“Bán Lá” Vườn Cây Ăn Trái
Với số cây mua được từ chủ vườn, các thương lái tự quyết định việc điều chỉnh mùa vụ, chăm sóc… chờ mùa thu hái.Thay vì bán trái trong mùa thu hoạch, nhà vườn vùng đất chuyên canh cây ăn trái ven sông Hậu thuộc xã Đông Phú và thị trấn Mái Dầm (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) đang ồ ạt bán cây trong vườn cho những nhà buôn trái cây. Với số cây mua được từ chủ vườn, các thương lái tự quyết định việc điều chỉnh mùa vụ, chăm sóc… chờ mùa thu hái.
Nếu như trước kia chỉ có các chủ vườn xoài mới “bán lá” (theo cách gọi của nhà vườn địa phương) cho thương lái, thì nay hàng loạt vườn trồng cam sành ở huyện Châu Thành (Hậu Giang) đã bị nhà vườn bán cho thương lái. Theo đó, chủ vườn thoả thuận giá cả và giao cả mảnh vườn cho thương lái canh tác theo thời gian giao kèo. Chủ nhà vườn Trần Văn Cứa ở ấp Phú Đông, thị trấn Mái Dầm tính toán: “Giá trái cây biến động liên tục, trong khi phân bón, nông dược đều tăng giá, lợi nhuận thu được từ canh tác vườn cây ăn trái luôn bị bấp bênh. Nếu “bán lá”, chủ vườn cầm chắc tiền trong tay ở mức có thể chấp nhận được”. Theo ông Cứa, những vườn trái cây “bán lá” chỉ sau vài mùa trái, cây bị vắt kiệt sức, tuy nhiên, chủ vườn vẫn chấp nhận vì họ thu được lợi ngay sau khi thoả thuận.
Theo chủ nhà vườn Trần Văn Lâm ở ấp Phú Nhơn, xã Đông Phú có ba công đất trồng cam gần ba năm tuổi, mới đây có đối tác từ Bến Tre đến nhà ông dọ hỏi mua cam lá với giá 500 triệu đồng/ba năm, nhưng ông không bán. “Với năm công cam sành, nếu chăm sóc tốt, cam có giá cao thì tui kiếm vài trăm triệu đồng mỗi năm là chuyện bình thường,” ông Lâm nói. Tuy nhiên, có rất nhiều nhà vườn chọn giải pháp “bán lá” cho chắc ăn, bởi vì hầu như tất cả diện tích cây đặc sản vùng này đều nằm trong các vùng quy hoạch công nghiệp, đô thị… Ông Lê Thanh Hồng, phó chủ tịch UBND xã Đông Phú cho biết, xã có trên 350ha vườn trồng cam sành đạt hiệu quả rất cao do thổ nhưỡng thích hợp.
Qua khảo sát của địa phương, diện tích trồng cam sành đang cho thu hoạch ở ấp Phú Nhơn đều nằm trong quy hoạch 225ha của cụm công nghiệp tập trung Đông Phú. Ở đó, lão nông Trần Văn Bé Ba có ba công đất trồng cam được ba năm tuổi; năm nay, vườn cam bắt đầu cho trái, nhưng theo ông Bé Ba, vườn cam của ông sắp tới cũng phải đốn bỏ để nhường chỗ cho các nhà máy, xí nghiệp… nên ông quyết định phải “bán lá” để được đồng nào hay đồng nấy.
Ông Trần Quang Hành, trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết, có trên 20% diện tích vườn cam sành trong số 3.200ha cam sành đã chọn giải pháp canh tác huỷ diệt này. Theo các nhà vườn ở đây, giá bán cam lá bình quân khoảng 100.000 – 350.000 đồng/cây trong thời hạn ba năm (tuỳ độ tuổi của cây), nhưng các ông chủ mua lá sử dụng chất kích thích ra hoa, tăng tỷ lệ đậu trái… để được năng suất cao. Hậu quả là sau khi hết hợp đồng “bán lá”, các chủ nhà vườn phải đốn bỏ cây trái để trồng lại.
Có thể bạn quan tâm
Một số nông dân ở xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) đang tự mình xây dựng thương hiệu gạo sạch. Là những nông dân nhiều năm gắn bó với nghề trồng lúa, họ mong mỏi sẽ xây dựng được thương hiệu gạo sạch cho sản phẩm của mình.
Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết, theo Đề án phát triển chăn nuôi gia cầm thì đến năm 2015, tổng đàn gà tại Đồng Nai sẽ lên khoảng 11 triệu con, trong đó 90% nuôi tập trung tại các trang trại. Đồng thời, đến năm 2015 sẽ có 450 cơ sở nuôi gà được công nhận là an toàn dịch bệnh.
Bình Phước còn diện tích rừng khá lớn, đặc biệt là rừng trồng, rất phù hợp để cây sa nhân tím phát triển. Đây là loại cây thuộc họ gừng, nằm trong danh mục thực vật quý hiếm. Quả sa nhân tím chứa tinh dầu có tác dụng kháng khuẩn và nấm. Hiện vẫn được sử dụng trong nhiều bài thuốc đông y như: Chữa phụ nữ có thai bị lạnh bụng, đầy hơi, tiểu tiện không thông, các bệnh đường ruột, phong tê thấp, sốt rét, kém tiêu hóa.