Ba Giống Ngô Việt Nam Cho Vụ Đông
1. Giống ngô lai LVN9
Năm 2011 do tác động của điều kiện thời tiết nên kéo dài thời gian sinh trưởng của lúa xuân từ 10-25 ngày, ảnh hưởng lớn tới lịch gieo cấy lúa hè thu, lúa mùa cũng như thời vụ vụ đông. Tại hội nghị tổng kết sản xuất vụ đông năm 2010 và triển khai kế hoạch vụ đông năm 2011 của các tỉnh, thành phố phía Bắc diễn ra tại Vĩnh Phúc (22/6) thì cây ngô được đánh giá là cây trồng chủ lực cho vụ đông, tuy nhiên cần phải làm bầu để tận dụng thời vụ, kết thúc trước ngày 5/10. Do vậy phải sử dụng các giống ngô lai có thời gian sinh trưởng ngắn phù hợp với yêu cầu thời vụ và cho năng suất cao.
Giống ngô lai đơn LVN9 do Viện Nghiên cứu Ngô chọn tạo, đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống cây trồng nông nghiệp mới theo quyết định số 2182 QĐ/BNN-KHCN ngày 29 tháng 7 năm 2004.
Năm 2005 Viện Nghiên cứu Ngô giao cho Công ty TNHH Nhà nước MTV Tư vấn và Đầu tư phát triển Ngô độc quyền sản xuất và kinh doanh giống ngô lai LVN9 trên địa bàn cả nước.
LVN9 là giống ngô lai đơn sử dụng dòng bất dục tế bào chất được tạo ra từ tổ hợp lai DF18C x DF5.
Ưu điểm nổi bật của LVN9 là ngắn ngày và năng suất cao, thích hợp với nhiều vùng sinh thái và nhiều vụ khác nhau, đặc biệt là vụ 2 ở Tây Nguyên và Tây Bắc, vụ đông ở miền Bắc (có thể làm bầu đến 5/10). Thời gian sinh trưởng trong vụ đông ở miền Bắc chỉ 95-100 ngày. Chiều cao cây 170-185 cm, chiều cao đóng bắp 70-75 cm, chiều dài bắp 17-18 cm, đường kính bắp 4,5-5,5 cm, 14-16 hàng, số hạt/hàng 32-35, tỷ lệ hạt/bắp 80-82%, khối lượng 1.000 hạt là 350-370 gam, màu hạt vàng nhạt, dạng hạt bán răng ngựa, năng suất 70-90 tạ/ha. Chống chịu sâu bệnh khá, chịu hạn tốt, chống đổ tốt.
LVN9 là giống ngô lai mang nhiều đặc điểm nông sinh học quý như thời gian sinh trưởng ngắn, tỉ lệ cây hai bắp cao, chịu hạn tốt, năng suất cao và ổn định ở nhiều vùng sinh thái, có thể trồng được trong vụ đông muộn (5/10) vẫn kết hạt tốt và cho năng suất cao.
Giống ngô này hiện nay đã được trồng phổ biến tại các tỉnh miền Bắc, chủ yếu là vụ Đông như ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam…
2. Giống ngô lai đơn LVN4
LVN4 là giống ngô lai do Viện Nghiên cứu Ngô lai tạo, đang được ưu chuộng do khả năng thích ứng rộng, thời gian sinh trưởng ngắn, ít nhiễm sâu bệnh, lá xanh bền, độ đồng đều cao, bắp kín hạt, lá bi bao kín, màu hạt đẹp, tỷ lệ hạt cao nhất trong các giống có cùng thời gian sinh trưởng.
Giống được Bộ NN-PTNT công nhận giống Quốc gia năm 1999 với đánh giá xuất sắc, đã được nhiều giải thưởng trong thời gian qua.
Đặc điểm của giống:
- Thời gian sinh trưởng: Giống trung bình sớm.
+ Vụ xuân: 118 - 120 ngày.
+ Vụ thu đông: 90 - 110 ngày.
+ Vụ hè thu: 85 - 90 ngày.
- Cao cây: 170 - 180cm.
- Cao đóng bắp: 80 - 90cm.
- Dạng, màu hạt: Bán răng ngựa, màu da cam.
- Dài bắp: 18 - 22cm.
- Đường kính bắp: 4,5 - 5,5 cm.
- Số hàng hạt: 14 - 16 hàng.
- Số hạt/hàng: 42 - 48 hạt.
- Tỷ lệ hạt/bắp: 84 - 85%.
- Khối lượng 1.000 hạt: 350 - 380 g.
- Tiềm năng năng suất: 8 - 10 tấn/ha.
3. Giống ngô nếp VN2
VN2 là giống ngô nếp ngắn ngày, do Viện Nghiên cứu Ngô lai tạo và đã được công nhận giống quốc gia năm 1997.
VN2 có thời gian sinh trưởng cực ngắn, trong vụ hè miền Bắc chỉ có hơn 70 ngày, vụ đông 85-90 ngày và vụ xuân khoảng 95-100 ngày từ mọc đến chín, nếu thu bắp tươi thì chỉ có từ 60 - 70 ngày.
VN 2 có màu trắng đục, dẻo thơm, rất phù hợp với mục đích ăn tươi, luộc hoặc nướng. Hàm lượng prôtêin trong nội nhũ rất cao - 10,56% chất khô, đặc biệt là hàm lượng lysine đến 4,86% tổng số prôtêin, cao hơn hẳn các giống nếp và tẻ thông thường.
Năng suất bắp tươi đạt 8-10 tấn/ha, hạt khô đạt 4-5 tấn/ha.
VN2 trong cơ cấu luân canh với cây trồng khác:
- Lúa xuân - Lúa mùa chính vụ - Ngô nếp VN2: ở các vùng Hà Nam, Nam Định, Thái Bình(do cấy lúa mùa chính vụ), Khu 4 cũ (do mùa mưa kết thúc muộn nên nếu trồng ngô tẻ lấy hạt thường năng suất thấp hoặc không chín kịp khi cấy lúa xuân).
- Lúa xuân - Ngô nếp VN2 - Ngô lai dài ngày lấy hạt: Với vùng trồng lúa mùa bấp bênh do không chủ động nước tưới.
- Ngô nếp VN2 (xuân) - Lúa mùa: Với vùng núi lâu nay bỏ hoá vụ xuân và chỉ cấy lúa mùa.
- Ngô nếp VN2 - Mạ mùa - Lúa mùa - Ngô (rau, đậu) đông.
- Lúa xuân - Lúa mùa - Ngô nếp VN2 - Mạ xuân.
Để biết kỹ thông tin về thời vụ, kỹ thuật gieo trồng, cũng như mua giống, mời liên hệ: Công ty Tư vấn và đầu tư phát triển Ngô. Địa chỉ: Thị trấn Phùng, Đan Phượng, Hà Nội
Có thể bạn quan tâm
Từ khi hiện diện tại khu vực Tây Nguyên cho đến nay, chưa bao giờ giá hồ tiêu lại cao như niên vụ thu hoạch 2012. Nhiều nông hộ ở các vùng trọng điểm hồ tiêu tại các tỉnh Gia Lai, Đắc Nông, Đắc Lắc đã vụt trở thành tỷ phú chỉ sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, đi liền với việc đổi đời mau chóng này là tình trạng phá rừng, phá vườn cà phê để mở rộng diện tích hồ tiêu.
Tới thăm anh Mã Văn Bật ở xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa), chúng tôi ấn tượng trước cơ ngơi khang trang của gia đình anh- thành quả của những tháng ngày miệt mài lao động sản xuất của vợ chồng anh.
Từ ngày 4 đến ngày 10.2, Hội ND huyện Tuy Phước phối hợp với Trạm BVTV huyện tổ chức tập huấn phòng trừ bệnh đạo ôn trên lúa vụ đông xuân 2011-2012 cho cho 450 hội viên ND các xã có diện tích lúa bị bệnh đạo ôn và cách phòng trừ diệt chuột bằng phương pháp truyền thống, thuốc sinh học và phát tờ rơi hướng dẫn cách phòng trừ.