Bắc Hà Trồng Thử Nghiệm Thành Công Giống Lê Đài Loan

Cây lê Tai nung Đài Loan là một trong những cây ăn quả được huyện đưa vào trồng khảo nghiệm trong 6 năm qua, đến nay đã cho những kết quả tích cực. Những thành công đó mở ra hướng phát triển cây ăn quả mới trên đất vùng cao Bắc Hà.
Từ tháng 8/2002, giống lê Tai nung Đài Loan được đưa về Trại rau quả Bắc Hà trồng thử nghiệm 13 cây ghép trên gốc cây mắc coọc 2 năm tuổi. Sau 6 năm trồng thử nghiệm kết quả cho thấy cây lê Tai nung phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu Bắc Hà, sinh trưởng phát triển tốt, năng suất cao, ít sâu bệnh, trọng lượng quả trung bình từ 400- 500g, chất lượng quả tốt, thơm ngon, ngọt mát. So với các loại cây ăn quả khác ở Bắc Hà, cây lê Tai nung Đài Loan cho giá trị kinh tế cao hơn hẳn.
Để tìm hiểu kỹ hơn về giống cây ăn quả mới này, chúng tôi đến thăm Trại rau quả Bắc Hà vào những ngày cuối tháng 6, khi những quả lê đang chuẩn bị cho thu hoạch. Anh Đặng Hồng Quân - Trại trưởng Trại rau quả Bắc Hà, cho biết: Cây lê Tai nung Đài Loan là cây ưa khí hậu lạnh, phát triển tốt ở độ cao 750m trở lên nên phù hợp trồng trên đất Bắc Hà. Hơn nữa cây lại được ghép trên cây mắc coọc bản địa nên khả năng thích nghi về điều kiện tự nhiên của vùng rất tốt. Lê Tai nung còn có ưu điểm ra hoa muộn hơn cây đào và mận, vì thế tránh được thời điểm rét đậm trong tết, thời gian thu hoạch vào tháng 7 sau khi thu hoạch đào và mận Bắc Hà, và chín trước lê địa phương 15 ngày.
Hiện nay Trại rau quả Bắc Hà có trên 800 cây mẹ đang được đội ngũ cán bộ, công nhân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và theo dõi sát sao quá trình sinh trưởng phát triển của cây, tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu cơ bản về kỹ thuật canh tác. Đồng thời Trại tiếp tục chăm sóc 3 vạn gốc ghép để đến thời vụ nhân giống. Có thể nói mô hình cây lê Tai nung đang dần khẳng định được tính ưu việt.
Tuy vậy, đây mới chỉ là mô hình trồng thử nghiệm. Để cây trồng mới này trở thành một trong những cây thế mạnh và phát triển thành vùng chuyên canh hàng hoá còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như công tác đầu tư chăm sóc theo quy trình kỹ thuật của người dân, việc quy hoạch và sử dụng quỹ đất trồng hợp lý, vấn đề theo dõi tình hình sâu bệnh, diễn biến bất thường của thời tiết… tất cả đang được tỉnh và huyện đặc biệt quan tâm. Trước mắt chọn hộ sản xuất giỏi trồng mỗi hộ từ 1 – 2 ha thành những vùng tập trung, đặc biệt chú ý công tác chăm sóc, bảo quản ngay từ những ngày đầu… Có như vậy, mô hình cây ăn quả này mới trở nên thiết thực, tiến tới xoá đói làm giàu cho người dân vùng cao Bắc Hà.
Có thể bạn quan tâm

Tổ hợp tác rau sạch thôn 4 xã Tâm Thắng đã phát triển được gần 20 ha rau sạch với sự tham gia tích cực của 10 thành viên. Trong thời gian qua, cùng với việc áp dụng các tiến bộ KHKT, các thành viên trong tổ hợp tác đã chú trọng công tác áp dụng các loại giống cây mới phù hợp với nhu cầu của thị trường. Theo đó, tính đến nay tổ hợp tác đã trồng các loại rau như: dưa leo, mướp đắng, đậu cô ve, rau cải bắp…

Nói đến mô hình chuyển đổi đất trồng mía sang trồng cây chanh ở huyện Bến Lức (Long An), phải kể đến anh Phạm Văn Nhuận ở ấp 3, xã Thạnh Hòa là người đi đầu trồng chanh ở huyện với 3,5 ha, thu hơn 1,5 tỷ đồng.

Nông dân Cà Mau đang đối mặt với vụ nuôi tôm công nghiệp (NTCN) không thành công bởi dịch bệnh đốm trắng và gan tụy cấp tiếp tục hoành hành. Chính vì thế, việc tìm giải pháp căn cơ để gỡ khó cho ngành kinh tế mũi nhọn này là việc làm cấp bách.