10 thị trường xuất khẩu lớn nhất
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 7,85 tỷ USD, giảm 2,3% so cùng kỳ năm 2018. Năm 2019, xuất khẩu thủy sản được dự báo sẽ giảm 1,2% so năm ngoái khi đang phải đối mặt nhiều rào cản bất lợi trên các thị trường chủ lực, nhất là Mỹ. Song Mỹ vẫn là thị trường quan trọng nhất khi chiếm 17,2% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt.
Chế biến thủy sản là ngành sản xuất công nghiệp hiện đại - Ảnh: IE
1. Mỹ
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, mặc dù giá trị xuất khẩu giảm so cùng kỳ năm 2018. Theo thống kê của VASEP, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ 11 tháng đầu năm 2019 đạt 1,354 tỷ USD, giảm 8,5% so cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân được cho là do sản lượng tồn kho cao, trong khi nguồn cung dồi dào dẫn đến giá bán giảm. Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ năm 2020 kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại khi Mỹ đã chính thức công nhận hệ thống kiểm tra, kiểm soát sản phẩm cá và cá Siluriformes xuất khẩu của 3 nước: Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan đủ điều kiện tương đương.
2. Nhật Bản
11 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Nhật Bản đạt 1,352 tỷ USD, tăng 7,2% so cùng kỳ năm ngoái, đưa Nhật trở thành thị trường lớn thứ 2 của thủy sản Việt Nam. Đây là kết quả đáng chú ý khi trước đây người tiêu thụ Nhật Bản gần như không “sẵn lòng” với sản phẩm thủy sản nuôi mà chỉ yêu thích nhập các sản phẩm hải sản. Bằng những con số thống kê về mức tăng trưởng lạc quan xuất khẩu thủy sản, có thể tin Nhật Bản sẽ là thị trường tiềm năng để các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam chinh phục trong thời gian tới. Ngoài ra, Nhật Bản và Việt Nam đã tham gia CPTPP, đây là điều kiện thuận lợi và cơ hội giúp gia tăng xuất khẩu.
3. Trung Quốc và Hồng Kông
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc những tháng đầu năm sụt giảm vì nhiều doanh nghiệp không xuất được hàng do phía Trung Quốc siết chặt thương mại tiểu ngạch và kiểm tra ATTP. Tuy nhiên, sau khi nắm bắt được thị trường và những quy định mới, các doanh nghiệp đã có sự điều chỉnh, thích ứng, nên từ tháng 6 trở đi, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc hồi phục nhanh.
Tính đến cuối tháng 11/2019, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng 15,2%, đạt 1,27 tỷ USD. Với dân số chiếm 1/5 thế giới, lại đa dạng về nhu cầu nên thời gian tới Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường tỷ đô của thủy sản Việt Nam.
4. EU
Đối với thị trường EU, việc bị “thẻ vàng” về khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) đã tiếp tục gây ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu thủy sản, nhất là hải sản sang thị trường này, nên tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang EU trong 11 tháng đầu năm 2019 đã bị sụt giảm 11,6%, chỉ đạt 1,195 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm giảm 18,4%; cá tra giảm 0,1%; cá ngừ giảm 11,6%; mực, bạch tuộc giảm 18,7%. Từ thị trường nhập khẩu hải sản lớn thứ 2 của Việt Nam, EU đã tụt xuống thứ 4 sau Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc - Hồng Kông. Kết quả này đã phản ánh rõ nét hệ lụy của “thẻ vàng” IUU.
5. Hàn Quốc
Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 5 của Việt Nam. Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Hàn Quốc 11 tháng đầu năm 2019 đạt 713,4 triệu USD, giảm 9,1% so cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu thủy, hải sản truyền thống ngày càng khó tính, thị trường Hàn Quốc dường như cởi mở hơn với các nhà xuất khẩu Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao ý thức chủ động tiếp cận thông tin về Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) để lựa chọn các ưu đãi phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp; đồng thời thay đổi công nghệ, định hướng phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường nhập khẩu.
6. ASEAN
Với đà tăng trưởng liên tục trong 10 năm trở lại đây, ASEAN đang ngày càng trở thành thị trường quan trọng của thủy sản Việt Nam và hoàn toàn có thể đạt 1 tỷ USD trong thời gian tới. Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang ASEAN trong 11 tháng đầu năm 2019 đạt 632,4 triệu USD tăng 2,7% so cùng kỳ năm ngoái, đưa ASEAN trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 6 của Việt Nam. Dự kiến trong giai đoạn khó khăn sắp tới, nhiều doanh nghiệp sẽ nhanh chóng chuyển hướng sang các thị trường thay thế, trong đó có ASEAN.
7. Canada
Trong 11 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Canada đạt 208,7 triệu USD, giảm 4% so cùng kỳ năm ngoái. Canada là thị trường có khả năng chi trả cho các sản phẩm có giá trị cao và là cầu nối quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường sang các quốc gia châu Mỹ khác. Do đó, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thị trường, chú trọng các yếu tố về giá cả, mẫu mã, chất lượng để nâng tính cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường này.
8. Australia
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Australia 11 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 190,7 triệu USD, tăng 7,8% so cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam hiện là một trong 3 nhà cung cấp thủy sản lớn nhất cho thị trường Australia nên chắc chắn sẽ tăng được thị phần nếu có cách tiếp cận và bước đi phù hợp. Giải pháp ưu việt nhất là đưa hàng chất lượng cao, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và ATTP.
9. Mexico
Mexico hiện là thị trường lớn thứ 9 của thủy sản Việt Nam. Trong 11 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này tăng đột biến, tăng 112,5% so cùng kỳ năm 2018, đạt 102,4 triệu USD. Với cá tra, đây cũng là thị trường lớn thứ 5 của cá tra Việt Nam khi chiếm 4,7% thị phần. Theo VASEP, cho tới nay Mexico vẫn là thị trường xuất khẩu lớn và tiềm năng của cá tra Việt Nam. Mặc dù so với các thị trường lớn khác thì giá nhập khẩu trung bình tại Mexico chưa cao nhưng thực sự đây vẫn là thị trường đáng lưu tâm trong thời gian tới.
10. Nga
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Nga tăng từ 28 triệu USD năm 2008 lên 47,4 triệu USD năm 2018 và 94,4 triệu USD trong 11 tháng đầu năm 2019, đưa Nga trở thành thị trường lớn thứ 10 của thủy sản Việt Nam. Với con tôm, mặc dù các doanh nghiệp đã quan tâm đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này song vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Với cá tra, Việt Nam là nguồn cung cá thịt trắng lớn thứ 2 tại Nga, sau Trung Quốc. Tuy nhiên, đây là thị trường khó dự đoán do tính dao động thất thường về hoạt động nhập khẩu. Các chuyên gia cho biết, thị trường Nga đang có nhu cầu lớn về mặt hàng cá fillet, thủy sản khô và tôm thẻ chân trắng, do vậy, các doanh nghiệp cần chú trọng đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.
Có thể bạn quan tâm
Nuôi biển được xác định là một trong ba trụ cột chính trong định hướng phát triển của ngành thủy sản.
Đến bây giờ thì doanh thu của công ty đạt khoảng 4 tỷ/năm. Đang phấn đấu lên con số 6 tỷ
Cá thát lát cườm dễ nuôi, tỷ lệ hao hụt thấp. Nếu cho ăn đầy đủ, thay nước thường xuyên và phòng ngừa dịch bệnh kịp thời, cá lớn rất mau.