Giá / Tin nông nghiệp

Biến chất thải chế biến sắn thành phân hữu cơ

Biến chất thải chế biến sắn thành phân hữu cơ
Tác giả: Trần Trung
Ngày đăng: 11/11/2021

Nguồn chất thải gây ô nhiễm môi trường từ các nhà máy chế biến tinh bột sắn có thể trở thành nguồn phân hữu cơ quý giá nhờ công nghệ xử lý men vi sinh.

Phân bón hữu cơ vi sinh sản xuất từ chất thải chế biến sắn được nông dân ứng dụng rộng rãi ra sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Bình Phước được xem là tỉnh nông nghiệp, vì thế, việc tạo ra nguồn phân bón hữu cơ vi sinh có chất lượng cao để khắc phục sự thiếu hụt phân bón sẽ giúp nông dân đẩy mạnh tăng năng suất và chất lượng nông sản. 

Vì thế, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH-CN) tỉnh Bình Phước đã triển khai Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng KH-CN sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và các chế phẩm sinh học Hudavil từ chất thải rắn và bùn hồ sinh học của các nhà máy chế biến tinh bột sắn (mì)”. Dự án đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần chung tay với địa phương hướng đến nền nông nghiệp sạch, bền vững.

Thạc sỹ nông nghiệp Trịnh Kiều Dung, chủ nhiệm dự án cho biết, thời điểm nghiên cứu vào năm 2018, địa phương có trên 450.000 ha cây trồng, trong đó gần 18.000 ha trồng cây lương thực có hạt, 483 ha cây công nghiệp hàng năm, trên 7.400 ha cây ăn trái; trên 398.000 ha cây công nghiệp lâu năm như cao su, cà phê, hồ tiêu, điều, sắn (mì).

Theo đánh giá điều tra thổ nhưỡng, quá trình thâm canh tăng năng suất, do sử dụng quá nhiều phân hóa học và thuốc BVTV tại địa phương đã khiến đất bị thoái hóa, chai cứng, các vi sinh vật có ích rất khó phát triển.

Để duy trì phát triển bền vững, mỗi ha cây trồng ngoài lượng phân chuồng và phân vô cơ, còn cần khoảng 1 tấn phân hữu cơ vi sinh, nhằm cải tạo bổ sung mùn hữu cơ và các chủng vi sinh vật hữu ích cho đất. Toàn tỉnh chỉ có 3 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh nhưng công suất nhỏ (khoảng 20.000 tấn/năm). Như vậy, lượng phân hữu cơ vi sinh còn thiếu khoảng trên 429.000 tấn/năm.

Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 6 nhà máy chế biến tinh bột sắn đang hoạt động, công suất từ 400 - 1.800 tấn/ngày. Tính bình quân thời gian hoạt động của các nhà máy khoảng 180 ngày/năm thì lượng chất thải rắn thải ra hằng năm khoảng 63.000 tấn và lượng bùn thải từ các hồ sinh học khoảng 60.000 tấn/năm.

“Đây là các nguồn chất thải gây ô nhiễm nghiêm trọng vì chứa các chất hữu cơ, xianua, H2S và vi khuẩn gây hại. Nếu có thể sử dụng nguồn bã thải này làm phân hữu cơ vi sinh thì không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn giúp giảm ô nhiễm môi trường”, Thạc sĩ Dung chia sẻ.

Xuất phát từ tình hình kinh tế - xã hội, các vấn đề tồn tại và điều kiện tại địa phương, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh đề xuất và được Bộ KH-CN phê duyệt triển khai Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng KH-CN sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và các chế phẩm sinh học Hudavil từ chất thải rắn và bùn hồ sinh học của các nhà máy chế biến tinh bột sắn tại tỉnh Bình Phước”.

Theo đó, công nghệ áp dụng trong dự án do Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (thuộc Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam) trực tiếp chuyển giao. Đây là kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án cấp Quốc gia.

Thực hiện dự án, xưởng sản xuất dịch men vi sinh đã được xây dựng với hệ thống thiết bị sản xuất dịch men vi sinh 3 cấp liên hoàn, có chế độ gia nhiệt, ổn nhiệt tự động gắn liền với hệ thống lọc rửa khí, nén khí lưu lượng 140 - 160 lít/phút.

Bộ lọc loại được vi khuẩn trong quá trình cung cấp ôxy cho các bình lên men, tạo ra dịch men vi sinh có độ thuần chủng cao (108 - 109 CFU/ml). Xưởng sản xuất dịch men vi sinh của dự án có khả năng xử lý 100 tấn chất thải của nhà máy tinh bột sắn/ngày, chuyển hóa chất thải thành phân hữu cơ có dưỡng chất cao cung cấp cho Nhà máy Sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh Hudavil Bình Phước.

Cùng với hệ thống thiết bị sản xuất dịch men vi sinh tự động, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên còn cung cấp 8 chủng giống vi sinh vật để đơn vị chủ trì hoàn toàn chủ động trong sản xuất. 8 chủng vi sinh vật này được sản xuất dịch men vi sinh vật trên thiết bị riêng biệt.


Có thể bạn quan tâm

Trồng rau thủy canh dưới tầng hầm Trồng rau thủy canh dưới tầng hầm

Một cựu kỹ sư xây dựng tại Sheffield đã biến không gian hầm không sử dụng thành một trang trại dưới lòng đất để sản xuất các loại thảo mộc tươi và rau quả.

11/11/2021
Trồng cây gai xanh - Người thêm giàu, đất thêm màu Trồng cây gai xanh - Người thêm giàu, đất thêm màu

Cây gai xanh không chỉ giúp nông dân ở Cẩm Thủy tăng đáng kể thu nhập mà còn cải tạo, làm đất đai trở nên màu mỡ sau mỗi vụ thu hoạch.

11/11/2021
Vỏ cà phê, nguyên liệu hữu ích - Đầu vào dồi dào làm phân bón hữu cơ Vỏ cà phê, nguyên liệu hữu ích - Đầu vào dồi dào làm phân bón hữu cơ

Trước đây, sau khi xay xát lấy nhân, vỏ cà phê thường được đem đốt bỏ, nhưng hiện nay phụ phẩm này đã được người dân Tây Nguyên sử dụng triệt để.

11/11/2021