Giá / Tin thủy sản

Bà Rịa - Vũng Tàu: Một số giải pháp kỹ thuật nhằm giảm thiệt hại cá lồng bè

Bà Rịa - Vũng Tàu: Một số giải pháp kỹ thuật nhằm giảm thiệt hại cá lồng bè
Tác giả: Hữu Thi
Ngày đăng: 15/08/2017

Từ ngày 4 - 10/8, cá nuôi lồng bè trên sông Chà Và, địa bàn xã Long Sơn, TP Vũng Tàu chết nhiều và hiện vẫn đang trong tình trạng bỏ ăn, da bị lở nhiều, đầu nổi bông… tiềm ẩn nhiều nguy cơ sẽ tiếp tục gây tổn thất lớn cho bà con. Nhằm giảm đến mức tối đa các thiệt hại tổn thất đến mức thấp nhất có thể, Sở NN&PTNT đề xuất một số giải pháp kỹ thuật cụ thể như sau:

Cá lông chết gây thiệt hại nặng nề cho hộ nuôi 

I. Một số giải pháp cấp bách phòng bệnh

1. Tăng cường các biện pháp cấp bách như sử dụng các phương tiện, dụng cụ để cung cấp ôxy tức thời cho cá, đặc biệt là khi nước đứng, khi cá dạt lưới và vào ban đêm lúc gần sáng.

2. Đề nghị người dân cần nhanh chóng san thưa cá nuôi trong các lồng, thường xuyên thay lưới để bảo đảm lưu thông nước trong và ngoài lồng nuôi, tăng lưu tốc dòng chảy. Chú ý, giai đoạn hiện nay hạn chế giặt lưới, chờ qua đợt cá chết mới tiến hành nhằm tránh gây thêm ô nhiễm nguồn nước.

3. Tăng cường phối trộn các loại khoáng chất, vitamin vào thức ăn với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, nhằm tăng cường sức đề kháng cho cá nuôi vượt qua đợt môi trường bất lợi như hiện nay.

4. Đề nghị bà con cho ăn với số lượng vừa phải, theo dõi thức ăn hết mới tiếp tục cho tiếp; kiểm tra hoạt động của cá trong lồng, quan sát để điều chỉnh lượng thức ăn vừa đủ, tránh dư thừa. Sau khi cho ăn, kiểm tra nếu thức ăn còn dư cần phải loại bỏ không để thức ăn thừa tồn đọng trong lồng.

5. Phòng trị các loại bệnh ký sinh trùng ngoại ký sinh nhằm hạn chế quá trình xâm nhập và phát triển của tác nhân gây bệnh như Vibrio sp khi cá bị xây xát do ký sinh trùng gây nên.

6. Nhanh chóng vớt và cách ly cá bệnh ra các lồng lưới riêng để dễ chăm sóc cho cá.

7. Bà con cần nhanh chóng tiến hành thu hoạch đối với các lứa cá lớn, kể cả với số gần đạt kích cỡ thương phẩm nhằm giảm thiệt hại; qua đó, còn có thêm diện tích lồng để san thưa số cá yếu bỏ ăn.

8. Chọn con giống thả nuôi có chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng và được kiểm dịch đầy đủ, thả đúng mùa vụ.

9. Đối với số cá chết, bà con cần thu gom, đưa vào bờ chôn lấp và xử lý theo quy định, không vứt xác cá chết trên sông, gây ảnh hưởng đến các hộ nuôi thủy sản lân cận và môi trường.

II. Một số phương pháp trị bệnh

Kết quả phân tích cho thấy, hầu hết các mẫu cá đem phân tích đều có sự hiện diện của vi khuẩn Vibrio sp, trong môi trường nước nuôi kém chất lượng (nước có dấu hiệu ô nhiễm) tác nhân này gây bệnh lở loét làm cá tuột nhớt, tuột da, mắt mù, lồi; trên cơ thể cá xuất hiện các đốm đỏ, tại các đốm đỏ này xuất hiện các vết loét dần dần và lan rộng xung quanh, cá có biểu hiện bơi gần mặt nước, sát lưới lồng nuôi; nếu không có biện pháp phòng trị kịp thời khi gặp sự cố bất lợi như ô nhiễm nguồn nước cá sẽ chết.

Sau đây là một số cách phòng và trị có thể áp dụng để cứu đàn cá còn lại:

Cách 1

Bước 1: Tắm cá bị bệnh bằng các loại hóa chất sát trùng như: Thuốc tím (KMnO4) trong 30 phút, liều sử dụng 7 - 10 g/m3 nước; Iốt (Iodine) trong 30 phút, liều sử dụng 10 - 15 g/m3; cải thiện môi trường nước nuôi (nếu có thể được).

Bước 2: Trộn thuốc kháng sinh Sulfamethoxazole/ Trimethoprime với liều 50 - 70 mg/kg cá/ngày vào thức ăn, cho cá ăn liên tục 5 - 7 ngày (Có thể sử dụng các loại khác có tác dụng với vi khuẩn gram âm được phép lưu thông trên thị trường để trị bệnh cho cá).

Bước 3: Cho cá ăn thêm thức ăn có bổ sung vitamin tổng hợp, đặc biệt là Vitamin C với liều 50 mg/kg cá/ngày và men tiêu hóa (Lactobacillus sp., Bacillus subtilis) với liều 100 - 200 mg/kg cá/ngày, cho cá ăn liên tục 7 ngày.

Cách 2:

Đối với số cá bị bệnh lở loét như hiện nay, bà con cần nhanh chóng sử dụng các loại kháng sinh… để tắm, trộn vào thức ăn nhằm giúp cá khỏi bệnh.

 Các biện pháp cụ thể bao gồm:

+ Đối với cá có biểu hiện bệnh, bà con cần tắm cá trong nước ngọt, không kéo dài quá 15 phút.

* Tắm cá nhanh bằng dung dịch formalin và iodine (200 cc formol + 5cc iodine/m3),

* Tắm cá bằng Oxytetracycline 20 - 30 ppm (20 - 30 g/m3), tắm trong nước ngọt, sục khí, 15 - 20 phút.

* Tắm formol + thuốc tím (20cc formol + 5 - 10 g thuốc tím/m3) thời gian 15 - 20 phút, sục khí.

Bên cạnh các giải pháp trên, bà con nên chuyển dần sang sử dụng thức ăn viên công nghiệp, dầu mực, để kích thích cá bắt mồi trở lại, mặt khác để tránh sự lây nhiễm mầm bệnh từ cá mồi vào cá nuôi.

Trên đây là một số giải pháp để phòng và trị bệnh trên một số loài cá biển đang gặp sự cố nuôi tại xã Long Sơn, Sở NN&PTNT đề nghị bà con cần nhanh chóng tiến hành các biện pháp cấp bách, khắc phục hậu quả và dần ổn định sản xuất.


Có thể bạn quan tâm

Hệ thống phân loại và thống kê cá ngừ theo trọng lượng Hệ thống phân loại và thống kê cá ngừ theo trọng lượng

Trên cơ sở dự án sản xuất thử nghiệm cấp tỉnh “Thiết kế, chế tạo hệ thống phân loại và thống kê cá ngừ theo trọng lượng cho nhà máy chế biến thủy sản”

15/08/2017
Thất thu cá ngừ đại dương, 80-90% số tàu hành nghề thua lỗ Thất thu cá ngừ đại dương, 80-90% số tàu hành nghề thua lỗ

Thời gian gần đây, các tàu đánh bắt cá ngừ Đại Dương ở Khánh Hòa đều trở về với sản lượng vô cùng thấp.

15/08/2017
Bột hạt nut: Nguồn dinh dưỡng thủy sản bền vững Bột hạt nut: Nguồn dinh dưỡng thủy sản bền vững

Ngành thức ăn thủy sản đã trải qua nhiều thay đổi đáng kể gần đây nhờ những giải pháp thay thế bột cá, dầu cá từ thực vật. Hãng Adaltibe Bio - Resources (ABR)

15/08/2017