Xuất khẩu vào Australia tăng trưởng mạnh

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý 1-2015, kim ngạch XK các mặt hàng sang thị trường Australia đạt 742,8 triệu USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2014. Sau hai tháng liên tục sụt giảm kim ngạch XK (hai tháng đầu năm giảm 10,7% so với cùng kỳ 2013), kim ngạch XK của Việt Nam sang Australia bắt đầu đà tăng trở lại.
Trong tháng 3, XK vào thị trường này đã tăng 25% so với tháng 2 và tăng 1,2% so với cùng kỳ 2014. Kim ngạch XK quý 1-2015 tăng chủ yếu do các mặt hàng máy tính, sản phẩm điện, điện tử tăng 224,6% điện thoại các loại và linh kiện tăng 99,8%, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 93,4%, kim loại thường khác và các sản phẩm tăng 61,9%, hạt tiêu tăng 59,6%, giày dép các loại tăng 50%...
Thống kê của Thương vụ Việt Nam tại Australia cho thấy, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Australia từ 3,3 tỷ USD năm 2009 đã tăng gần 2 lần vào năm 2014 với giá trị đạt hơn 6 tỷ USD, trong đó kim ngạch XK của Việt Nam đạt 3,99 tỷ USD và NK đạt 2,06 tỷ USD.
Hiện, Australia là thị trường XK đứng thứ 8 của Việt Nam. Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu 3,99 tỷ USD và NK 2,06 tỷ USD (Việt Nam đã xuất siêu 1,93 tỷ USD sang Australia). Trong các mặt hàng XK sang thị trường Australia năm 2014, nhóm mặt hàng nông sản, thủy sản đã có tốc độ tăng trưởng tốt nhất, tăng 17,5% so với năm 2013.
Trong đó, mặt hàng hạt tiêu tăng 52,5%, thủy sản tăng 20,7%, hạt điều tuy tăng trưởng chỉ 12,6% nhưng lại là mặt hàng đang chiếm lĩnh thị trường Australia, chiếm tới 96% thị phần NK hạt điều của Australia. Bên cạnh nông sản nhóm mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo cũng đạt được mức tăng 13,9% so với năm 2013.
Trong đó, một số mặt hàng có tốc độ tăng kim ngạch đột biến như sắt thép tăng 121%; dây điện và dây cáp điện tăng 80,4%; xi măng tăng 255%, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 66,5%; hàng dệt may tăng 46,7%; túi xách, ô, mũ tăng 39,4%; giày dép tăng 30,6%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 22,6%.
Theo nhận định của Thương vụ Việt Nam tại Australia, danh mục hàng hóa XK vào Australia tương đối đa dạng. Một số mặt hàng thâm nhập thị trường khá thuận lợi nhờ nhu cầu tiêu dùng tốt. Điển hình là hàng thủy sản. Hiện mặt hàng thủy sản Việt Nam đang XK nhiều nhất sang Australia là tôm, chiếm 59% giá trị XK của thủy sản của Việt Nam sang thị trường này, trong đó tôm đông lạnh chiếm gần 25%. Trên thị trường tôm của Australia, Việt Nam đang chiếm 30% thị phần, chỉ sau Trung Quốc 35%. Song, đối với sản phẩm tôm chế biến, Việt Nam đang dẫn đầu.
Ngoài ra, mới đây, Bộ Nông nghiệp Australia vừa có văn bản chính thức cho phép NK trái vải tươi của Việt Nam kể từ ngày 18-4. Thương vụ Việt Nam tại Australia nhận định, việc đưa trái vải thành công vào thị trường Australia sẽ đồng thời mở ra cơ hội mới cho một số loại trái cây khác như thanh long, nhãn, xoài…
Nhu cầu các mặt hàng của thị trường Australia đều rất lớn. Mỗi năm, Australia NK khoảng 80 tỉ USD, tuy nhiên kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này mới chỉ đạt gần 4 tỉ USD. Do vậy, dung lượng thị trường còn rất lớn, nếu DN nỗ lực thực hiện công tác xúc tiến thị trường, tìm kiếm cơ hội thì kim ngạch XK vào thị trường Australia còn tăng cao hơn nữa. Tuy nhiên, đây là thị trường yêu cầu cao về chất lượng. Đặc biệt đối với các mặt hàng thực phẩm, Australia áp dụng quy định “Lệnh giữ hàng” để xử lý các lô hàng không đạt yêu cầu về chất lượng hoặc yêu cầu về đóng gói, bao bì, ký mã hiệu.
Khi DN nào đã bị áp dụng lệnh giữ hàng, các lô hàng tiếp theo sẽ không được phép NK vào thị trường hoặc phải chịu kiểm tra chặt chẽ trong 5 chuyến sau đó nếu vi phạm lần đầu và là vi phạm các lỗi nhỏ thuộc về nhãn mác, bao bì. Do vậy, muốn đẩy mạnh XK sang thị trường này các DN XK thực phẩm nên chú ý đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Có thể bạn quan tâm

Thành công bước đầu của việc trồng xen canh cây sa nhân tím dưới tán rừng, và rừng xoan đã cho kết quả tốt, hứa hẹn một sự khởi đầu thuận lợi, đồng thời mở ra hướng đi mới, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân đồng thời gắn kết tăng hiệu quả công tác bảo vệ rừng

Nằm về phía tây tỉnh Quảng Trị, Hướng Hóa đến nay vẫn là huyện biên giới miền núi nghèo. Để tìm lời giải cho bài toán xóa đói giảm nghèo, huyện Hướng Hóa đã và đang phát huy nội lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, sản xuất hàng hóa tập trung. Thực hiện có hiệu quả lộ trình xây dựng nông thôn mới, để giảm nghèo bền vững ở những xã đặc biệt khó khăn.

Sau khi tiến hành khảo nghiệm trên cả diện hẹp và diện rộng, các đơn vị nghiên cứu loại ngô biến đổi gen có chung ý kiến rằng loại cây này không ảnh hưởng đến hệ sinh thái xung quanh. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cảnh báo, kết quả nghiên cứu còn chưa đủ tin cậy và cần tiếp tục tiến hành khảo nghiệm thêm trước khi trồng đại trà.

Nuôi cá đồng đã góp phần nâng cao thu nhập của nhiều hộ gia đình ở nông thôn. Lượng cá nuôi này đã cung ứng một lượng lớn cho thị trường nội địa. Phát triển nuôi cá đồng theo hướng bền vững được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong kinh tế nông nghiệp ở mỗi địa phương

Trong những hoạt động nhằm hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới ở Bình Liêu (Quảng Ninh), mô hình nuôi giun quế do huyện Đoàn triển khai được đánh giá là “một mũi tên trúng hai đích”, vừa giải quyết được nhu cầu về nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm, vừa làm sạch môi trường...