Xuất Khẩu, Nông Lâm Thuỷ Sản Tháng 9 Tăng 11,4% So Với Cùng Kỳ Năm Ngoái

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu, nông lâm thuỷ sản tháng 9 ước đạt 2,76 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành 9 tháng đầu năm 2014 lên 22,66 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2013.
Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 10,95 tỷ USD, tăng 9,8%; Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 5,65 tỷ USD, tăng 21,6%; Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 4,63 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2013.
Đáng chú ý, một số mặt hàng như: cà phê và hạt tiêu, hạt điều, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục duy trì là ngành hàng có sự gia tăng cả về sản lượng cũng như giá trị; còn những mặt hàng chính như gạo, cao su, chè… lại có sự sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, tháng 9 năm 2014 xuất khẩu cà phê ước đạt 87 nghìn tấn với giá trị đạt 196 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 9 tháng đầu năm ước đạt 1,35 triệu tấn và 2,81 tỷ USD, tăng 31,9% về khối lượng và tăng 27,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.
Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định, khối lượng hạt điều xuất khẩu tháng 9 ước đạt 27 nghìn tấn với giá trị 175 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu điều 9 tháng đầu năm 2014 đạt 225 nghìn tấn với 1,46 tỷ USD, tăng 19,6% về khối lượng và tăng 21,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.
Mặt hàng tiêu cũng có sự tăng trưởng mạnh. Khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 9 ước đạt 7 nghìn tấn, với giá trị đạt 68 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 9 tháng đầu năm lên 140 nghìn tấn với giá trị 1,06 tỷ USD, tăng 24,5% về khối lượng và tăng 41,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.
Đặc biệt, ngành thủy sản vẫn duy trì là ngành xuất khẩu chiếm tỉ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành với giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 9 ước đạt 619 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 9 tháng đầu năm đạt 5,65 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2013. Hoa Kỳ vẫn duy trì được vị trí là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 22,8% tổng giá trị xuất khẩu. Tiếp theo là Nhật Bản với 14,58% thị phần.
Bên cạnh đó, nhiều ngành hàng lại có sự sụt giảm cả về giá trị và sản lượng xuất khẩu; sụt giảm mạnh nhất về giá trị là ngành hàng cao su. Ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 9 đạt 133 nghìn tấn với giá trị 221 triệu USD, với ước tính này 9 tháng đầu năm 2014 xuất khẩu cao su đạt 705 nghìn tấn với giá trị đạt 1,25 tỷ USD, giảm 2,4% về khối lượng và giảm 21,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.
Có thể bạn quan tâm

Nhằm hạn chế rủi ro do biến động thời tiết cũng như giá cả của thị trường, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động phát triển kinh tế theo hướng tổng hợp đa cây, đa con, có thu nhập cao và ổn định.

Mường Ảng là huyện trọng điểm nằm trong vùng quy hoạch phát triển cây cà phê của tỉnh. Cà phê đã trở thành cây mũi nhọn góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho nhân dân các dân tộc trong huyện.

Sau thời gian giảm giá mạnh, có lúc chỉ còn 8.000 đồng/m2, khiến người trồng cỏ nhung thua lỗ, thì hiện nay giá cỏ nhung tại TP.Sa Đéc đã bắt đầu tăng trở lại. Hiện tại, thương lái đến thu mua cỏ nhung tại vườn với giá 14.000 đồng/m2. Theo một số hộ trồng cỏ nhung, với giá bán hiện tại thì sau khi trừ chi phí, người trồng thu lợi nhuận khoảng 3.000 đồng/m2. Bình quân, cỏ được trồng sau một tháng thì thu hoạch và lợi nhuận trên mỗi công cỏ là khoảng 3 triệu đồng.

UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng quy hoạch chi tiết vùng sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu gắn với sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Riêng chủ sở hữu các nhãn hiệu nông sản phải củng cố, sắp xếp lại tổ chức quản lý nhãn hiệu, xây dựng và rà soát lại quy chế, tiêu chuẩn sản phẩm, quy trình sản xuất gắn với nhãn hiệu.

Mấy năm gần đây, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi, đưa cây màu xuống chân ruộng, nông dân 4 xã: Định Hòa, Phong Hòa, Tân Hòa, Vĩnh Thới của huyện Lai Vung đã chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng màu cho thu nhập kinh tế cao, trong đó huệ trắng là loại cây màu đang được nông dân trồng luân phiên trên chân ruộng với diện tích trên 200ha.