Giá / Mô hình kinh tế

Bàn Cách Cứu Cá Tra

Bàn Cách Cứu Cá Tra
Tác giả: 
Ngày đăng: 18/06/2012

Ngày 13/6, đại diện các Bộ NN&PTNT, Tài chính, Ngân hàng phát triển và Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep) họp kín bàn biện pháp cứu ngành sản xuất cá tra. Khả năng sẽ có khoảng 30% DN đang nợ lớn, ngân hàng chấp nhận bán lỗ...

40% DN rời thị trường

Theo Vasep, năm tháng đầu năm 2012, xuất khẩu thủy sản đạt hơn 2,3 tỷ USD, tăng hơn 11% so cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, hiện ngành thủy sản gặp rất nhiều khó khăn về nguyên liệu, vốn, thị trường, tính cạnh tranh, lợi nhuận giảm. Trong quý I năm nay, số DN tham gia xuất khẩu thủy sản giảm 330, chỉ còn hơn 470 DN, giảm hơn 40% so cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu sang EU, thị trường lớn nhất trong số 130 thị trường tiêu thụ thủy sản Việt Nam đã giảm 7,9% so cùng kỳ năm ngoái. Tỷ trọng xuất khẩu thủy sản sang thị trường này cũng giảm gần 5% (còn 19,7%).

Hai mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra đều giảm mạnh. Một số hải sản khác như cá ngừ, mực, bạch tuộc sang thị trường này vẫn khả quan.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Cty CP Hùng Vương, Phó chủ tịch Vasep cho biết, do việc thắt chặt tín dụng, lãi suất bị đẩy lên cao.

Do vậy, các DN buộc phải bán tháo nguyên liệu dưới giá thành, lấy tiền trả nợ ngân hàng, tránh quá hạn. "Con cá tra Việt Nam VN chết vì chính sách tiền tệ. Lãi suất, chi phí 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái đội lên gấp đôi. Chẳng hạn lãi 6 tháng đầu năm ngoái ở biên độ 12 - 13%, nhưng 6 tháng đầu năm nay đã nhảy lên 19 - 20%, cùng với thuế môi trường, xăng dầu, điện, chi phí lao động tăng lên... Như vậy, chi phí tăng, đồng vốn bơm ra không đủ, nên DN nào lệ thuộc vốn vay của ngân hàng thì chắc chết luôn".

Theo Vasep, hiện chỉ có khoảng 30% số nhà máy chế biến thủy sản tôm và cá hoạt động được 70% công suất trở lên, 30% còn lại hoạt động chưa đến 50% công suất, 20% hoạt động chưa đến 30% công suất/ngày, 20% còn lại gần không như không hoạt động.

Phân nhóm DN để cứu

Hiện Vasep đang chia các DN hoạt động trong ngành làm 3 nhóm để tái cấu trúc. Theo đó, nhóm I, là nhóm đang phát triển và làm ra lợi nhuận, chiếm khoảng 20% số DN, là những DN đầu tư đúng hướng vào ngành nghể thủy sản (nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu…), có tỷ lệ vốn vay gấp 2 lần vốn tự có. Riêng cá tra, có 70 DN, thì mới chỉ khoảng 15 DN nằm trong nhóm này.

Nhóm 2 là nhóm "có một đồng, đi vay tới 4 đồng”, hiện gặp khó khăn, chiếm tới 50%.

"Tỷ lệ vốn vay như vậy thì làm không đủ trả lãi suất. Chưa kể, việc anh dùng vốn ngắn hạn, anh đầu tư sang dài hạn. Chúng tôi đang đề nghị ngân hàng tái cấu trúc vốn cho họ, có thể chuyển vốn thành trung hạn. Vốn lưu động ngắn hạn của DN đang thiếu, ngân hàng có thể bơm thêm cho họ hoạt động, từng bước ngân hàng thu hồi lại nợ", ông Minh nói.

Số còn lại khoảng 30%, gần như lệ thuộc hoàn toàn vào vốn vay. Nhóm này, Vasep đề nghị ngân hàng chấp nhận lỗ, bán nhà máy của DN để thu hồi nợ cho nhóm I, vừa giải quyết được duy trì sản xuất được nhóm 3, lao động, mà ngân hàng có khả năng thu hồi nợ.

Trao đổi với Tiền Phong sau cuộc họp, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, kiêm Tổng cục trưởng Thủy sản cho biết, khó khăn của ngành thủy sản đã được nhìn thấy. Bộ NN&PTNT đang làm việc với Vasep, các bộ, ngân hàng, để tìm giải pháp.

Tuy nhiên, việc đưa ra các chính sách cho người nuôi và DN cần phải thận trọng, để không vi phạm các nguyên tắc quốc tế, không làm méo mó chính sách vĩ mô.

Chìa khóa vẫn là tiếp cận vốn. "Mặc dù ngân hàng có giảm lãi suất, nhưng để người nuôi và DN tiếp cận được vốn không phải là dễ. Hiện nay, niềm tin của ngân hàng với DN chế biến, người nuôi, sau vụ DN thủy sản Bình An vỡ nợ, là không đơn giản. Vì vậy, hiện người nuôi anh nào cũng muốn mua đứt bán đoạn, không cho DN chế biến nợ tiền cá nữa" - ông Tám nói.

Theo ông Tám, về lâu dài, ngành thủy sản cần phải tổ chức lại ở các khẩu xuất khẩu, sản xuất nguyên liệu trong nước, khoa học kỹ thuật.

Cần tổ chức lại thị trường xuất khẩu, không để một thị trường nhiều DN chào bán giá một cách tự do như hiện nay; thống nhất về chất lượng, thương hiệu cá tra của Việt Nam.

Mặc khác, phải tổ chức lại sản xuất trong nước, theo chuỗi sản phẩm, có cơ chế chia sẻ rủi ro, lợi nhuận giữa các khâu trong chuỗi.

Ngoài ra, về khoa học kỹ thuật, cần tìm cách thay thế toàn bộ giống hiện nay bằng giống chất lượng.

"Có đến 80% DN thủy sản lệ thuộc 100% vốn vay ngân hàng. Trong đó, có hơn 50% DN sử dụng vốn sai mục đích, lấy vốn ngắn hạn, đầu tư sang dài hạn, không quay vòng vốn được, nên lỗ là cái chắc; 30% DN thủy sản vay vốn đầu tư ra ngoài ngành như địa ốc, tài chính…” - Phó Chủ tịch Vasep Dương Ngọc Minh.

Theo khảo sát của Vasep, có đến 90% số DN muốn tăng hạn mức vay vốn (từ 10 - 1.400 tỷ đồng), nhằm bổ sung vốn lưu động cho chế biến, cho nuôi cá tra và mua nguyên nhiên liệu, vật liệu, thức ăn cho vùng nuôi. Gần 54% DN tôm có nhu cầu vay vốn đầu tư cho phát triển (2 đến 300 tỷ đồng).

Có thể bạn quan tâm

Phòng Sâu Đục Trái Bưởi Bằng Ny-Lông Phòng Sâu Đục Trái Bưởi Bằng Ny-Lông

Trong khi sâu đục trái bưởi hiện chưa có thuốc đặc trị hữu hiệu, thì nhiều nhà vườn ở ĐBSCL đã dùng túi ny-lông bao trái, kết hợp biện pháp phòng trị tổng hợp bước đầu mang lại hiệu quả.

18/06/2012
Người Giúp Đất Nghèo Chuyển Mình Người Giúp Đất Nghèo Chuyển Mình

Ở bản Xốp Thập, xã Hữu Lập (Kỳ Sơn, Nghệ An) nhiều người đều thầm cảm ơn ông Kha Văn Phon, Trưởng bản vì với tư cách Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, ông đã giúp bà con tiếp cận với đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng dễ dàng hơn, từ đó có điều kiện cải thiện cuộc sống. Không những thế, ông còn là một gương điển hình làm kinh tế giỏi, xứng đáng để bà con trong bản học tập.

18/06/2012
Hỗ Trợ Để Giúp Nông Dân Đứng Vững Hỗ Trợ Để Giúp Nông Dân Đứng Vững

TS Đặng Kim Sơn – Viện trưởng Ipsard cho biết, qua kết quả điều tra từ hơn 3.000 hộ nông dân cho thấy, nông nghiệp vẫn là mặt trận hàng đầu và người nông dân là những người phát huy nội lực cao nhất, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

18/06/2012