Giá / Tin thủy sản

Bắc Ninh phát triển hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản

Bắc Ninh phát triển hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản
Tác giả: Huyền Thương - Việt Anh
Ngày đăng: 08/04/2016

Với chính sách chuyển đổi ruộng trũng cấy lúa hiệu quả thấp sang nuôi trồng thủy sản, từ năm 1997 đến nay, toàn tỉnh hình thành được 167 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung có diện tích từ 10ha trở lên. Quá trình này cũng đồng thời làm thay đổi phương thức nuôi cá của nông dân từ nuôi quảng canh, bán thâm canh sang nuôi thâm canh hàng hóa, nhiều vùng nuôi đã có sản lượng thủy sản trên 200 tấn/năm như: Xuân Lai, Bình Dương, Nhân Thắng (Gia Bình), Trung Chính, Phú Hòa, Phú Lương (Lương Tài), Việt Hùng, Hán Quảng, Phù Lãng (Quế Võ)...

Trên cơ sở đó, các hộ nuôi trồng thủy sản mạnh dạn đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, quy hoạch bờ vùng bờ thửa kiên cố, các kênh, cống cấp thoát nước được nạo vét, khơi thông, bảo đảm cho việc sản xuất quy mô lớn. Hầu hết các vùng đã có đường ô tô vào để vận chuyển thức ăn chăn nuôi và sản phẩm sau thu hoạch. Hệ thống điện lưới để phục vụ sản xuất được bảo đảm, qua đó đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất với hệ thống các loại máy quạt nước tạo sóng, máy sục khí, máy bơm…

Không chỉ mở rộng diện tích nuôi thâm canh, các hộ nuôi còn áp dụng khoa học kỹ thuật, tiến bộ nuôi trồng mới, trong đó nổi bật là phát triển nuôi cá lồng trên sông. Nhiều hộ đầu tư từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng xây dựng các lồng sắt kiên cố, cùng với các đường dẫn ra nhà nổi trên sông để tận dụng lợi thế nguồn nước tự nhiên. Đến nay, toàn tỉnh có 843 lồng nuôi cá trên sông Đuống, sông Thái Bình, tập trung vào các đối tượng thủy sản có giá trị như cá lăng, trắm cỏ, ngạnh, diêu hồng.

Để phục vụ cho sự phát triển của các vùng thủy sản, toàn tỉnh hiện có 5 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống với quy mô lớn, được đầu tư trang thiết bị, ao ươm cá giống đạt tiêu chuẩn chất lượng tốt. Bình quân hàng năm, các cơ sở trong tỉnh cung ứng 226 triệu con giống các loại phục vụ nuôi thâm canh như rô phi, chim trắng... với đủ kích cỡ. Các cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản như Tập đoàn Minh Tâm, Dabaco đầu tư dây chuyền hiện đại, công suất lớn đáp ứng nhu cầu nuôi công nghiệp của nông dân.

Nhờ sự đầu tư toàn diện về hạ tầng trong các khâu sản xuất, sản lượng thủy sản hàng năm của tỉnh đạt hơn 35.000 tấn, doanh thu bình quân tăng từ 162 triệu đồng/ha năm 2010, lên 228 triệu đồng/ha năm 2015 (tăng 40%). Thu nhập trung bình đạt 144 - 167 triệu đồng/ha. Trong năm 2015, ngành nông nghiệp tỉnh cũng phối hợp với các địa phương xây dựng một số dự án đầu tư vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở Xuân Lai (Gia Bình), Yên Giả (Quế Võ)...

Các dự án hỗ trợ các vùng nuôi trồng về cơ sở hạ tầng bao gồm: Xây dựng hệ thống bờ vùng bảo vệ, bờ phân lô, hệ thống kênh cấp nước, kênh tiêu nội vùng, hệ thống xử lý nước thải, cải tạo nâng cấp các trục tiêu, trục cấp nước chính và các công trình cầu, cống trên kênh và trên bờ vùng, nạo vét ngòi tiêu ngoại vùng để tiêu thoát lũ cho khu vực dự án. Kết quả của dự án sẽ là cơ sở cho việc mở rộng quy mô chuyển đổi cơ cấu kinh tế hợp lý cho các vùng có điều kiện tự nhiên tương tự.

Bên cạnh những kết quả ấn tượng, hiện nay sản xuất thủy sản của Bắc Ninh vẫn đang đứng trước một số khó khăn để mở rộng diện tích nuôi thâm canh bền vững. Các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung đã hình thành nhưng hệ thống kết cấu hạ tầng vẫn chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là hệ thống cấp thoát nước cho các vùng nuôi chưa được xây dựng hoàn chỉnh, đa phần từ hệ thống kênh tưới phục vụ nông nghiệp có sẵn, trong khi điều kiện môi trường nước từ nguồn này có nguy cơ ô nhiễm cao, dễ dẫn đến dịch bệnh phát sinh trên đàn cá. Một số đường điện phục vụ sản xuất, đường giao thông dẫn vào khu nuôi trồng chưa thực sự thuận tiện. Nông dân thiếu vốn đầu tư cải tạo ao, đầm, xây dựng các công trình nuôi, giống, vật tư trong khi đó đầu tư cho nuôi trồng thủy sản lớn hơn rất nhiều so với sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Phan Đình Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, để nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp khuyến khích các hộ nuôi theo quy hoạch, tránh tình trạng tự phát. Các hộ nuôi cũng cần có sự liên kết chặt chẽ với nhau, hình thành các HTX, tổ hợp tác nhằm dễ dàng tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của tỉnh về con giống, cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giảm tối đa khâu trung gian, ổn định đầu ra. Qua đó, từng bước thay đổi tư duy, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của người dân sang sản xuất hàng hóa tập trung, phát huy thế mạnh của nghề nuôi trồng thủy sản, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.


Có thể bạn quan tâm

Mở rộng mô hình nuôi cá tầm trên hồ thủy điện Sơn La Mở rộng mô hình nuôi cá tầm trên hồ thủy điện Sơn La

Tháng 12-2012, Công ty TNHH một thành viên cá tầm Việt Nam - Sơn La bắt đầu thực hiện dự án nuôi cá tầm trên hồ thủy điện Sơn La, cơ sở nuôi được đặt ngay phía thượng lưu đập thủy điện Sơn La.

08/04/2016
3 tháng đầu năm 2016 diện tích và sản lượng tôm sú tăng nhẹ, tôm thẻ chân trắng giảm 3 tháng đầu năm 2016 diện tích và sản lượng tôm sú tăng nhẹ, tôm thẻ chân trắng giảm

Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 3 năm 2016 ước đạt 197 ngàn tấn, tăng 0,3% so với cùng kì năm trước, đưa tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản 3 tháng đầu năm đạt 548 ngàn tấn, tăng 1,8 % so với cùng kỳ năm trước.

08/04/2016
Cần năng động, sáng tạo hơn trong cơ cấu mùa vụ Cần năng động, sáng tạo hơn trong cơ cấu mùa vụ

Lịch thời vụ được các ngành chức năng đưa ra nhằm giúp bà con nông dân sản xuất hiệu quả, tránh thiệt hại. Tuy nhiên, với thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay thì khi áp dụng lịch thời vụ người dân cần xem xét điều kiện thực tế để chọn thời điểm xuống giống, nuôi trồng hợp lý, hiệu quả.

08/04/2016