vây người tiêu dùng, khắp nơi từ các chợ ở thành phố lớn đến các vùng nông thôn, len lỏi vào các quán ăn vỉa hè tới các nhà hàng sang trọng, các trường mầm non trên toàn địa bàn..., thì tại xã Hưng Long (Hưng Nguyên- Nghệ An) các nhà khoa học, nông dân doanh nghiệp và chính quyền xã đã liên kết xây dựng thành công mô hình sản xuất rau hữu cơ.
Vùng đất mà trước đây bà con nông dân chỉ sản xuất được một vụ lạc xuân/năm, các mùa còn lại trong năm bỏ hoang đất làm bãi thả gia súc, thì bây giờ đã được thay thế bằng một cánh đồng rau hữu cơ quanh năm xanh mướt, tốt tươi. Trên diện tích 2,5 ha hàng ngày cung cấp đủ lượng rau xanh, sạch cho hàng ngàn học sinh trường mầm non và tiểu học thuộc trường đại học Vinh.
Mô hình sản xuất rau hữu cơ tại xã Hưng Long ( Hưng Nguyên, Nghệ An ) là kết quả chuỗi liên kết giữa Khoa nông lâm trường Đại học Vinh, Công ty TNHH Nông sản Hữu cơ Minh Đức, xã Hưng Long và bà con nông dân tại địa phương. Bắt tay vào thực hiện thử nghiệm mô hình thì khoa nông lâm trường đại học Vinh chuyển giao quy trình,giao trách nhiệm xã chọn đất, công ty TNHH Nông sản Hữu cơ Minh Đức chịu trách nhiệm đầu tư vốn, lo đầu ra tiêu thụ sản phẩm, bà con nông dân tham gia công làm. Trên diện tích 2,5 ha đất được đầu tư hệ thống bờ rào bảo vệ, hệ thống điện, máy bơm nước phục vụ sản xuất rau hữu cơ.
Với mong muốn đưa được sản phẩm rau sạch phục vụ ngươi tiêu dùng, mô hình sản xuất rau hữu cơ được cam kết không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu bằng hóa chất. Tất cả các loại rau củ quả ở đây được tưới nước từ giếng khoan, các loại phân bón được sử dụng từ thiên nhiên như phân chuồng ủ hoai, tận dụng các loại củ quả bị hỏng, lá cây và các phụ phẩm nông nghiệp được ngân ủ để làm phân, bên cạnh đó vỏ trấu cũng được đốt thành than để bón cho rau. Các loại sâu đều được bắt thủ công bằng tay, dùng đèn nhử bướm và đặc biệt ở đây người dân dùng thuốc để phun làm từ ớt cay, gừng, tỏi xay nhuyễn ngâm với rượu...
Cánh đồng rau hữu cơ ở xã Hưng Long. Ảnh Vũ Phan
Trao đổi với PV Dân Việt, chị Hương ở xóm 7 Hưng Long một trong những hộ tham gia mô hình liên kết sản xuất rau hữu cơ ở xã Hưng Long cho biết.“Ở đây chúng tôi trồng nhiều loại rau cùng một lúc, mùa nào thức nấy. Vào mùa đông thì xu hào, bắp cải, cà rốt, xúp lơ cà chua, xà lách.., mùa này thì mồng tơi, dền, muống, khoai, đậu bắp, rau ngót, bầu, bí, dưa đỏ, dưa lê, mướp đắng…''
“ Trước đây khi chưa tham gia vào mô hình này thì hễ thấy sâu là tôi lại chạy ra mua thuốc sâu về pha lên rồi phun, phân chuồng ở nhà có nhưng tôi ít sử dụng, chúng tôi vẫn mua phân hóa học về bón cho rau.Vừa nhanh, rau lại đẹp dễ tiêu thụ. Khi làm rau hữu cơ chúng tôi không mua phân hóa học nữa mà mua phân chuồng đưa ra ruộng ủ hoai mới bón. Thuốc trừ sâu thì được làm từ tỏi, gừng, rượu. Tuy trồng rau hữu cơ công sức phải bỏ ra nhiều hơn mà rau thì không đẹp bằng rau bón phân đạm tổng hợp và phun thuốc kích thích nhưng ăn thì thấy ngon hơn nhiều, lại đảm bảo sức khoẻ.”- chị Hương cho biết thêm.
Rau được bón phân chuồng và tro. Ảnh Vũ Phan
Mô hình sản xuất rau hữu cơ tại xã Hưng Long được triển khai từ tháng 5.2016 đến nay. Tuy các loại sản phẩm rau trồng theo mô hình hũu cơ giá có cao hơn với giá ngoài thị trường, thế nhưng toàn bộ sản phẩm rau sản xuất ra được các trường mầm non ký hợp đồng tiêu thụ, để phục vụ bếp ăn bán trú cho các cháu học sinh mầm non và tiểu học tại thành phố Vinh. Mặc dù thị trường rau năm nay giá thấp hơn so với mọi năm nhưng nhưng sản phẩm rau hữu cơ sản xuất tại Hưng Long vẫn luôn đắt hàng.
Ông Hoàng Nghĩa Toàn - Bí thư Đảng ủy xã Hưng Long cho hay: “Việc liên kết với doanh nghiệp để xây dựng mô hình sản xuất rau hữu cơ tại Hưng Long đã góp phần rất nhiều về việc thay đổi phương thức canh tác, nâng cao ý thức sản vì cộng đồng trong sản xuất nông nghiệp cho người nông dân. Với những thành công đã đạt được, trong thời gian tới, xã Hưng Long sẽ tiến tới mở rộng diện tích vùng sản xuất rau hữu cơ, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đồng thời tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động góp phần xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới...”.
Mô hình sản xuất rau hữu cơ ở Hưng Long đã và đang chứng tỏ là một mô hình có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu nông sản an toàn của của cộng đồng,ngoài việc góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe con người mà còn mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân trực tiếp sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Chè là cây cho sản phẩm búp chè, thu hái nhiều lần trong năm với khối lượng chất xanh lớn, bởi vậy cây trồng này cần nhiều chất dinh dưỡng.
Giá dừa khô hiện đã lên mức kỷ lục từ 150.000 đồng/chục (12 trái) đến 170.000 đồng/chục, nhưng nông dân không có nhiều dừa để bán.
Bạch Trinh biển, loài lan có cái "tên kêu" này đang được gần 100 hộ dân ấp Phước Lợi B, xã Phước Hậu, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) trồng và mang lại nguồn thu nhập