ASC Làm Thay Đổi Ngành Cá Tra Việt Nam
Nicki Holmyard - Biên tập viên của SeafoodSource (website về thủy sản) đã có bài viết về cá tra Việt Nam sau chuyến thăm và khảo sát tình hình thực tế Việt Nam do Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC) tổ chức để xem xét ngành cá tra đã thay đổi như thế nào thông qua việc tham gia chương trình ASC.
Năm 2012, xuất khẩu cá tra đạt giá trị 1,75 tỷ USD, trong đó EU chiếm 24,4% thị phần, với giá trị đạt 425,8 triệu USD; Mỹ 20,6% với 358,9 triệu USD. Tại châu Âu, Tây Ban Nha là thị trường lớn nhất, chiếm khoảng 5% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam với 86,7 triệu USD, tiếp theo là Hà Lan chiếm 3,9% với 68,4 triệu USD, Đức chiếm 3,3%, với 57,4 triệu USD và Anh là 2,1% với 36,2 triệu USD.
Ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Việt Nam - giải thích rằng, giá trị xuất khẩu của cá tra Việt Nam năm 2012 giảm so với năm 2011, nhưng hy vọng tình hình sẽ được cải thiện trong năm 2013 và một hiệp hội thương mại mới đã được thành lập để góp phần thúc đẩy điều này.
Phó Tổng cục trưởng Phạm Anh Tuấn thừa nhận, ngành cá tra Việt Nam đã gặp một số trở ngại về môi trường trong quá trình tăng trưởng nhanh từ năm 2000 - 2008, nhưng hiện nay đã và đang có rất nhiều chương trình được thực hiện để bảo đảm sản xuất cá tra đáp ứng cao hơn các tiêu chuẩn theo yêu cầu của thị trường.
“Chúng tôi đã đầu tư nhiều vốn và nguồn lực nghiên cứu để cải thiện chất lượng cá giống, chất lượng thức ăn và tiêu chuẩn sản xuất, với sự nhấn mạnh về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, sức khỏe vật nuôi, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Một phần của chiến lược này là khuyến khích nông dân tham gia chứng nhận ASC. Mục tiêu đặt ra ban đầu là vào năm 2013 sẽ có 10% sản lượng cá tra có chứng nhận ASC, nhưng kết quả thực hiện đã vượt hơn mong đợi 5%. Hiện nay, trang trại nuôi cá thứ 13 đang được thẩm định để cấp chứng nhận và còn 5 trang trại khác đang chờ được đánh giá” - ông Phạm Anh Tuấn cho biết thêm.
Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu đầy tham vọng, đó là đến năm 2015, tất cả các trang trại cá tra sẽ được cấp chứng nhận.
Nhiều công ty lớn đã hợp nhất toàn bộ hoạt động để kiểm soát tất cả các giai đoạn của quá trình sản xuất. Gần đây, Công ty CP Vĩnh Hoàn đã mở rộng phạm vi hoạt động, tham gia vào ngành sản xuất lúa gạo, đồng thời sử dụng cám gạo để chế biến thức ăn chăn nuôi, còn vỏ trấu làm nhiên liệu sinh học ở nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của công ty. Khu sản xuất cá tra giống 47 ha và 300 ha ao nuôi của Công ty Vĩnh Hoàn được thiết kế và hoạt động khá tốt, với hệ thống xử lý nước thải bằng ao lắng và lọc sinh học để lọc nitơ và phốt pho trước khi xả nước trở lại sông Mê Kông. Cá thường đạt đến kích cỡ 1 kg thì được thu hoạch và vận chuyển đến các đơn vị chế biến trên những chiếc thuyền thông thủy để giữ cá còn sống.
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn - cho biết: “Chúng tôi đã có chứng nhận GlobalGAP, AquaGAP, BAP và việc đạt thêm chứng nhận ASC cho thấy, chúng tôi cam kết thực hiện nuôi cá tra có trách nhiệm với môi trường, kiểm soát các nguồn bột cá, dầu cá và trách nhiệm xã hội. Đây cũng là sự tái đảm bảo với khách hàng và là lợi thế trong tiếp cận thị trường của chúng tôi”.
Công ty CP Vĩnh Hoàn là doanh nghiệp đầu tiên đạt chứng nhận ASC ở Việt Nam. Vĩnh Hoàn là nhà cung cấp chính các sản phẩm fillet cá tra đông lạnh và giá trị gia tăng cho nhà bán buôn Queens (Hà Lan), phân phối cho tất cả hệ thống bán lẻ lớn tại Hà Lan.
Harry Hoogendoorn - Giám đốc điều hành của Queens - khẳng định: “Chúng tôi rất hài lòng với quy trình sản xuất chế biến của Công ty Vĩnh Hoàn và biểu tượng của ASC trên sản phẩm đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Hà Lan”.
Nhà máy chế biến của Vĩnh Hoàn rộng lớn và có công suất cao, đòi hỏi nguồn lao động dồi dao với khoảng 2.000 công nhân địa phương làm các công việc như giết mổ, cắt, philê, lột da, rửa, kiểm tra, cấp đông rời hoặc đông block, đóng gói và phân phối đi khắp thế giới.
Tương tự, Công ty CP Hùng Vương cũng quản lý các vùng nuôi cá tra và chế biến xấp xỉ 120.000 tấn cá hàng năm với các tiêu chuẩn GlobalGAP và ASC. Sản lượng này được chế biến trong 12 nhà máy được xây dựng gần các vùng nuôi để xuất khẩu toàn cầu.
Ông Nguyễn Đăng Khoa - Phó Giám đốc kinh doanh Công ty CP Hùng Vương - cho biết, giá trị xuất khẩu hiện nay của Công ty là khoảng 200 triệu USD, nhưng Công ty đã xác định mục tiêu tăng đến 300 triệu USD vào năm 2015.
“Đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn ASC giúp chúng tôi rất nhiều trong các giao dịch với khách hàng và hiện chúng tôi đang cố gắng tăng thêm số trại nuôi đạt tiêu chuẩn ASC. Điều này cũng giúp chúng tôi cải thiện năng suất, giảm tỷ lệ cá chết và làm cho hoạt động kinh doanh trở nên hiệu quả hơn” - ông Khoa nhấn mạnh.
Thông tin trên website asc-aqua.org cho thấy, đến nay đã có 16 vùng nuôi cá tra của 15 doanh nghiệp Việt Nam đạt chứng nhận ASC. Riêng Công ty CP Vĩnh Hoàn có hai vùng nuôi đạt ASC là vùng nuôi Tân Hoa và Tân Thuận Đông.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 5-10, UBND TP Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận) đã tổ chức lực lượng cưỡng chế, tháo dỡ hàng loạt bè nuôi tôm trái phép tại khu vực gần bãi tắm Bình Sơn - Ninh Chữ.
Mận (roi) là giống cây ăn trái được trồng nhiều nơi trên thế giới. Ở nước ta, mận được trồng phổ biến ở miền Tây và Đông Nam Bộ, thích hợp ở nhiệt độ từ 28 - 30oC.
Nhiều năm qua, nông dân trồng lúa ở Cà Mau sử dụng phân bón không theo một công thức nào mà chỉ bón theo cảm tính nên chi phí dành cho các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chiếm khá lớn. Việc áp dụng công thức phân bón cho cây lúa tại ấp 6, xã Khánh Hòa đã mang lại triển vọng giảm chi phí sản xuất của một vụ lúa…